Kiên quyết điều chuyển, thu hồi số vốn đầu tư công chậm giải ngân
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 yêu cầu kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi số vốn đầu tư công chậm giải ngân.
Theo đó, tại Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 đã được giao. Phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân chậm của bộ, ngành, địa phương mình.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 và Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu kiên quyết thực hiện việc điều chuyển hoặc thu hồi số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 đã giao cho các bộ, ngành, địa phương nhưng giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Liên quan đến vấn đề này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 13/9/2019, Bộ Tài chính cũng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến "Tiếp tục thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019" với sự tham gia của các Bộ, ngành Trung ương có kế hoạch vốn đầu tư lớn và toàn bộ các địa phương, các chủ dự án ở địa phương sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nhằm rà soát, đánh giá tình hình giải ngân, đánh giá kỹ nguyên nhân của việc chậm giải ngân để tiếp tục cập nhật, kiến nghị biện pháp tiếp tục thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chuẩn bị cho Hội nghị của Chính phủ về giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2019 vào cuối tháng 9 này.
Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm thời gian qua và từ đầu năm 2019 đến nay chủ yếu tập trung vào các vấn đề: vướng mắc trong giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; tính sẵn sàng của các dự án đầu tư thấp, hoàn thành thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng; chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi.
Trước đó, bên cạnh việc chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thuộc Bộ Tài chính triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài, 01 Hội nghị trực tuyến về giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi với các Bộ, ngành, toàn bộ các địa phương và các chủ dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nhà tài trợ, 03 đợt làm việc với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua đợt phổ biến công tác xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công, trên cơ sở đó, đã có văn bản số 8270/BTC-QLN ngày 16/7/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kiến nghị giải pháp thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2019.
Báo cáo tổng hợp mới nhất của Bộ Tài chính được công bố tại hội nghị trực tuyến hôm 13/9/2019 cho biết 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ giải ngân đạt 3,4% kế hoạch được Quốc hội giao, đạt 7,6% kế hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao. Ước giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2019 khoảng 6.286,316 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cập nhật đến ngày 31/8/2019 mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỷ đồng) và 15,7% kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo (40.735 tỷ đồng). Như vậy, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây và năm 2019 là rất chậm.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công đã thực hiện giai đoạn 2016-2018 mới đạt 137.176 tỷ đồng. Trường hợp năm 2019 số giải ngân thực tế đạt tối đa bằng số kế hoạch (60.000 tỷ đồng) thì số kế hoạch còn lại cho năm 2020 là 162.824 tỷ đồng. Với tiến độ giải ngân như 3 năm trở lại đây thì việc sử dụng hết số kế hoạch vốn còn lại năm 2020 là không khả thi, trong đó vướng mắc lớn hiện nay là việc giao kế hoạch chậm và không phù hợp với tiến độ thực hiện dự án, quy trình điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn dài và phức tạp như đã nêu trên.
Trong thời gian tới, về giải pháp chung, Quốc hội đã thông qua Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư công, do vậy Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi thay thế Nghị định số 132/2018/NĐ-CP và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP theo hướng tập trung vào một đầu mối công tác quản lý nợ công; rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, đảm bảo trong phạm vi 02 triệu tỷ đồng, giảm vốn vay trong nước tương ứng với việc tăng vốn nước ngoài.