Kiên quyết dừng hoạt động cấp chứng chỉ các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện
Kiên quyết dừng hoạt động bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ của các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện theo quy định hoặc có sai phạm.
Đây là một nội dung trong văn bản của Bộ GD&ĐT gửi các sở GD&ĐT, các đại học, trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm; Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng; Cục Đào tạo - Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ.
Quy định rõ chế tài xử lý khi xảy ra sai phạm
Theo văn bản này, thực hiện quy định của Luật Giáo dục (2019), Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý văn bằng, chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Kết quả thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua cho thấy công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các sở GD&ĐT, các Cục, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, vai trò quản lý của các cơ quan quản lý được nâng cao.
Tuy nhiên công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ còn có những tồn tại, hạn chế, một số nội dung thực hiện chưa đúng quy định.
Để bảo đảm công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đúng quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT, các Cục, các đại học, trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm ban hành hoặc rà soát sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản về quản lý văn bằng, chứng chỉ theo đúng nội dung, yêu cầu quy định tại Thông tư số 21/2019/TT- BGDĐT ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.
Nội dung văn bản phải quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền của từng đơn vị, cá nhân, chế tài xử lý khi xảy ra sai phạm và chỉ quy định những nội dung Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT giao cho thủ trưởng cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý quy định.
Đồng thời, thực hiện cấp văn bằng, chứng chỉ đúng quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, các văn bản của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp của giáo dục đại học.
Quản lý văn bằng, chứng chỉ chặt chẽ, khoa học, đúng quy định
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu thực hiện việc quản lý văn bằng, chứng chỉ chặt chẽ, khoa học, đúng quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT, trong đó đặc biệt chú trọng những nội dung:
Ký văn bằng, chứng chỉ đúng thẩm quyền (trường hợp người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ chưa được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 20).
Lập và quản lý sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ, sổ cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ đúng quy định (số gốc cấp văn bằng, chứng chỉ đúng mẫu tại Phụ lục Thông tư); chấn chỉnh việc cho phép nhận thay văn bằng, chứng chỉ.
Thực hiện việc in, quản lý, cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong việc tự chủ in, quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại các điều 9, 10, 11, 12.
Thực hiện công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị theo quy định tại Điều 26. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ, xây dựng các phần mềm tra cứu để tạo thuận lợi người có văn bằng, chứng chỉ, cơ quan quản lý và các tổ chức có liên quan tra cứu, xác minh, công nhận văn bằng, chứng chỉ. Việc công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ đồng thời phải bảo đảm quyền bảo mật thông tin cá nhân của người được cấp văn bằng, chứng chỉ.
Kiên quyết dừng hoạt động cơ sở có sai phạm
Trong văn bản, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vịhướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trong việc việc tổ chức bồi dưỡng, kiểm tra, thi và cấp các loại chứng chỉ. Kiên quyết dừng hoạt động bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ của các cơ sở giáo dục không đủ điều kiện theo quy định hoặc có sai phạm. Cụ thể:
Đối với chứng chỉ ngoại ngữ: Thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Đối với chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin: Triển khai thực hiện đúng Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT- BTTTT quy định hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
Các trung tâm sát hạch phải đủ điều kiện về tư cách pháp nhân, nhân sự; cơ sở vật chất, ngân hàng câu hỏi thi, phần mềm tổ chức thi; việc thành lập Hội đồng thi, quy trình tổ chức và phê duyệt kết quả thi đúng thẩm quyền quy định tại Điều 10, Điều 11; ký cấp chứng chỉ theo đúng quy định tại Điều 17.
Ngoài ra, hoạt động của các trung tâm sát hạch phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.
Đối với chứng chỉ bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số: Thực hiện theo Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT quy định về tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số, Quyết định số 03/2006/QĐ- BGD&ĐT ban hành Chương trình khung dạy tiếng dân tộc thiểu số (có chữ viết) cho cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số và các văn bản quy định chương trình dạy tiếng của một số dân tộc thiểu số do Bộ GD&DT ban hành; trong đó lưu ý điều kiện, thẩm quyền và đối tượng được cấp chứng chỉ quy định tại Điều 8 Thông tư số 36/2012/TT-BGDĐT.
Đối với chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh: Thực hiện theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Các đơn vị không có tên trong Quyết định số 2320/QĐ-BQP ngày 25/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh thì phải được Bộ GD&ĐT cho phép tự chủ mới được tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh.
Đối với chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm: Đơn vị cấp chứng chỉ phải thực hiện bồi dưỡng, kiểm tra, cấp chứng chỉ đúng đối tượng, cấp chứng chỉ đúng thẩm quyền quy định tại các văn bản của Bộ GD&ĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và các văn bản quy định về bồi dưỡng giáo viên.
Bộ GD&ĐT đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học của nước ngoài trên địa bàn.
Chỉ cho phép thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn đối với các đơn vị, tổ chức được Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Tổ chức tập huấn cho các cơ sở giáo dục, đơn vị trực thuộc về công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ và có hình thức truyền thông phù hợp về quyền lợi, trách nhiệm của người được cấp văn bằng, chứng chỉ.
Thực hiện chế độ báo cáo đủ nội dung, đúng thời gian quy định tại Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT và các văn bản khác của Bộ GD&ĐT quy định về bồi dưỡng, sát hạch và cấp chứng chỉ.