Kiên quyết không để dịch sốt xuất huyết lan rộng
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp, ngành y tế tỉnh Long An phối hợp đẩy mạnh các biện pháp phòng tránh, kiên quyết không để dịch bệnh lan rộng.
Mặc dù công tác phòng, chống dịch bệnh SXH được tập trung triển khai thực hiện trong toàn tỉnh nhưng số ca bệnh tại các địa phương liên tục gia tăng, cao gấp nhiều lần so với các năm trước. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.400 ca mắc SXH, tăng gấp 3,2 lần; phát hiện 466 ổ dịch, tăng gấp 3,4 lần so cùng kỳ năm 2018. Địa phương có số ca mắc tăng cao là các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An. Trong đó, TP.Tân An ghi nhận hơn 300 ca mắc, tăng khoảng 4 lần so cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân khiến SXH gia tăng trong thời gian gần đây là công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế; người dân còn thờ ơ, chủ quan trong việc phòng bệnh;...
Bà Phan Thị Cho (phường 7, TP.Tân An) cho biết: “Nhiều người không nghĩ lăng quăng nằm trong các vật dụng chứa nước như chai, lọ,…Tôi thấy, một số gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nhà ở chưa tốt nên muỗi sinh sôi ngày càng nhiều”.
Theo số liệu thống kê, tính từ đầu năm đến cuối tháng 7/2019, huyện Cần Giuộc xảy ra 220 ca SXH, tăng 120 ca so với cùng kỳ năm 2018. Chỉ tính riêng trong tháng 7, huyện xảy ra 70 ca sốt xuất huyết, tăng 30 ca so với tháng 6, tập trung ở các xã: Phước Hậu, Mỹ Lộc, Phước Lý, Phước Lâm, Tân Tập, Trường Bình. Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành y tế huyện tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống: Xử lý triệt để các ổ dịch vừa phát hiện bằng các biện pháp diệt lăng quăng kết hợp phun hóa chất bán kính 200m. Phát động các đợt ra quân vệ sinh môi trường tại khu vực tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Theo dõi, giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch, khuyến cáo người dân đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu của bệnh SXH để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Điều đáng chú ý, tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao như khu vực đông dân cư, khu nhà trọ thì người dân còn “lơ là” với công tác phòng, chống dịch bệnh. Người dân còn vứt rác bừa bãi, nhất là chai, lọ, hộp, vỏ xe,… Khi gặp mưa, các vật dụng này sẽ chứa nước, là nơi lý tưởng cho lăng quăng và muỗi sinh sôi.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng, SXH là bệnh do muỗi truyền, hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng khuyến cáo: “Mỗi người dân thực hiện diệt lăng quăng bằng cách: Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên, không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,... Mọi người nên ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; đồng thời, tích cực phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, ngành y tế tỉnh tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khoanh vùng, khống chế bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc bệnh mới. Công tác truyền thông, phát tờ rơi, tổng vệ sinh, phun thuốc diệt muỗi,... nhằm kiểm soát tại cộng đồng các yếu tố nguy cơ, trọng điểm là giám sát ngăn không để phát sinh lăng quăng, muỗi được chú trọng. Cùng với sự vào cuộc của ngành y tế, người dân cần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết không để bệnh bùng phát ra diện rộng./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/kien-quyet-khong-de-dich-sot-xuat-huyet-lan-rong-a79886.html