Kiên quyết không để hình thành 'điểm nóng' về tội phạm

Gần đây, hoạt động của tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, số vụ mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào vào Việt Nam gia tăng. Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã bắt nhiều vụ với số lượng lên đến hàng trăm bánh heroin, hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp... Các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại cũng tăng cường hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động.

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó tư lệnh BĐBP, cho biết: “Các đối tượng cầm đầu đường dây ma túy, buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức vận chuyển, khi thì bằng ô tô, khi thì dùng lực lượng gùi hàng băng rừng. Gần đây các giao dịch được dịch chuyển vào khu vực biên giới Việt-Lào ở các tỉnh miền Trung”.

Tuyến biên giới Việt-Lào qua địa bàn các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị có địa hình hiểm trở, nên tội phạm thường lợi dụng để hoạt động vận chuyển ma túy, hàng lậu. Chúng thuê người gùi hàng rồi tập kết vào một số điểm gần biên giới, sau đó, các đầu nậu dùng xe máy, xe tải nhỏ chở hàng chạy với tốc độ cao, có người bảo vệ dọc đường; trên đường sông thì dùng thuyền, kết bè kéo đẩy... Khi bị phát hiện truy đuổi, các đối tượng này ra sức ngăn cản lực lượng chức năng, thậm chí dùng vũ khí tấn công, đe dọa… hoặc bỏ lại hàng hóa, phương tiện để chạy trốn.

Nỗi lo không dừng lại ở việc thẩm lậu "hàng" từ biên giới đất liền vào nội địa, hiện nay đã xuất hiện tình trạng các đối tượng nước ngoài "biến" Việt Nam thành nơi chung chuyển ma túy. Chuyên án thu giữ hàng tấn ma túy vừa được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) phối hợp với lực lượng phòng, chống ma túy BĐBP và hải quan bóc gỡ đã hé lộ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng. Chúng chọn địa bàn phía Nam để thuê kho cất giấu ma túy, hàng lậu và dùng vỏ bọc kinh doanh xuất nhập khẩu để tìm cách đưa sang nước thứ ba. Hàng trăm ki-lô-gam heroin và hàng nghìn viên ma túy tổng hợp được chúng giấu trong các kiện hàng vải vóc, hạt nhựa.

Đấu tranh với tội phạm ma túy ngày càng khó khăn, gian khổ. Không ít cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Nếu không mua chuộc được lực lượng làm nhiệm vụ, các đối tượng chuyển sang uy hiếp, thậm chí đe dọa tính mạng của người thân cán bộ, chiến sĩ. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã liên tục kiểm tra, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ; công tác động viên, khen thưởng được tiến hành kịp thời. Đồng thời, nếu phát hiện vi phạm, cấp ủy, chỉ huy các cấp sẽ xử lý nghiêm. Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân nếu tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu. Trong đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Bộ tư lệnh BĐBP và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Lạng Sơn đã thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 23 cán bộ, chiến sĩ vi phạm”.

Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn bán ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại liên tục thay đổi phương thức vận chuyển hàng. Từ đường bộ, chúng chuyển sang đường biển, thậm chí xé lẻ hàng để gửi qua đường hàng không. Cùng với đó là các mánh lới như: Lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để tuồn các loại hàng như phế liệu, nội tạng động vật vào nội địa bán kiếm lời, hay quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa.

Hoạt động buôn lậu trên biển nổi lên ở vùng biển Đông Bắc với các loại hàng hóa lợi nhuận cao, như: Dầu, than, thuốc lá điếu, hàng gia dụng, hải sản không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vùng biển miền Trung thì hoạt động vận chuyển dầu, pháo nổ. Vùng biển phía Nam là "điểm nóng" về buôn lậu xăng dầu, phân bón. Các tàu chở hàng lậu tắt các thiết bị hành trình, sử dụng giấy tờ giả mạo, đổi tên, quốc tịch, đổi màu sơn, xóa tên, số đăng ký tàu, thuê thuyền trưởng và thuyền viên người Việt Nam nhằm móc nối với các đối tượng trong nước tìm cách chuyển tải vào nội địa tiêu thụ.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, triển khai mọi phương án đấu tranh. Bộ tư lệnh BĐBP, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển huy động tối đa lực lượng, phương tiện truy quét tội phạm ma túy, giải quyết các "điểm nóng" về buôn lậu, gian lận thương mại. Các lực lượng phối hợp chặt chẽ trong tuần tra, kiểm soát, trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện, đấu tranh triệt phá các vụ án, vụ việc vi phạm. Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng yêu cầu: “BĐBP, Cảnh sát biển phải phát huy vai trò nòng cốt trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Kiên quyết không để hình thành "điểm nóng" phức tạp về tội phạm, tệ nạn xã hội ở khu vực biên giới, trên biển”.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, các đơn vị nghiệp vụ cần tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ cho lực lượng trinh sát, trinh sát kỹ thuật. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị có chức năng đấu tranh với tội phạm thường xuyên làm tốt công tác quản lý, bảo vệ an ninh nội bộ; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh ngay chỉ huy các đồn, trạm, hải đoàn, hải đội và lực lượng trực tiếp đánh án. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp đấu tranh, truy quét tội phạm, công tác tuyên truyền phải được chú trọng. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần quan trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, để người dân thấy rõ tác hại, sự nguy hiểm của tội phạm. Qua đó vận động gia đình, cộng đồng tránh xa tệ nạn xã hội, không phạm tội, đồng thời tích cực đấu tranh tố giác tội phạm với lực lượng chức năng, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

TUẤN NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/kien-quyet-khong-de-hinh-thanh-diem-nong-ve-toi-pham-582339