Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đúng dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2-2023 và 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (TNTC), cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, PGS-TS NGUYỄN QUỐC DŨNG, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết, cuốn sách không chỉ cung cấp tri thức lý luận và thực tiễn về phòng, chống TNTC mà nội dung cuốn sách còn là quan điểm, nhiệm vụ chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết, kiên trì với việc phòng, chống TNTC ở nước ta.
Cẩm nang cho mỗi người
Thưa PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, nội dung cốt lõi của cuốn sách này là gì?
- Cuốn sách gồm 3 phần: phần thứ nhất, một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống TNTC ở Việt Nam; phần thứ hai, nhất quán phương châm “phòng ngừa TNTC từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”; phần thứ ba, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
Cuốn sách cần được tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân vì như Tổng bí thư nói, đấu tranh phòng, chống TNTC là trách nhiệm cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua đó để củng cố vững chắc hơn nữa niềm tin của nhân dân vào Đảng, kiên quyết, kiên trì phòng, chống TNTC trong giai đoạn hiện nay.
Toàn bộ tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng bí thư về đấu tranh phòng chống TNTC đã được hệ thống lại trong cuốn sách như một đáp án cho câu hỏi vì sao chúng ta phòng, chống TNTC được mạnh mẽ, quyết liệt và thành công như vừa qua. Nội dung cuốn sách đã phản bác lại một số quan điểm rằng, đấu tranh phòng, chống TNTC ở Việt Nam như một cuộc đấu tranh nội bộ, làm nhụt ý chí của cán bộ, không phải như vậy, chính đấu tranh phòng, chống TNTC đã làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước để đất nước phát triển, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay.
Trong cuốn sách còn tập hợp hơn 60 ý kiến của các nhà ngoại giao quốc tế, các đại biểu Quốc hội, nhà báo, nhà khoa học và nhân dân về công tác phòng, chống TNTC, phần lớn ý kiến đều đánh giá cao công tác phòng, chống TNTC của nước ta. Đó là những ý kiến rất có ý nghĩa trong tình hình hiện nay khi Đảng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, lấy đà đưa nước ta vượt lên tầm cao mới, nhất là nền kinh tế đất nước đang phát triển sôi động, mạnh mẽ như hiện nay thì phòng, chống TNTC trở thành vấn đề quan trọng.
Cuốn sách là cẩm nang cho tất cả chúng ta, nhất là các đồng chí làm công tác nội chính, công tác kiểm tra Đảng nắm được những quan điểm, nhiệm vụ giải pháp của Đảng ta, của Tổng bí thư về phòng, chống TNTC.
Trong cuốn sách, Tổng bí thư chỉ rõ “Rất nghiêm minh nhưng rất nhân văn” trong xử lý TNTC, ý nghĩa của câu nói này như thế nào, thưa ông?
- Tính nhân văn trong xử lý TNTC là trị bệnh cứu người; kỷ luật một vài người để cứu muôn người; truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính, nên cần phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Phải tăng cường giáo dục, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn, đảm bảo phát triển vững bền và hạnh phúc của nhân dân.
Sau khi cuốn sách được xuất bản, Ban TVTU Đồng Nai đã có Kế hoạch số 238-KH/TU ngày 28-3-2023 về triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về cuốn sách này của Tổng bí thư.
TNTC xảy ra do các nguyên nhân chủ quan và khách quan nên việc xử lý phải hết sức biện chứng, chặt chẽ, phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể về tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm; xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại và nguyên nhân để đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hòa các mối quan hệ, từ đó giải quyết có tình, có lý, đúng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin về quan điểm nhìn sự vật nhiều chiều, nhiều góc độ, trong hoàn cảnh lịch sử của nó...
Tính nhân văn trong xử lý TNTC còn thể hiện ở quan điểm: cảnh tỉnh là chính, nếu phải đi đến mức xử lý kỷ luật là chuyện bất đắc dĩ phải làm. Ngay cả khi đã xử lý kỷ luật cũng phải mở đường cho người ta phục thiện, hướng tới một con người tốt hơn sau khi đã vi phạm, vì thế Bộ Chính trị đã có Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Chúng ta có nghị định 41 khuyến khích miễn nhiệm từ chức, cho nên chống tham nhũng để thu hồi được tài sản, cảnh tỉnh từ sớm từ xa chứ không phải để tích tụ mới xử lý.
Xử lý TNTC không phải nhằm triệt tiêu những người dám nghĩ, dám làm mà phải bảo vệ người tốt, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
Phải chống suy thoái
Công cuộc phòng, chống TNTC đã và đang được Đảng, Nhà nước cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng TNTC vẫn xảy ra, thậm chí vụ sau vi phạm lớn hơn vụ trước, theo PGS-TS, đâu là nguyên nhân để cán bộ có hành vi TNTC?
- Trong cuốn sách, Tổng bí thư nói rất hay: nguyên nhân cơ bản, gốc rễ của TNTC là sự suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống của cán bộ, đó là nguyên lý. Để xử lý thì phải giải quyết cái gốc, tức là chống suy thoái tư tưởng đạo đức lối sống. Cán bộ sai trong thời gian qua do không tu dưỡng đạo đức lối sống, cho nên cùng với cuộc đấu tranh phòng, chống TNTC phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống những tư tưởng xa lạ, phải rèn luyện đạo đức và như Tổng bí thư đã nói, phải xây dựng văn hóa liêm chính.
Văn hóa liêm chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, trời có 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông; đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc; người có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa không thành trời; thiếu một phương không thành đất; thiếu một đức không thành người.
Tất cả cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng tốt theo những lời căn dặn của Bác Hồ và Đảng đã dạy chúng ta thì đất nước ta sẽ phát triển. Rất tiếc một bộ phận cán bộ không làm được điều đó, khi cán bộ ở vị trí càng cao mà TNTC thì tác hại càng lớn. Điều quan trọng thời gian qua là chúng ta đã phát hiện không ít vụ việc TNTC, còn không phát hiện được là rất nguy hiểm. Khi phát hiện được, Đảng và Nhà nước đã xử lý tới nơi tới chốn, có những cán bộ lãnh đạo ở vị trí rất cao của đất nước đã từ chức vì liên quan đến trách nhiệm trong đấu tranh TNTC.
Theo ông, thời gian tới cần làm gì để công tác phòng, chống TNTC đạt hiệu quả cao hơn ?
- Theo tôi, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực để đảm bảo không thể, không dám, không muốn, không cần TNTC. Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống TNTC khu vực ngoài Nhà nước và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống TNTC. Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật hành chính của Nhà nước; kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hằng (thực hiện)