Kiên quyết loại ra khỏi Đảng những cán bộ thoái hóa, biến chất

'Nếu kiểm soát quyền lực tốt thì khi họ bắt đầu chớm vào 'vạch đỏ' của sự sai sót, chúng ta 'thổi còi' ngay sẽ không sao. Nhưng nếu để leo lên chức vụ rất cao rồi vi phạm và đứng trước vòng lao lý, trở thành tội phạm là điều rất đáng tiếc và cũng là bài học sâu sắc cho công tác cán bộ'.

Đó là nhấn mạnh của đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân Điện tử về những giải pháp tăng cường sức chiến đấu của Đảng.

Đảng ta rất quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Phóng viên (PV): Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đâu là những điểm đồng chí thấy ấn tượng nhất?

Đồng chí Lê Như Tiến: Trong nhiệm kỳ vừa qua, điều mà tôi ấn tượng nhất là Đảng ta rất kiên quyết, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Ấn tượng thứ hai là trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai,... với nhiều khó khăn và thách thức, nước ta vẫn đạt nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền, tăng cường xây dựng một đất nước có nền kinh tế vững mạnh, an sinh xã hội tốt, ổn định chính trị và nâng cao mức sống của người dân...

Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực để Đảng ta tăng cường sự lãnh đạo trong thời gian tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá vai trò quan trọng của cán bộ trong thực hiện công việc cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá vai trò quan trọng của cán bộ trong thực hiện công việc cách mạng.

PV: Nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả rõ rệt. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá quyết liệt, hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết giữa “xây” và “chống”. Vậy trong nhiệm kỳ tới, chúng ta cần tiếp tục chỉnh đốn trong Đảng như thế nào? Theo đồng chí, có cần thực hiện chất vấn trong Đảng không?

Đồng chí Lê Như Tiến: Phải khẳng định, công tác cán bộ là “trọng tâm của mọi trọng tâm”. Như Bác Hồ đã từng nói: Cán bộ là cái gốc của công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

Trong nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, Đảng ta rất quan tâm tới việc bồi dưỡng, chăm lo đội ngũ cán bộ và cũng rất kiên quyết loại ra khỏi Đảng những cán bộ thoái hóa, biến chất, tham ô, lãng phí, tham nhũng. Đã có gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, thậm chí cả các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, các Bộ trưởng, Thứ trưởng... mắc khuyết điểm phải vào vòng lao lý, bị xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ, cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc chống tiêu cực liên quan tới cán bộ. Đây là thành công nổi bật trong nhiệm kỳ, là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Bên cạnh việc “chống” đó, việc “xây” cũng được quan tâm, chú trọng. Đó là xây dựng đội ngũ lớp cán bộ kế tục, cán bộ chủ chốt Trung ương và dự kiến các lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ XIII này. Việc này cũng rất quan trọng nhằm xây dựng đội ngũ kế tục sự nghiệp của Đảng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ tới của Đảng, cần tiếp tục củng cố, chấn chỉnh đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chỉ có thể tăng cường sức mạnh của Đảng bằng cách luôn luôn đề phòng các tiêu cực, chỉnh đốn Đảng để mỗi cán bộ, đảng viên trong sạch hơn.

Hình thức chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện ở Quốc hội rất tốt. Hình thức này nên được lan tỏa vào trong Đảng, thành chất vấn và trả lời chất vấn đối với những người có chức vụ lãnh đạo trong Đảng, chính quyền. Chất vấn ở đây là chất vấn những người mà Đảng đã giao nhiệm vụ, qua đó, sẽ nhận ra được những điểm yếu, mạnh và có hướng phấn đấu tốt hơn trong hậu chất vấn. Đó chính là hành động và chuyển động, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên được Đảng cử ra giữ những trọng trách ở Trung ương, địa phương thấy được mình cần phấn đấu như thế nào trong tương lai. Do đó, hình thức chất vấn trong Đảng sẽ rất hiệu quả.

Kiểm soát quyền lực để không thể lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng?

Đồng chí Lê Như Tiến: Công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất chu đáo, công phu, khoa học, khách quan, chuẩn bị từ rất sớm, chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tuy nhiên công tác cán bộ của Đảng phải do Đảng quyết định. Tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào Đại hội lần này sẽ khách quan, công tâm, minh bạch, sáng suốt lựa chọn ra những người xứng đáng bầu vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng ta.

PV: Để tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, chúng ta cần thực hiện những biện pháp gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Như Tiến: Để tăng cường sức chiến đấu của Đảng, trước hết cần tăng cường chất lượng của cán bộ, đảng viên, nhất là cần kiểm soát quyền lực. Kiểm soát quyền lực cần rất chặt chẽ, vì người có quyền thường lạm quyền, lộng quyền và chuyên quyền.

Việc kiểm soát quyền lực có ý nghĩa quan trọng bởi sẽ khiến những người có quyền không thể lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền được, mà tập trung toàn tâm, toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.

Cần làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ điều này, đồng thời, có cơ chế để kiểm soát quyền lực, như kiểm tra chéo, kiểm soát lẫn nhau, giữa các cơ quan của nhà nước với các cơ quan Đảng, giữa nhân dân với Đảng, giữa các tổ chức chính trị, xã hội với Đảng... Đó là một hình thức kiểm soát quyền lực rất tốt và phát huy hiệu quả.

Thời gian vừa qua, do không kiểm soát tốt quyền lực nên một số người có quyền thường lộng quyền, lạm quyền và chuyên quyền nên mới xảy ra tình trạng vi phạm của một số cán bộ, đảng viên. Nếu kiểm soát quyền lực tốt thì khi họ bắt đầu chớm vào “vạch đỏ” của sự sai sót, chúng ta “thổi còi” ngay sẽ không sao. Nhưng nếu để leo lên chức vụ rất cao rồi vi phạm và đứng trước vòng lao lý, trở thành tội phạm là điều rất đáng tiếc và cũng là bài học sâu sắc cho công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu cũng rất quan trọng. Đó là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu: Khi có việc gì đó xảy ra thì người đứng đầu phải giải trình một cách minh bạch, công khai và chịu trách nhiệm trước mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức.

Thứ ba, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải phối hợp chặt chẽ và vào cuộc khi thấy những sai trái trong cán bộ, đảng viên. Thứ tư, cơ quan cấp trên và những tổ chức cơ sở Đảng phải thường xuyên giám sát, kiểm tra thì mới thấy được điểm mạnh, yếu của họ. Thứ năm, mọi cán bộ, đảng viên phải làm việc, hành động tuân theo pháp luật của nhà nước, theo điều lệ và các nghị quyết của Đảng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Video clip đồng chí Lê Như Tiến trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử.

THẢO NGUYỄN (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/y-kien-tam-huyet-voi-dang/kien-quyet-loai-ra-khoi-dang-nhung-can-bo-thoai-hoa-bien-chat-650471