Kiên quyết ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam
Nghệ An ở gần 'tam giác vàng', khu vực được xem là trung tâm sản xuất, buôn bán ma túy lớn trên thế giới. Thời gian qua, các đối tượng tội phạm đã móc nối, tìm cách vận chuyển 'cái chết trắng' từ khu vực này qua Lào, rồi bằng các thủ đoạn tinh vi vận chuyển qua biên giới vào tỉnh Nghệ An, sau đó đưa đi các tỉnh, thành phố khác và sang nước khác để tiêu thụ.
Với tinh thần chiến đấu không khoan nhượng với loại tội phạm này, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã đấu tranh quyết liệt, chặt đứt nhiều đường dây vận chuyển, mua bán các chất ma túy có quy mô, số lượng lớn.
Mới đây, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cùng các lực lượng liên quan đã triệt phá Chuyên án A 424.5p, bắt giữ nhiều đối tượng và thu giữ số lượng lớn ma túy tổng hợp. Thượng tá Trịnh Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, đây là giai đoạn nằm trong chuyên án đấu tranh triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia, do Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xác lập từ tháng 4/2024.
Địa bàn của chuyên án trải dài qua 10 tỉnh dọc tuyến biên giới Việt Nam-Lào, từ Điện Biên đến Kon Tum. Ma túy từ “tam giác vàng”, dưới sự điều hành trực tiếp của ông trùm người nước ngoài, sẽ thẩm lậu vào Việt Nam qua đường biên giới trên đất liền.
Theo Thượng tá Trịnh Văn Nghĩa, các ông trùm ma túy thường lôi kéo các du học sinh đang, hoặc đã từng có thời gian học tập tại Việt Nam vào đường dây vận chuyển, thông qua các cuộc du lịch, thăm thân. Ma túy được giấu trong ô-tô làm thủ tục nhập cảnh nước ta. Đáng nói, có những người bị lợi dụng, khi bị bắt mới biết xe của đoàn mình vận chuyển hàng cấm. Phương thức hoạt động này gây nhiều khó khăn cho lực lượng phá án.
Tuy nhiên, qua bốn giai đoạn đấu tranh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp Bộ đội Biên phòng các địa phương và các lực lượng liên quan đã chặt đứt nhiều chân rết của đường dây, bắt giữ 21 đối tượng vận chuyển trái phép hơn 423 kg ma túy đá.
Mặc dù liên tiếp bị mất lượng hàng lớn, nhưng ông trùm bí ẩn của đường dây này vẫn không từ thủ đoạn, tiếp tục tổ chức các chuyến hàng vào Việt Nam. Sau thất bại khi tuồn ma túy qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình), Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Thanh Hóa), Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum), ông trùm chuyển hướng qua Cửa khẩu Nậm Cắn (Nghệ An).
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Bộ đội Biên phòng nắm được thông tin về việc sắp có một chuyến hàng lớn vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Với thông tin tình báo này, hàng chục cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và các lực lượng liên quan đã “bày binh, bố trận”, sẵn sàng “thu lưới”, quyết không để “cá lớn lọt lưới”.
Đến khoảng 14 giờ 30 phút ngày 4/11, khi xe ô-tô hiệu Toyota Parado mầu đen, mang biển kiểm soát Lào, chở theo năm người nhập cảnh vào Việt Nam. Trong số những người này, lực lượng kiểm soát tại Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phát hiện có đối tượng nữ Phabou Misouda (sinh năm 2005, đối tượng nằm trong diện cảnh báo nhập cảnh).
Sau mật lệnh của chỉ huy ban chuyên án, lực lượng chuyên án ập vào, khống chế cả năm đối tượng, khiến chúng không kịp trở tay. Khám xét phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 70 kg ma túy tổng hợp. “Chiếc xe này có hai bình xăng. Bình xăng phụ dùng để chứa nhiên liệu, còn bình xăng chính được cải hoán, làm hầm chứa 50 gói ma túy ngụy trang thành các gói trà, trọng lượng 1kg/gói. Ở chung quanh thành xe và dưới các lớp bọc ghế ngồi, ban chuyên án phát hiện thêm 20 gói ma túy. Các gói ma túy này được phủ một lớp giấy để tránh bị máy quét phát hiện…”, Thượng tá Trịnh Văn Nghĩa cho hay.
Là người từng tham gia nhiều chuyên án ma túy, Thiếu tá N.H.V, trinh sát Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm chia sẻ: “Tham gia đánh án, việc phải lội suối, vượt rừng, ăn lương khô, mì tôm sống, uống nước suối qua ngày, ém mình cả tháng trời trong rừng là “chuyện như cơm bữa”. Hay như anh em đi đánh án vào dịp Tết, rất nhớ gia đình, vợ con, nhưng phải đặt nhiệm vụ lên hàng đầu.
Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, thậm chí đến cuộc điện thoại cũng không được phép nghe”. Năm 2022, sau nhiều tháng trời ròng rã, giai đoạn hai của Chuyên án NA 1222 do anh tham gia mới khép lại, khi hai đối tượng còn lại trong chuyên án bị bắt vào tối mồng 4 Tết Nguyên đán năm 2023.
Theo Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Nghệ An do địa bàn ở gần khu vực “tam giác vàng”, khu vực được xem là trung tâm sản xuất, buôn bán ma túy lớn trên thế giới, các đối tượng móc nối, tìm cách vận chuyển “cái chết trắng” từ đây qua Lào, sau đó tập kết ở khu vực biên giới đối diện, rồi bằng các thủ đoạn tinh vi đưa qua biên giới vào Nghệ An để đưa đi các địa phương và sang nước khác để tiêu thụ.
Tuyến biên giới đất liền của Nghệ An dài hơn 468km, phía tây tiếp giáp ba tỉnh của Lào (gồm: Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay). Đời sống của nhân dân ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, nhân dân hai bên biên giới có mối quan hệ dòng tộc từ lâu đời; trong khi đó, địa bàn biên giới rộng, nhiều sông suối, có nhiều đường mòn, lối mở cho nên các đối tượng, nhất là tội phạm ma túy thường lợi dụng để hoạt động.
Các đối tượng, đường dây tội phạm ma túy có liên kết chặt chẽ với nhau, khi có mối tiêu thụ lớn thì sẵn sàng “gom hàng” để vận chuyển đến bất cứ địa bàn nào theo yêu cầu. Trong quá trình vận chuyển, chúng phân công cụ thể theo từng cung đoạn, phân chia theo từng địa bàn, mỗi nhóm phụ trách một nhiệm vụ, hoạt động theo kiểu “đơn tuyến”, không biết mặt, nhiệm vụ của nhau, thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của đối tượng cầm đầu.
Khi đã thống nhất được chủ hàng ở nội biên, các đối tượng ở ngoại biên thường thuê người bản địa có quan hệ anh em, thân tộc, dòng họ, thông thuộc địa hình để khảo sát đường vận chuyển, địa điểm giao hàng.
Tội phạm ma túy thường sử dụng thiết bị hồng ngoại để phát hiện lực lượng mật phục của ta. Chúng rất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí nóng, như: súng, lựu đạn… để chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng phát hiện, vây bắt. Trong quá trình đấu tranh, vây bắt loại tội phạm nguy hiểm này, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An đã bị trọng thương, nhiều người mang thương tật vĩnh viễn…
Những cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh xác định rõ đây là trận tuyến vô cùng cam go và nóng bỏng. Công tác đấu tranh gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, thậm chí nguy cơ đánh đổi cả tính mạng, và dù có khó khăn đến đâu, nguy hiểm đến đâu cũng không hề e sợ, khoan nhượng với loại tội phạm này.
“Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Nghệ An sẽ tiếp tục cùng các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trao đổi thông tin với lực lượng ở địa bàn đối diện của nước bạn Lào, đẩy mạnh hoạt động đấu tranh, triệt phá, chặt đứt các đường dây vận chuyển ma túy trái phép, ngăn chặn ma túy thẩm lậu từ biên giới vào Việt Nam, bảo vệ sự bình yên của đất nước và hạnh phúc của nhân dân”, Đại tá Dương Hồng Hải nhấn mạnh.