Kiên quyết ngăn chặn sạt lở đất

Địa bàn huyện Bù Đăng có nhiều đồi núi, sườn dốc và khe suối. Do đó, vào mùa mưa thường xuyên xảy ra tình trạng sụt lún, sạt lở đất, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, nguyên nhân chính là do tác động của con người. Trước thực trạng này, chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.

Đến hẹn lại… lo

Người dân xã Đăng Hà phần lớn di cư từ phía Bắc vào, thường lấy mặt bằng tại các triền núi dốc để xây dựng nhà ở, định cư lâu dài. Cùng với đó, tình trạng khai thác đất trái phép nhỏ lẻ ở khu vực vùng sâu, vùng xa cũng thường xảy ra. Đây là nỗi lo lớn trong việc đảm bảo an toàn cho người dân mỗi mùa mưa đến.

Người dân xã Đăng Hà thường có thói quen làm nhà dưới ven triền núi dốc

Người dân xã Đăng Hà thường có thói quen làm nhà dưới ven triền núi dốc

Tình trạng sạt lở đất và ngập lụt diện rộng trên địa bàn thôn 5, xã Đăng Hà thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, tham gia lưu thông của người dân

Tình trạng sạt lở đất và ngập lụt diện rộng trên địa bàn thôn 5, xã Đăng Hà thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, tham gia lưu thông của người dân

Trưởng thôn 5, xã Đăng Hà Đinh Đức Nam cho biết, địa bàn thôn 5 rộng, trải dài, phần lớn là đồi dốc. Người dân nơi đây thường làm nhà ở ven các triền núi, trong khi vào mùa mưa dễ xảy ra sạt lở, rất nguy hiểm cho người dân và gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Trong tháng 7 vừa qua, trên địa bàn thôn xảy ra sạt lở khiến một ngôi nhà bị sập, thiệt hại lớn về tài sản. Ban quản lý thôn cùng UBND xã đã kịp thời khắc phục sự cố. Nguyên nhân sạt lở, sụt lún là do tình trạng khai thác đất trái phép, san gạt mặt bằng làm nhà ở triền dốc làm suy yếu cấu trúc đất.

Chủ tịch UBND xã Đăng Hà Vũ Ngọc Đỉnh cho biết, để giải quyết tình trạng này, chính quyền địa phương thường xuyên cảnh báo và tìm các giải pháp khắc phục sạt lở. Đối với tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn, UBND huyện Bù Đăng cũng như UBND xã sẽ cương quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện.

Trước đó, năm 2023 tại thôn 3, xã Đăng Hà xuất hiện tình trạng khai thác đất quy mô lớn. Do khai thác đất quá mức nên khi mưa xuống kéo theo lượng lớn bùn đất tràn ra đường, đổ vào vườn rẫy phía dưới, đến nay tình trạng sạt lở đã được khắc phục. Ngoài xử phạt hành chính đối tượng khai thác đất trái phép, chính quyền địa phương đã buộc chủ đất phải trồng cây xanh che chắn, đào mương thoát nước tránh tình trạng đất, nước tràn vào vườn, rẫy của các hộ dân. Cùng với đó, xã Đăng Hà đã đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông qua khu vực này, tạo thuận lợi cho việc lưu thông và ngăn bùn đất tràn xuống.

Một nỗi lo nữa của người dân khu dân cư Bàu Tre thuộc thôn 5, xã Đăng Hà là mỗi mùa mưa đến khu vực này đều xảy ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng và kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân nên cần có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Trao đổi vấn đề này, ông Vũ Ngọc Đỉnh cho biết, UBND xã đã kiến nghị UBND huyện, Ban Dân tộc tỉnh ưu tiên nguồn vốn dân tộc, miền núi đầu tư vào thôn đặc biệt khó khăn nhằm khơi thông suối thoát nước ra sông Đồng Nai. Chiều dài của dòng suối 11km nên kinh phí thực hiện rất lớn, vì vậy Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện đến khảo sát, xem xét thực tế để triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân.

Cùng với Đăng Hà, tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, do địa hình nhiều đồi núi dốc nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa, nhất là đoạn dốc 5 cây (tuyến Sao Bọng - Đăng Hà) và đường vào thôn 9. Tại tuyến đường vào thôn 9, trước đây xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún làm biến dạng địa hình khiến việc lưu thông qua khu vực này gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đến nay, tuyến đường đã được đổ bê tông xi măng và xây dựng mương thoát nước hai bên. Cùng với đó, nhiều khu vực khác cũng đã được khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Tình trạng sạt lở đất và ngập lụt diện rộng trên địa bàn thôn 5, xã Đăng Hà thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, tham gia lưu thông của người dân

Tình trạng sạt lở đất và ngập lụt diện rộng trên địa bàn thôn 5, xã Đăng Hà thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, tham gia lưu thông của người dân

“Những năm trước, tình trạng sạt lở tại dốc 5 cây thường xuyên xảy ra, tuy nhiên qua kiến nghị, Sở Giao thông vận tải đã khắc phục. Đối với các khu vực khác trên địa bàn, UBND xã thường xuyên theo dõi, giám sát, nếu sạt lở xảy ra sẽ có hướng khắc phục kịp thời, nhất là tại các tuyến đường người dân đi lại nhiều. Và đến nay, trên địa bàn xã không còn tình trạng sạt lở đất vào mùa mưa”.

Chủ tịch UBND xã Thống Nhất BÙI ANH TUẤN

Vào cuộc quyết liệt

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết: Do đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng và thời gian qua trên địa bàn huyện thường xuyên có những đợt mưa lớn kéo dài khiến đất bị bão hòa. Đó chính là yếu tố “kích hoạt” trực tiếp gây sạt trượt, nứt đất. Về chủ quan, do một số hộ dân thực hiện san gạt lấy mặt bằng xây nhà ở, công trình và thực hiện khai thác cây trồng ở sườn dốc, làm mất chân sườn và mất đi lớp phủ thực vật bảo vệ tự nhiên, dẫn đến sạt lở đất khi mưa lớn kéo dài. Cùng với đó, thời gian trước, tại một số địa phương xảy ra tình trạng khai thác đất, cát trái phép.

Để hạn chế sạt lở cũng như khắc phục sự cố sạt lở đất, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng và tăng cường trồng cây xanh ven đường, các sườn dốc để tạo lớp phủ thực vật bảo vệ tự nhiên. Kiểm tra, khảo sát những vùng đất cao có nguy cơ bị sạt trượt để đề nghị tỉnh xem xét, bổ sung vào quy hoạch các mỏ đất san lấp làm vật liệu thông thường phục vụ thi công tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Đối với tình trạng khai thác đất, cát trái phép, thời gian qua, UBND huyện đã vào cuộc quyết liệt, coi việc xử lý tình trạng khai thác đất san lấp, cát trái phép trên địa bàn là vấn đề cấp bách để chỉ đạo. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; triệu tập chủ tịch UBND các xã, thị trấn họp để chấn chỉnh, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị cấp xã cùng vào cuộc trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản chưa khai thác.

Tình trạng sạt lở do khai thác đất trái phép ở địa bàn thôn 3, xã Đăng Hà nay đã được khắc phục, trồng cây xanh và đổ bê tông xi măng tuyến đường

Tình trạng sạt lở do khai thác đất trái phép ở địa bàn thôn 3, xã Đăng Hà nay đã được khắc phục, trồng cây xanh và đổ bê tông xi măng tuyến đường

Tuyến đường vào thôn 9, xã Thống Nhất trước đây sụt lún làm biến dạng địa hình

Tuyến đường vào thôn 9, xã Thống Nhất trước đây sụt lún làm biến dạng địa hình

Tuyến đường vào thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đã được khắc phục đổ bê tông xi măng và làm mương thoát nước kiên cố hai bên

Tuyến đường vào thôn 9, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đã được khắc phục đổ bê tông xi măng và làm mương thoát nước kiên cố hai bên

Cùng với tình trạng sạt lở đất ở khu vực đồi núi dốc thì Đăng Hà và Thống Nhất cũng là những địa phương có sông Đồng Nai đi qua nên trước đây xuất hiện tình trạng sạt lở đất ven sông do hút cát trái phép. Ông Trần Văn Phương cho biết, UBND huyện Bù Đăng đã làm việc với UBND huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng để thống nhất một số giải pháp phối hợp trong công tác quản lý và xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện. Đồng thời chỉ đạo Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp làm việc với các cá nhân, doanh nghiệp yêu cầu thực hiện di dời bãi tập kết cát trên các thửa đất chưa đảm bảo quy định. Sau khi thực hiện di dời, UBND huyện cũng đã chỉ đạo Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp tiến hành bàn giao các khu đất đã di dời cho các chủ rừng, địa phương quản lý; chỉ đạo Công an huyện khảo sát, đề xuất lắp camera để thường xuyên theo dõi, kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp khai thác cát trái phép.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt nên tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép không còn xảy ra ở dọc sông Đồng Nai. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề mà các doanh nghiệp trước đây từng được cấp phép khai thác cát quan tâm là hệ thống máy móc, phương tiện, trang thiết bị sẽ được giải quyết như thế nào để tránh thất thoát nguồn kinh phí lớn. Cùng với đó là hàng chục lao động sẽ mất việc làm khi doanh nghiệp không còn hoạt động.

Ông Phan Văn Sơn, quản lý Công ty TNHH SX TM DV Trường Phát, thôn 5, xã Thống Nhất cho biết, khoảng năm 2015 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát nên đã đầu tư kinh phí lớn mua tàu bè và nhiều loại phương tiện, máy móc, thiết bị khác. Tuy nhiên, từ năm 2019, giấy phép hết hạn nên không còn được khai thác, máy móc, thiết bị, phương tiện ngưng hoạt động làm thất thoát nguồn kinh phí lớn. Bởi vậy, doanh nghiệp mong muốn chính quyền các cấp gia hạn giấy phép để tiếp tục sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và cung cấp cát xây dựng cho người dân.

“Địa phương mong muốn UBND tỉnh Bình Phước và tỉnh Lâm Đồng sớm cấp phép khai thác cho đơn vị, doanh nghiệp đủ năng lực và trách nhiệm quản lý tốt. Đây là giải pháp nhằm giảm áp lực quản lý cho địa phương, đồng thời Nhà nước thu được thuế tài nguyên” - ông Vũ Ngọc Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đăng Hà kiến nghị.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/161862/kien-quyet-ngan-chan-sat-lo-dat