Kiên quyết ngăn chặn trục lợi BHYT

Thời gian gần đây, qua công tác thanh - kiểm tra, ngành y tế đã phát hiện có tình trạng gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. Với quyết tâm ngăn chặn và chấn chỉnh tình trạng này, ngày 9-9-2019, Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, qua đó đảm bảo quyền lợi của người tham gia và sử dụng quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả.

>> Khám, chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tỉnh hưởng 100% chi phí nội trú từ năm 2021
>> Tăng cường phòng, chống hành vi trục lợi quỹ BHYT
>> Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi gian lận BHXH, BHYT, BHTN
>> Đồng Phú chuyển biến tích cực trong thực hiện BHYT
>> Tăng cường thực hiện BHYT học sinh trong năm học mới

BHYT là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Việc tham gia BHYT sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm. Thế nhưng, tình trạng gian lận, trục lợi quỹ BHYT xảy ra trong những năm qua đã gây bức xúc dư luận, dẫn đến việc bội chi quỹ khám, chữa bệnh. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do một bộ phận người lao động trong ngành y tế thiếu hiểu biết chính sách, pháp luật về BHYT, chưa tuân thủ các quy định về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh. Sự phối hợp giữa ngành y tế và ngành bảo hiểm xã hội trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót và giải quyết vướng mắc phát sinh. Lợi dụng kẽ hở trong thực thi chính sách, các đối tượng đã trục lợi BHYT, chiếm đoạt số tiền không nhỏ, xảy ra ở hầu hết các loại hình, nghiệp vụ bảo hiểm, cả người tham gia BHYT và các cơ sở y tế. Nhiều trường hợp dù bệnh rất nhẹ nhưng cũng được chỉ định nằm viện từ 3-5 ngày. Bên cạnh đó là tình trạng mượn thẻ BHYT để khám bệnh, lấy thuốc. Không chỉ bệnh nhân mà cả nhân viên y tế cũng trục lợi BHYT bằng cách lấy dữ liệu thẻ của người đã chuyển đi nơi khác để lập hồ sơ, rút ruột quỹ BHYT...

Thực hiện chính sách BHYT bền vững, hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, cần bảo đảm chất lượng, công bằng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế. Do đó, để đạt mục tiêu này, cần phải có nguồn quỹ BHYT an toàn, được sử dụng hợp lý. Định hướng của Chính phủ trong đổi mới tài chính y tế hiện nay là thực hiện chuyển dần từ hỗ trợ cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ trực tiếp người dân, thông qua việc tăng mức hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT, đưa BHYT thành nguồn chi chủ yếu trong cơ cấu chi phí chăm sóc y tế. Năm 2019, cả nước đang thực hiện cơ chế tài chính y tế theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm dần mức chi của người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình BHYT toàn dân, tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Vì vậy, nếu chi phí khám, chữa bệnh không được kiểm soát tốt, quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT không còn đủ để bù đắp thì ảnh hưởng rất lớn đến người tham gia BHYT.

Cùng với các quy định pháp luật đã và đang thực hiện, Chỉ thị số 10/CT-BYT của Bộ Y tế một lần nữa khẳng định sự quyết tâm của ngành trong việc chấn chỉnh và ngăn chặn hành vi lạm dụng, gian lận, trục lợi quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và sử dụng nguồn quỹ BHYT hợp lý, hiệu quả. Mọi người dân đều phải được bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong tham gia BHYT và tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế.

Thanh Hà

>> Triển khai thực hiện thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh
>> Hỗ trợ 457.264 thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số
>> Tăng cường vận động HSSV tham gia BHYT
>> Mất thẻ BHYT vẫn được thanh toán trực tiếp tiền KCB
>> Giải mã những ẩn số trong bảo hiểm y tế - Bài cuối

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/kien-quyet-ngan-chan-truc-loi-bhyt-3679