Kiên quyết xử lý chợ tạm, chợ cóc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thời gian qua, mặc dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tập trung vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm, lạm dụng lòng, lề đường làm nơi kinh doanh mua bán, trao đổi hàng hóa nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại không ít điểm chợ tạm, chợ cóc tự phát ven đường, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia giao thông.

Thời gian qua, mặc dù ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã tập trung vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm, lạm dụng lòng, lề đường làm nơi kinh doanh mua bán, trao đổi hàng hóa nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại không ít điểm chợ tạm, chợ cóc tự phát ven đường, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia giao thông.

Cứ vào mỗi buổi sáng hay cuối chiều, tại khu vực chợ cóc thuộc địa phận Thôn 2 Cát Lại (Bình Nghĩa, Bình Lục) luôn tấp nập người bán, người mua. Đủ các loại hàng thịt, hàng hoa quả, hàng rau, củ, thủy, hải sản… bày bán tràn lan dọc hai bên đường, gây cản trở giao thông. Điều đáng nói, chợ cóc này nằm ngay trên tuyến đường tỉnh (ĐT) 491, huyết mạch giao thông quan trọng nối từ huyện Lý Nhân với TP Phủ Lý. Chợ cóc thuộc địa phận Thôn 2 Cát Lại đã tồn tại nhiều năm nay, gây không ít khó khăn cho người, phương tiện khi lưu thông qua đây.

Chị Nguyễn Thị Hà, một người dân sống gần chợ không khỏi bức xúc: Số người tham gia buôn bán lấn chiếm lòng đường ngày càng đông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông cũng như người đứng mua hàng. Không chỉ người bán mà ý thức của người mua hàng cũng rất kém khi dừng xe ra gần giữa đường, ảnh hưởng đến việc lưu thông.

Tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán gây mất an toàn giao thông tại chợ cóc khu vực Thôn 2 Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục).

Tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường buôn bán gây mất an toàn giao thông tại chợ cóc khu vực Thôn 2 Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục).

Cùng quan điểm với chị Hà, anh Vũ Văn Quảng (lái xe chuyên chở khách tuyến Hà Nội - Cầu Không) chia sẻ: Trung bình một ngày tôi phải qua đoạn đường này 4 lần. Do đoạn đường hẹp, lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông đông nhưng người dân lại lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Càng khó khăn hơn khi đoạn đường này có nhiều khúc cua, khuất tầm nhìn, nếu lái xe không tập trung xử lý rất dễ dẫn đến gây tai nạn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa, Bình Lục cho biết: Chợ cóc khu vực Thôn 2 Cát Lại từ nhiều năm nay đã bị coi là “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân tổ chức lực lượng tuyên truyền, vận động nhằm dẹp bỏ chợ tự phát. Không ít lần lực lượng chức năng đã tịch thu phương tiện, hàng hóa đối với những chủ hàng vi phạm, tuy nhiên chỉ một vài ngày sau tình trạng họp chợ trái phép lại tái diễn. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tổ chức lực lượng tuyên truyền, vận động, ký cam kết đối với các hộ kinh doanh hai bên đường và có phương án di chuyển các hộ kinh doanh về chợ tập trung theo quy định.

Còn trên tuyến ĐT 496B, nối từ cầu Châu Giang, xã Nhân Chính (Lý Nhân) đến cầu Họ, xã Trung Lương (Bình Lục) nhiều năm nay luôn tồn tại chợ cóc tại khu vực chợ Mới, thuộc Thôn 2, xã An Nội (Bình Lục). Với quãng đường dài 200 mét, hằng ngày vào thời điểm 6-8 giờ và 16-18 giờ, đoạn đường này rất lộn xộn, mất an toàn người dân bày bán hàng hóa tràn lan xuống lòng, lề đường. Thậm chí người bán hàng còn dựng xe máy, xe đạp ngay giữa đường để bán hàng. Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân nhằm lập lại TTATGT, chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm hành lang làm nơi buôn bán họp chợ, nhưng đến nay khu vực này vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Chợ tạm, chợ cóc tự phát chủ yếu nằm ở những vị trí giao thông có lưu lượng lớn người và phương tiện giao thông qua lại. Điều đáng nói là không chỉ gây mất TTATGT, các chợ cóc, chợ tạm ven đường còn gây mất vệ sinh môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm đối với những hộ dân khu vực xung quanh.

Theo quy định của pháp luật, những trường hợp họp chợ tự phát ven đường sẽ bị xử lý ở mức rất cao, tuy nhiên mức phạt này lại không khả thi trong thực tế. Lý do bởi đa số trường hợp kinh doanh buôn bán tại chợ tạm, chợ cóc đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản giá trị nên rất khó khi xử lý. Khi có mặt lực lượng chức năng họ sẽ đi nơi khác nhưng khi lực lượng chức năng rời đi, thì người dân lại tiếp tục bày bán hàng tràn lan xuống lòng, lề đường.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT để họp chợ là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nhiều khu chợ địa phương chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, tiểu thương đem hàng ra ngoài đường bày bán, tạo thành thói quen khó thay đổi, dẫn đến tình trạng lộn xộn mất TTATGT.

Từ thực tế trên có thể thấy việc xử lý chợ tạm, chợ cóc lấn chiếm lòng, lề đường vi phạm hàng lang ATGT cần được duy trì thực hiện kiên quyết, liên tục, thường xuyên hơn nữa nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, bền vững.

Theo đó, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cần phối hợp đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi thói quen “tiện đâu mua đó” của một bộ phận người dân. Cùng với đó, cần bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt hành chính thật nghiêm và kiên quyết giải tỏa đối với những trường hợp cố tình họp chợ, buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm quy định về TTATGT.

Chính quyền địa phương cũng cần sớm quy hoạch, xây dựng, mở rộng các khu chợ bảo đảm khoa học, hợp lý với đầy đủ chức năng cần có; xây dựng chợ ở những vị trí thuận tiện, phù hợp với nhu cầu mua bán của nhân dân.

Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng và các cấp chính quyền địa phương, mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen mua bán hàng hóa tại chợ cóc, chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát, qua đó tự bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình trước nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ATGT, an ninh trật tự, góp phần giữ vững chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Trần Ích

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/kien-quyet-xu-ly-cho-tam-cho-coc-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-71528.html