Kiên quyết xử lý cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra hàng chục vụ cháy lớn nhỏ chủ yếu tại các cơ sở sản xuất, kho hàng, các cơ sở phế liệu xen kẽ trong khu dẫn cư, nhà trọ, nhà dân.

Xem thường “bà hỏa”

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh Bình Dương, các vụ cháy mặc dù chưa gây thiệt hại đến tính mạng con người nhưng đã làm thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng, tác động đến tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh. Điển hình như vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 19h ngày 30/1 tại 3 nhà xưởng nhỏ của 2 cơ sở thu mua phế liệu nằm trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (thuộc khu phố 4, phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương). Do bên trong chứa nhiều vật liệu dễ cháy, nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát lan rộng sang 2 nhà xưởng sát bên cũng sử dụng thu mua phế liệu. Lửa cháy lớn uy hiếp nhà dân và các xưởng pallet gỗ xung quanh.

Cảnh sát PCCC dập lửa trong một vụ cháy cơ sở phế liệu.

Cảnh sát PCCC dập lửa trong một vụ cháy cơ sở phế liệu.

Vụ cháy lúc 6h50 ngày 22/2/2021, tại xưởng gia công gối nệm Nguyễn Hưng ở khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, TP Thuận An, gây cháy lan sang xưởng gỗ Dương Quang, cơ sở thu mua phế liệu Nguyễn Thành Chí và 25 phòng trọ gần bên, thiệt hại tài sản ban đầu ước tính khoảng 7,5 tỷ đồng.

Về nguyên nhân xảy ra cháy, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều nhà xưởng, nhà kho của người dân ban đầu xin mục đích làm nhà ở, nhưng sau đó chuyển sang cho doanh nghiệp khác thuê làm kho chứa hoặc nhà xưởng sản xuất; thậm chí có những trường hợp không xin phép xây dựng, không thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu theo quy định.

Đối với những trường hợp này, thực tế cho thấy việc thực hiện công tác PCCC không đảm bảo. Các cơ sở, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, để phù hợp với mục đích sử dụng, chủ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất thực hiện việc cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng các hạng mục công trình. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chưa được lập hồ sơ trình cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt bổ sung, dẫn đến các khu vực này có nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn PCCC.

Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu, cơ sở sản xuất mút xốp, mùn cưa, dăm bào… ở TP Dĩ An, TP Thuận An, thị xã Tân Uyên hoạt động không đúng chủ trương quy hoạch của địa phương; không có thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, xây dựng không phép, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.

Về điều kiện hạ tầng giao thông, nguồn nước của các cơ sở sản xuất, kho hàng nêu trên cũng chưa bảo đảm theo quy định; đường nội bộ của cơ sở thường tận dụng làm bãi để xe máy, bố trí hàng hóa… cản trở, gây khó khăn cho xe chữa cháy tiếp cận chữa cháy và triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra. Tại nhiều cơ sở phế liệu, nhà trọ ở TP Dĩ An, TP Thuận An, thị xã Bến Cát thường không có đường giao thông cũng như nguồn nước phục vụ chữa cháy, nhiều dãy nhà trọ công nhân nằm trong các ngõ, hẻm nhỏ, xe chữa cháy không thể tiếp cận.

Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm

Trước tình hình cháy xảy ra nhiều tại các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa, cơ sở phế liệu, nhà trọ trong các khu dân cư,Cảnh sát PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các văn bản chỉ đạo, tăng cường công tác PCCC đối với các loại hình cơ sở này.

Từ đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về PCCC được thực hiện thường xuyên. Tính từ cuối năm 2019 đến nay, Cảnh sát PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã kiểm tra 20.430 lượt, ra quyết định xử phạt 2.891 trường hợp, tổng số tiền phạt trên 19,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC&CNCH thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC.

Nhằm đề ra các biện pháp, giải pháp tăng cường công tác PCCC đối với loại hình trên, vừa qua Công an tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác PCCC đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa, cơ sở phế liệu, nhà trọ trong các khu dân cư. Tại hội nghị này, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC&CNCH và tổ chức hoạt động có hiệu quả công tác PCCC&CNCH tại địa phương mình.

Cụ thể là phải tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, rà soát các điều kiện về kinh doanh, trật tự xây dựng, đô thị, an toàn về PCCC&CNCH trên địa bàn quản lý. Trong đó, đặc biệt chú ý kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động xen kẽ trong các khu dân cư, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh…

Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động các cơ sở, các trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC. Bên cạnh đó, Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng dân phòng, tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC&CNCH; tăng cường công tác phối hợp, tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH; chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức và thực hiện tốt công tác xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” cũng như phát huy hiệu quả các mô hình về PCCC.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/kien-quyet-xu-ly-co-so-khong-dam-bao-an-toan-phong-chay-635317/