Kiên quyết xử lý dứt điểm tàu cá 'ba không'

Hiện nay, Phú Yên vẫn còn hàng trăm tàu cá 'ba không' (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác). Các địa phương đang nỗ lực xóa các tàu cá này.

UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức tuần tra, kiểm soát tàu cá của ngư dân Phú Yên trong việc thực thi pháp luật về thủy sản trên biển. Ảnh: ANH NGỌC

UBND tỉnh phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức tuần tra, kiểm soát tàu cá của ngư dân Phú Yên trong việc thực thi pháp luật về thủy sản trên biển. Ảnh: ANH NGỌC

880 tàu cá “3 không”

Với quyết tâm, nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC), thời gian qua các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương ven biển đã phối hợp theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát hành trình (VMS). Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, không có tàu cá của Phú Yên vi phạm khai thác thủy hải sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.

Việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU ở Phú Yên rất quyết liệt, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật về thủy sản của một số ngư dân chưa cao, chủ tàu cá cố tình trốn tránh việc đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản, nhất là nhóm tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m… Theo Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.847 tàu cá, trong đó có 1.967 tàu cá đã đăng ký trên hệ thống dữ liệu tàu cá quốc gia (Vnfishbase). Hiện còn 880 tàu cá “ba không” chưa đăng ký trên Vnfishbase.

Trong 4 địa phương cấp huyện ven biển thì TX Sông Cầu có số lượng tàu cá “ba không” nhiều nhất. Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, trên địa bàn thị xã hiện có 619 tàu cá, trong đó còn 372 tàu cá “ba không”, nhóm tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m chiếm chủ yếu, với 279 tàu. Số tàu cá “ba không” này chủ yếu khai thác gần bờ, thường xuyên neo đậu, xuất bến cũng như bốc dỡ thủy sản tại các bến cá truyền thống. Do đó, ý thức chấp hành pháp luật về thủy sản của ngư dân chưa cao, còn chủ tàu cá cố tình trốn tránh việc đăng ký, đăng kiểm. Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn. Địa phương đang vận động, hướng dẫn các chủ tàu cá “ba không” chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ liên quan để thực hiện đăng ký, đăng kiểm, hoàn thành giấy phép khai thác đúng quy định.

Dự kiến, khoảng tháng 10/2024, đoàn thanh tra của EC tiếp tục sang Việt Nam thực hiện đợt kiểm tra lần thứ năm. Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có tàu cá “ba không” khẩn trương thành lập tổ công tác hỗ trợ các chủ tàu cá chưa đăng ký, tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, hết hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật… thực hiện các hồ sơ, thủ tục đảm bảo hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản trước khi đoàn thanh tra lần thứ năm của EC vào Việt Nam.

Nỗ lực xóa tàu cá “ba không”

TX Đông Hòa hiện có 448 tàu cá từ 6m trở lên, trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 162 tàu. Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ở Đông Hòa đã lắp đặt thiết bị VMS. Kết quả rà soát mới đây, TX Đông Hòa có 147 tàu cá “ba không”, trong đó nhóm tàu từ 6m đến dưới 12m là chủ yếu, với 137 tàu. UBND thị xã đã chỉ đạo các địa phương niêm yết công khai danh sách tàu cá “ba không” và tuyên truyền đến các chủ tàu cá thực hiện đăng ký, đăng kiểm, hoàn thành giấy phép khai thác theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho biết: Qua rà soát, đến nay trên địa bàn phường còn 8 tàu cá “ba không”. UBND phường đã thành lập tổ công tác và phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hướng dẫn ngư dân có tàu cá “ba không” thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo Thông tư 06 ngày 6/5/2024 của Bộ NN&PTNT. Đến nay, cả 8 tàu cá này đều hoàn thành các giấy tờ liên quan, đang tiến hành kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá để hoàn thiện hồ sơ cấp phép. Tổ công tác của phường tiếp tục rà soát tàu cá không đủ điều kiện và kiên quyết không cho xuất bến hoạt động khai thác thủy sản khi chưa đủ điều kiện. Địa phương kiến nghị các ngành chức năng tăng cường quản lý các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền nhằm không để phát sinh tàu cá đóng mới.

Theo ông Nguyễn Lê Vi Phúc, Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, đến nay các địa phương trên địa bàn thị xã đã hướng dẫn 146 chủ tàu cá “ba không” thực hiện hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, đang kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với tàu cá từ 12m đến dưới 15m để hoàn thiện hồ sơ thực hiện cấp phép.

Đối với TX Sông Cầu, ông Lâm Duy Dũng cho biết, đến nay các địa phương trên địa bàn đã hướng dẫn tất cả các chủ tàu cá “ba không” thực hiện hồ sơ đăng ký, đăng kiểm. Ngoài nhiệm vụ hướng dẫn ngư dân xóa tàu cá “ba không”, địa phương đang tăng cường công tác quản lý tại các bến cá truyền thống. Hiện trên địa bàn thị xã có 2 điểm ở xã Xuân Cảnh và Xuân Hải lên cá truyền thống. Việc cập bến bốc dỡ thủy sản tại 2 bến cá này đã được giám sát, ghi chép, thống kê sản lượng thủy sản khai thác, tuy nhiên tỉ lệ giám sát lượt tàu cá ra vào, sản lượng thủy sản chưa cao. Từ tháng 4/2024, các xã Xuân Cảnh và Xuân Hải đã lắp đặt camera giám sát tại 2 bến cá nói trên để quản lý, giám sát việc xuất, nhập bến. Qua trích xuất camera, đến nay chưa phát hiện trường hợp tàu cá từ 15m trở lên cập 2 bến này để bốc dỡ thủy sản.

Theo Sở NN&PTNT, để công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, các địa phương ven biển cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương và của tỉnh, nhất là tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC. Gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện chống khai thác IUU.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển thông qua hệ thống VMS, kịp thời cảnh báo, lưu hành trình các tàu cá gần ranh giới, vượt ranh giới vùng biển Việt Nam để làm việc, xử lý nếu phát hiện cố tình vi phạm. Tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện các hành vi vi phạm khai thác IUU.

“Phú Yên đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ ngân sách trung ương đầu tư một số cảng cá đáp ứng điều kiện chỉ định cho tàu cá từ 6m đến dưới 15m bốc dỡ thủy sản, tạo điều kiện giám sát tàu cá, sản lượng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác. Đối với tàu cá “ba không”, các địa phương tập trung phân loại theo từng nhóm như nhóm chiều dài tàu cá, công suất tàu cá… và rà soát lại các tàu cá này thiếu hồ sơ, giấy tờ gì để thực hiện hoàn thành đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác…”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh.

Đối thoại với chủ tàu cá “ba không”

UBND TP Tuy Hòa vừa phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các chủ tàu cá “ba không” trên địa bàn xã An Phú.

Theo thống kê, xã An Phú có hơn 90 tàu cá, trong đó có gần 2/3 là tàu cá “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không có giấy phép khai thác thủy sản). Đây là những tàu cá được ngư dân mua lại từ các chủ tàu cá ở trong và ngoài tỉnh đã nhiều năm nhưng chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Tại buổi đối thoại, các chủ tàu cá được hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khi đăng ký cấp phép cho tàu cá “ba không” và trao đổi về các nội dung: Chi phí khi thực hiện đăng ký, đăng kiểm của các tàu cá; việc thực hiện đăng ký lại đối với các tàu cá được mua bán, sang tên chuyển nhượng và tự cải hoán; trách nhiệm của những chủ tàu không tham gia đăng ký, đăng kiểm theo quy định…

Kết luận buổi đối thoại, lãnh đạo UBND TP Tuy Hòa yêu cầu từ nay đến cuối năm 2024, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Tuy Hòa rà soát, thống kê chính xác số lượng tàu cá chưa đăng kiểm, đăng ký và hướng dẫn bà con ngư dân đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

VĂN LANG

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/349/321182/kien-quyet-xu-ly-dut-diem-tau-ca--ba-khong.html