Kiên quyết xử lý hoạt động khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài

Thời gian qua, tình hình tàu cá của ngư dân các tỉnh Tây Nam đi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển giáp ranh với Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ngư dân ở 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), trọng tâm là ngăn chặn, xử lý tàu cá ngư dân ta đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, lực lượng chức năng các tỉnh ven biển Tây Nam đã khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm minh để làm bài học răn đe, cảnh tỉnh cho những ai có ý định tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép bằng tàu cá.

BĐBP Kiên Giang tuần tra trên biển để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Ảnh: Hồng Lam

BĐBP Kiên Giang tuần tra trên biển để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Ảnh: Hồng Lam

Kiên quyết xử lý

Kiên Giang và Cà Mau là 2 tỉnh ven biển Tây Nam Bộ có số lượng tàu đánh bắt cá lớn nhất cả nước với hơn 5.000 chiếc tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Những năm trước, do ngư trường suy giảm nghiêm trọng nên một số tàu cá của ngư dân 2 tỉnh trên đã khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nhờ các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp quyết liệt nên tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm dần. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động này lại có chiều hướng gia tăng.

Điển hình, chiều 11/3/2024, tại Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau, thừa ủy quyền của UBND tỉnh Cà Mau, đại diện Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã triển khai quyết định của UBND tỉnh về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trương Lâm Vũ, sinh năm 1993, trú tại khóm 7, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau làm chủ tàu cá mang biển kiểm soát CM 06051TS, hành nghề câu mực với 2 hành vi: Khai thác thủy sản tại vùng biển quốc gia khác mà không có giấy phép (quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ) và hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản tại vùng khơi (quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ). Tổng mức xử phạt hành chính 2 hành vi trên là 917,5 triệu đồng.

Theo tài liệu điều tra, ngày 30/11/2023, tàu cá CM 06051TS do ông Trương Lâm Vũ làm thuyền trưởng, trên tàu có 6 thuyền viên, làm thủ tục xuất bến qua Trạm Kiểm soát Biên phòng Sông Đốc đảm bảo thủ tục, giấy tờ theo quy định. Khi ra biển hoạt động, ông Vũ giao cho ông Trịnh Văn Suốt (thuyền viên trên tàu) làm thuyền trưởng (nhưng ông Suốt không có văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng), sau đó, ông Vũ quay vào bờ. Trong thời gian đánh bắt hải sản trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Thái Lan, do hoạt động khai thác kém hiệu quả, ngày 15/12/2023, ông Trịnh Văn Suốt gọi điện cho ông Trương Lâm Vũ và ông Trương Hoàng Nhứt (cha của ông Vũ) hỏi ý kiến về việc sẽ đưa tàu cá sang vùng biển Thái Lan để khai thác hải sản và được sự cho phép của ông Vũ và ông Nhứt.

Ngày 16/12/2023, khi tàu cá CM 06051TS đang khai thác hải sản trên vùng biển Thái Lan thì bị lực lượng Hải quân Vùng 2, Hải quân Hoàng gia Thái Lan kiểm tra, bắt giữ. Tại Đồn Biên phòng Sông Đốc, ông Trương Lâm Vũ và Trương Hoàng Nhứt đều thừa nhận là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của tàu cá CM 06051TS và đã có hành vi đưa tàu cá CM 06051TS sang vùng biển Thái Lan khai thác thủy sản trái phép; sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m khai thác thủy sản tại vùng khơi là vi phạm pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 24/3/2025, cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang ra Quyết định số 05/QĐ-ANĐT khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” đối với chủ tàu cá KG 95541TS là bà N.T.K.C, 46 tuổi, trú tại phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vì đã vi phạm vùng biển Thái Lan và bị bắt giữ, xử lý. Theo tài liệu thu thập được, tàu cá KG 95541TS do bà N.T.K.C làm chủ và được giao cho ông N.V.K. (31 tuổi) điều khiển. Trước đó, qua hệ thống giám sát hành trình, lực lượng chức năng phát hiện tàu cá KG 95541TS mất tín hiệu kết nối trong bờ, vị trí cuối cùng hệ thống ghi nhận gần phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Trung tâm đăng kiểm tàu cá tỉnh Kiên Giang đã gửi 50 tín hiệu liên lạc nhắc nhở, phát hành văn bản tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ cao khai thác IUU, nhưng không thấy tàu cá KG 95541TS phản hồi. Ngày 25/2/2025, trên vùng biển Thái Lan, lực lượng chức năng Thái Lan đã truy đuổi, bắt giữ tàu cá KG 95541TS cùng toàn bộ thuyền viên trên tàu. Sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, quy định tại khoản 1 Điều 348 Bộ luật Hình sự, Công an tỉnh Kiên Giang ra Quyết định số 05/QĐ-ANĐT khởi tố vụ án hình sự.

Dồn sức chống khai thác IUU

Vùng biển Kiên Giang rộng khoảng 63.000km2, trên địa bàn tỉnh có trên 10.000 tàu cá, với hơn 4.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Do ngư trường chật hẹp, nguồn lợi hại sản cạn kiệt và nhiều lý do khác nhau nên thời gian qua, một số ngư dân đã cho tàu sang vùng biển các nước khai thác hải sản trái phép. Chỉ tính riêng 2 năm trở lại đây, Kiên Giang có hơn 50 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới, BĐBP Kiên Giang tuyên truyền chống khai thác IUU và phát thư ngỏ cho ngư dân. Ảnh: Hồng Lam

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới, BĐBP Kiên Giang tuyên truyền chống khai thác IUU và phát thư ngỏ cho ngư dân. Ảnh: Hồng Lam

Trước tình hình trên, để kịp thời ngăn chặn, tiến tới chấm dứt việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản, Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang đã chỉ đạo các đồn Biên phòng trên địa bàn khu vực biên giới biển làm tốt công tác điều tra cơ bản, phân loại, lập hồ sơ về các tàu vi phạm, nhóm đối tượng có nguy cơ cao về vi phạm vùng biển nước ngoài, thông báo, phối hợp với các lực lượng chức năng để quản lý. Đồng thời, chủ động điều chỉnh, bố trí, sử dụng lực lượng, phương tiện tăng cường cho các trạm kiểm soát Biên phòng và thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát lưu động, đặc biệt tại các đảo, bãi ngang, cửa sông, cửa lạch... Bên cạnh đó, các đơn vị còn phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tập trung rà soát, khoanh vùng, lập danh sách các đối tượng, nghề khai thác, địa bàn trọng điểm tại địa phương...

Ngoài ra, BĐBP Kiên Giang cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, với phương châm "mỗi ngư dân là một "cột mốc sống" trên biển", góp phần bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Chủ động trong công tác cứu hộ, cứu nạn; khám, chăm sóc sức khỏe, tặng tủ thuốc miễn phí cho ngư dân; thăm, động viên, tặng quà cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, các cán bộ Biên phòng làm nhiệm vụ chuyên trách về chống khai thác IUU đã cùng với các lực lượng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương đến từng nhà, gặp từng chủ tàu, tài công, vợ, con của ngư dân để phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thông qua đó, chỉ ra những tác hại của việc cố tình cho tàu sang vùng biển các nước khai thác hải sản; làm cho mỗi ngư dân, chủ phương tiện thấy được vi phạm của cá nhân nhưng gây hệ lụy lớn đến ngành thủy sản cả nước.

Các đồn, trạm Biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ cũng kiên quyết không để các tàu cá xuất bến không đảm bảo các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định, nhất là tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không có giấy phép khai thác, tàu đã xóa đăng ký, tàu có sử dụng các ngư cụ cấm, nghề cấm... Kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân trong khắc phục hậu quả, sự cố khi làm ăn dài ngày trên biển, làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân vươn khơi bám biển, đặc biệt là ở những vùng biển giáp ranh, qua đó, góp phần xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” trên biển.

Hồng Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-quyet-xu-ly-hoat-dong-khai-thac-hai-san-trai-phep-o-vung-bien-nuoc-ngoai-post488236.html