Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây mất ổn định an ninh trật tự trên biển
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã triệu tập cuộc họp khẩn đối với khối nội chính của tỉnh này, sau khi trên vùng biển Cà Mau tiếp tục xảy ra vụ việc cố ý gây thương tích và hủy hoại tài sản của ngư dân. Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo công an tỉnh chủ trì, phối hợp với BĐBP tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc.
Nóng trên biển Tây
Theo báo cáo của BĐBP Cà Mau, chỉ từ tháng 11/2023 đến cuối tháng 2/2024, tình hình vùng biển Tây Cà Mau diễn biến phức tạp, trong đó, nổi lên các vụ việc liên quan đến tranh chấp ngư trường. Thực tế đã liên tiếp xảy ra 12 vụ liên quan đến 35 phương tiện, làm 7 người bị thương, chìm 1 phương tiện, đâm va hư hỏng 8 phương tiện, mất 2.000 ốc bẫy mực, thiệt khoảng 2,5 tỷ đồng. Các vụ việc được các đồn Biên phòng tiếp nhận, bàn giao và phối hợp với công an địa phương thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Có những vụ việc các đối tượng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng điều khiển phương tiện đâm va vào nhau, thậm chí sử dụng cả hung khí, súng bắn đạn chì... và chất cháy để giải quyết mâu thuẫn. "Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau đã chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ và các đơn vị cơ sở phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an các huyện và công an tỉnh trong suốt quá trình điều tra, xác minh các đối tượng có liên quan" - Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau thông tin.
Điển hình, ngày 21/2/2024, Đồn Biên phòng Khánh Tiến, BĐBP Cà Mau tiếp nhận tin báo của ông Phan Thanh Toàn (ngụ tại xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) về việc tàu cá KG 60808 TS do ông làm thuyền trưởng, cùng 4 tàu cá tỉnh Kiên Giang khác đang hành nghề ốc bẫy mực và cào sò thì bị một phương tiện vỏ gỗ màu xanh tấn công làm anh Châu Mi Pha (ngụ tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), thuyền viên tàu cá KG 60808 TS bị thương.
Sau khi tiếp nhận tin báo, Đồn Biên phòng Khánh Tiến nhanh chóng triển khai lực lượng tiến hành tuần tra, truy đuổi. Sau hơn 2 giờ truy đuổi, lực lượng làm nhiệm vụ đã phát hiện phương tiện vỏ gỗ màu xanh, dân đi biển địa phương gọi là "Cu mồi". Khi phát hiện lực lượng BĐBP, các đối tượng đi trên phương tiện “Cu mồi” bỏ chạy, đồng thời ném vứt các loại vũ khí, hung khí xuống biển để phi tang vật chứng. Lực lượng làm nhiệm vụ tiếp tục truy đuổi thêm khoảng 30 phút, đến khu vực cách cửa Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) khoảng 4 hải lý về hướng Tây Bắc (cách vị trí xảy ra tranh chấp khoảng 6 hải lý) thì tiếp cận được phương tiện "Cu mồi". Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên phương tiện “Cu mồi” có các đồ vật nghi vấn, liên quan đến vụ việc như: 1 ná cao su, 2 viên đạn chì (được sử dụng để bắn súng tự chế), 42 viên bi sắt (sử dụng để bắn ná cao su), 1 túi vải màu đen. Lực lượng chức năng đã đưa người, phương tiện "Cu mồi" về Đồn Biên phòng Khánh Tiến và mời thuyền trưởng của 5 phương tiện Kiên Giang đến để làm rõ vụ việc.
Theo điều tra của Đồn Biên phòng Khánh Tiến, phương tiện "Cu mồi" của ông Mai Thanh Phong (ngụ tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) làm chủ, do ông Nguyễn Hải Đăng (ngụ cùng địa chỉ với ông Phong) làm thuyền trưởng, hành nghề cào sò, đi trên phương tiện có 8 người. Vào khoảng 7 giờ, ngày 21/2/2024, phương tiện "Cu mồi" xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn với một phương tiện vỏ máy composite (không rõ chủ, thuyền trưởng) rồi phương tiện vỏ máy composite chạy về hướng vàm Kim Quy, tỉnh Kiên Giang. Sau đó, 5 phương tiện hành nghề ốc bẫy mực của Kiên Giang (KG 39066 TS, KG 60808 TS, KG 52660 TS, KG 62255 TS và một phương tiện không số) chạy đến dùng vỏ ốc ném qua phương tiện "Cu mồi" làm một thuyền viên bị thương ở đỉnh đầu.
Sau đó, ông Nguyễn Hải Đăng điều khiển phương tiện "Cu mồi" truy đuổi, khi đến gần các phương tiện của Kiên Giang thì các thuyền viên đi trên phương tiện “Cu mồi” dùng súng bắn đạn chì và ná cao su bắn bi sắt, các thuyền viên còn lại dùng đá, vỏ ốc bắn, ném sang các phương tiện của Kiên Giang. Hậu quả, làm thuyền viên Châu Mi Pha của Kiên Giang bị trúng một viên đạn chì ở phần mềm dưới cánh tay bên trái.
Trước đó, vào ngày 17/12/2023, trên vùng biển Cà Mau cũng xảy ra vụ việc liên quan đến tranh chấp ngư trường dẫn đến thuyền viên đi trên tàu cá CM 02926 TS bị thương, do bị một người đi trên phương tiện vỏ composite tiếp cận, ném chai bia và vỏ ốc bẫy mực vào tàu, nhưng không thiệt hại về tài sản. Ngay sau khi đối tượng trên rời đi, có 6 người đi trên phương tiện vỏ composite tiếp cận, dùng gậy đánh bị thương nhẹ các thuyền viên trên tàu cá, đồng thời lấy đi một số tài sản.
Tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý nghiêm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, đối với trường hợp đã rõ đối tượng và hành vi, khẩn trương đưa ra xét xử theo quy định. Với các đối tượng trong vụ việc mới xảy ra ngày 21/2/2024 thì khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ từng hành vi, mức độ vi phạm của từng đối tượng, nhất là đối tượng cầm đầu; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, các lực lượng tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ địa bàn, vùng biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
UBND tỉnh Cà Mau cũng đã kiến nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các lực lượng chức năng trên biển (Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư...) tổ chức, phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là các khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp ngư trường, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm, không để tình hình tranh chấp gia tăng, phức tạp, gây mất an ninh, trật tự trên biển.
Đại tá Phạm Anh Chương cho biết: “Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ và các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình trên biển; chủ động rà soát, khảo sát đánh giá đúng thực trạng tình hình hoạt động của các nhóm đối tượng liên quan đến tranh chấp ngư trường, đâm va, trộm cắp ngư cụ trên vùng biển quản lý trong thời gian vừa qua nhằm quản lý và đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này; chỉ đạo các đồn Biên phòng trao đổi chặt chẽ với Công an địa phương trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý vụ việc; chủ động tham mưu cho địa phương chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc trên, ổn định tình hình trên biển".