Kiên quyết xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 21 ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (viết tắt là Chỉ thị số 21). Trong đó, tập trung phổ biến, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến các tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp người dân nắm các diễn biến, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản để có biện pháp phòng tránh, cũng như phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến các loại tội phạm cho cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý kịp thời.

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử hình sự sơ thẩm các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn huyện Tân Hồng vào tháng 2/2024 (Ảnh: D.C)

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử hình sự sơ thẩm các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn huyện Tân Hồng vào tháng 2/2024 (Ảnh: D.C)

UBND tỉnh ban hành văn bản có nội dung về thực hiện một số giải pháp phòng ngừa, hạn chế phát sinh hợp đồng giả tạo để phòng, chống tội phạm lợi dụng hoạt động công chứng để hợp pháp hóa tài sản chiếm đoạt, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; phát động cán bộ, công chức, viên chức tích cực vận động người dân chấp hành nghiêm pháp luật và phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến thực hiện Chỉ thị số 21, lực lượng Công an toàn tỉnh tiến hành rà soát, phát hiện 142 tài khoản mạng xã hội đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động lừa đảo, qua xác minh phần lớn đều là tài khoản ảo, ẩn danh; phối hợp vô hiệu hóa 26 Trang và 18 tài khoản Facebook mạo danh Công an hoặc tự xưng công ty luật đăng tin quảng cáo, hướng dẫn thu hồi tiền treo và hỗ trợ cho vay qua mạng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, rà soát, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện nghi vấn để tổ chức quản lý, đấu tranh và xác lập, triệt phá thành công 1 chuyên án, bắt 4 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra hai cấp tiếp nhận, giải quyết 105 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tăng 56 vụ so với cùng kỳ trước khi thực hiện Chỉ thị số 21) với tổng tài sản thiệt hại khoảng 98 tỷ đồng. Kết quả, ngành chức năng trong tỉnh đã khởi tố 29 vụ, 39 bị can, thu hồi tổng số tiền gần 17,3 tỷ đồng. Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân hai cấp thực hiện chặt chẽ việc truy tố, xét xử các vụ án liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Dự báo tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, nhất là trên không gian mạng, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phòng ngừa. Các đối tượng không chỉ lợi dụng không gian mạng mà còn lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết, hám lợi, tín ngưỡng tâm linh của người dân để hoạt động phạm tội. Để phòng ngừa, đấu tranh kịp thời, hiệu quả đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tiếp tục xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nhằm cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của đối tượng lừa đảo, nhất là trên không gian mạng. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước để phòng ngừa tội phạm, thường xuyên rà soát trên các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: đầu tư, bất động sản, thương mại điện tử, cho vay qua App, các hoạt động đầu tư tiền ảo, chứng khoán...

Đồng thời kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, khắc phục những sơ hở, bất cập, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội; tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhắn tin, đăng tin quảng cáo liên quan đến cho vay, huy động vốn, kêu gọi từ thiện, tuyển dụng lao động có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xảy ra, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội. Đưa ra xét xử công khai, lưu động các vụ án lừa đảo trên không gian mạng để răn đe, phòng ngừa chung.

Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức truyền thống được kiềm chế, các vụ việc gây thiệt hại tài sản lớn chủ yếu liên quan đến vỡ hụi, vay mượn nợ, chưa phát hiện thủ đoạn mới. Tuy nhiên, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Các đối tượng tạo lập tài khoản mạng xã hội ảo quảng cáo, kêu gọi đầu tư tiền ảo, chứng khoán, cho vay tiền, tuyển dụng lao động hoặc sử dụng SIM rác giả danh cán bộ nhà nước, nhắn tin trúng thưởng... để dụ dỗ, lôi kéo người dân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng không chính chủ rồi chiếm đoạt. Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện hình thức sử dụng các tài khoản facebook mạo danh lực lượng Công an hoặc tự xưng công ty luật để quảng cáo dịch vụ thu hồi tiền bị treo, lấy lại tiền bị lừa qua mạng, sau đó tiếp tục lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại lần thứ hai.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/phap-luat/kien-quyet-xu-ly-toi-pham-lua-dao-chiem-doat-tai-san-124490.aspx