Kiên quyết xử lý vi phạm đất đai

Thực hiện Luật Đất đai, Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 16.3.2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 93a/KH-UBND ngày 31.3.2017 của UBND tỉnh về giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi và hoạt động bến bãi, khai thác cát trái phép (Kế hoạch số 93a), thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh cùng các địa phương đã tăng cường công tác quản lý đất đai, ngăn chặn và xử lý vi phạm về đất đai, góp phần đưa công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp. Tuy nhiên, ở một số địa phương, công tác quản lý đất đai nói chung, xử lý vi phạm về đất đai nói riêng chưa hiệu quả, dẫn tới có vi phạm chưa được xử lý triệt để, phát sinh vi phạm mới.

Bài 1: Vi phạm cũ chưa xử lý dứt điểm, vi phạm mới đã phát sinh

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn trên 5 nghìn trường hợp xây dựng công trình, nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp; hơn 1 nghìn trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông; hơn 2 nghìn trường hợp vi phạm hành lang công trình thủy lợi chưa được xử lý.

Công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở xã Hùng An (Kim Động)

Đầu năm 2021, huyện Khoái Châu rà soát, tổng hợp có tổng số 2.197 trường hợp xây dựng công trái phép trên đất nông nghiệp. Đến giữa tháng 11 năm nay, toàn huyện vẫn còn hơn 2 nghìn trường hợp vi phạm chưa được xử lý. Đây là huyện có số trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp nhiều nhất trong toàn tỉnh. Phần lớn vi phạm từ trước năm 2016 (hơn 1,9 nghìn trường hợp), khiến việc xử lý, giải tỏa khó khăn. Bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng đang tồn tại nhiều trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp như huyện Văn Giang, hơn 800 trường hợp; thành phố Hưng Yên hơn 800 trường hợp; huyện Kim Động gần 400 trường hợp...

Trong khi vi phạm cũ còn chưa được xử lý triệt để, từ đầu năm đến nay, không ít địa phương vẫn để xảy ra vi phạm mới như các huyện: Ân Thi, Yên Mỹ, Kim Động... Theo tổng hợp của huyện Ân Thi, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện phát sinh 32 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó, xã Đào Dương có 14 trường hợp; xã Tân Phúc có 4 trường hợp; xã Bãi Sậy có 3 trường hợp... Đến ngày 19.11, toàn huyện xử lý được 21/32 vi phạm; còn 11 trường hợp vi phạm chủ yếu như: Tôn nền, xây tường rào và nhà tạm trên đất nông nghiệp. Ngoài ra, cũng trong năm nay, trên địa bàn huyện phát sinh 21 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi và 10 trường hợp tái vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Đồng chí Đặng Sỹ Quang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Nguyên nhân phát sinh vi phạm mới trên địa bàn huyện một mặt là do nhận thức của người dân còn hạn chế, lợi dụng những khu vực xa dân cư, xa đường giao thông, có cây cối che khuất để xây dựng lều lán, công trình. Một số trường hợp gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nơi ở, khiến địa phương lúng túng trong xử lý. Mặt khác là do chính quyền một số địa phương trong huyện còn lơ là trong quản lý đất đai, nể nang, e ngại trong quá trình xử lý vi phạm.

Tại xã Hùng An (Kim Động), năm 2020 và năm 2021 phát sinh 20 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi. Như trường hợp vi phạm của gia đình ông Phạm Văn Thắng ở thôn Phương Tòng, lợi dụng vườn nhãn um tùm, ông Thắng đã dựng cột, lợp mái tôn với ý định làm chuồng trại chăn nuôi. Khi địa phương phát hiện, đã yêu cầu gia đình ông Thắng tự tháo dỡ. Đến tháng 12.2021, xã đã xử lý được 17/20 vi phạm mới, những trường hợp còn lại đang tự tháo dỡ hoặc đang vận động để tháo dỡ.

Cũng liên quan đến xử lý vi phạm về đất đai tại xã Hùng An, ngày 27.9.2021, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2235/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường đối với Công ty cổ phần Hoàng Gia. Khi thuê đất tại xã Hùng An, công ty này đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Mức xử phạt vi phạm hành chính 300 triệu đồng. Đồng chí Hoàng Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Hùng An cho biết: Các trường hợp vi phạm mới trên địa bàn xã chủ yếu do nông dân xây dựng lều lán, làm chuồng trại để chăn nuôi, xen kẽ trong các vườn cây, khuất tầm nhìn nên địa phương khó phát hiện. Khi phát hiện, 100% các trường hợp vi phạm đều được địa phương tuyên truyền, vận động để họ tự tháo dỡ, đồng thời lập biên bản, xây dựng kế hoạch giải tỏa cụ thể.

Vi Ngoan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202112/kien-quyet-xu-ly-vi-pham-dat-dai-0023042/