Kiên quyết xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm
Lời Tòa soạn: Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024, ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Liên quan đến nội dung này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tấn Thạnh-Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh.
*P.V: Kết thúc Tháng hành động vì ATTP năm 2024, qua công tác kiểm tra tại các cơ sở và làm việc với Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về ATTP tuyến huyện, xã trên địa bàn tỉnh, ông có thể cho biết những kết quả chủ yếu cũng như tồn tại, hạn chế cần khắc phục?
- Ông ĐỖ TẤN THẠNH: Từ ngày 15-4 đến 15-5, đoàn liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra cho thấy, 7/20 cơ sở ngừng hoạt động, 9/13 cơ sở hoạt động (chiếm 69,23%) chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, duy trì các điều kiện, chấp hành đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ có liên quan về ATTP theo quy định và 4/13 cơ sở hoạt động (chiếm 30,77%) vi phạm về ATTP với các mức độ, tính chất khác nhau. Chánh Thanh tra Sở Y tế đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm. Tổng số tiền xử phạt là 20 triệu đồng.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, qua làm việc với BCĐ liên ngành một số địa phương, đoàn kiểm tra nhận thấy các BCĐ liên ngành về ATTP tuyến huyện, xã đã kịp thời tham mưu UBND huyện ban hành quyết định kiện toàn BCĐ theo quy định và ban hành quy chế làm việc của BCĐ; ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan chức năng thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền về ATTP, nhất là trong các đợt cao điểm; xây dựng kế hoạch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP; đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành bảo đảm ATTP trong các đợt cao điểm. Các huyện, xã tiến hành rà soát, thống kê kịp thời tình hình hoạt động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Từ ngày 1-1-2023 đến thời điểm kiểm tra, huyện Kông Chro và Ia Pa không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Những hạn chế, tồn tại có thể chỉ ra đó là: BCĐ liên ngành về ATTP huyện chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn hoạt động cho BCĐ liên ngành về ATTP tuyến xã. Hoạt động của các BCĐ liên ngành về ATTP cấp xã còn nhiều mặt hạn chế, chưa quyết liệt trong công tác quản lý ATTP. Công tác thống kê cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của từng ngành và theo phân cấp quản lý chưa đầy đủ, chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về ATTP. Các đoàn kiểm tra ATTP, đặc biệt là tuyến xã chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chủ yếu là nhắc nhở. Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cam kết đảm bảo ATTP vẫn còn hạn chế.
* P.V: Ông có những kiến nghị, đề xuất như thế nào để tuyến huyện, xã khắc phục những tồn tại, hạn chế, triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ATTP trong thời gian tới?
- Ông ĐỖ TẤN THẠNH: Đoàn kiểm tra đã kiến nghị BCĐ liên ngành về ATTP tuyến huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn BCĐ liên ngành về ATTP tuyến xã; tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn. Bên cạnh đó, BCĐ liên ngành về ATTP huyện, xã cần tăng cường sự phối hợp liên ngành, thường xuyên tổ chức họp định kỳ (6 tháng/lần) để đánh giá tình hình quản lý nhà nước về ATTP tại địa phương. Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tuyến xã cần có sự phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các thành viên BCĐ cũng như mối quan hệ trong công tác.
Mặt khác, cấp huyện, xã cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm; tăng cường tuyên truyền giúp người tiêu dùng nhận biết và sử dụng thực phẩm an toàn, phòng-chống ngộ độc thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP; thường xuyên công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác quản lý ATTP và kiểm soát chặt chẽ đối với loại hình bếp ăn tập thể, căng tin trường học, căng tin bệnh viện, cơ sở bán hàng rong trước trường học, các mặt hàng kinh doanh thực phẩm lưu động, tiệc cưới lưu động trên địa bàn quản lý…
Thời gian vừa qua, Gia Lai không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 5 người mắc, 5 người nhập viện và 2 người tử vong. Cả 2 vụ đều có căn nguyên là độc tố trong thịt cóc. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã kịp thời ban hành công văn chỉ đạo tăng cường công tác phòng-chống ngộ độc do độc tố tự nhiên có trong cóc, tăng cường đảm bảo ATTP, phòng-chống ngộ độc do ăn nhộng, ấu trùng, côn trùng. Tham mưu BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt để hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc. Chi cục cũng đã phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này cũng như yêu cầu đảm bảo ATTP nói chung.
* P.V: Thời gian tới, Chi cục tập trung triển khai các giải pháp quan trọng nào để đảm bảo ATTP, thưa ông?
- Ông ĐỖ TẤN THẠNH: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tiếp tục phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên đề về phòng-chống ngộ độc thực phẩm; in ấn và cấp phát tờ gấp; tổ chức các hội nghị chuyên đề về ATTP. Tăng cường giám sát loại bỏ mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc ngành Y tế quản lý: nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, thực phẩm bổ sung để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Ngoài các đợt cao điểm, Chi cục triển khai các đợt kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm về ATTP; tổ chức giám sát bảo đảm ATTP phục vụ các hội nghị, sự kiện, lễ hội lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, dụng cụ và nhân lực để tổ chức điều tra, xác minh, tìm nguyên nhân, xử lý nhanh khi tiếp nhận thông tin ngộ độc thực phẩm.
*P.V: Xin cảm ơn ông!