Kiên quyết xử phạt vi phạm trật tự xây dựng nhà trên địa bàn TP Hà Tĩnh
Vi phạm trật tự xây dựng nhà ở riêng lẻ đang diễn ra khá phổ biến ở TP Hà Tĩnh. Thực trạng này, nếu không xử lý nghiêm, sẽ gây ra những hệ lụy về công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch của đô thị trung tâm.
Năm nào cũng vậy, những tháng đầu năm luôn là cao điểm của xây dựng với số lượng nhà ở của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm thường xuyên xảy ra các vi phạm về trật tự xây dựng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Các vi phạm chủ yếu của người dân vẫn là xây dựng khi chưa được cấp phép; xây dựng sai quy hoạch, sai nội dung được cấp phép; sai chỉ giới xây dựng, lấn chiếm không gian; vật liệu đổ trên mặt đường, hệ thống mương thoát bẩn… Điều quan trọng, không phải người dân nào cũng nhận thức được sự nghiêm trọng của việc vi phạm trật tự xây dựng nhà ở, một bộ phận khác thì cố tình làm trái với quy định pháp luật. Điều này dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về quản lý kiến trúc, quy hoạch trên địa bàn”.
Từ đầu năm đến đầu tháng 5/2022, TP Hà Tĩnh có gần 300 công trình nhà ở khởi công xây dựng với tổng diện tích sàn trên 50.000m2. Theo đó, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử phạt 41 trường hợp với số tiền gần 300 triệu đồng vi phạm hành chính về trật tự xây dựng. Trong đó, Đội QLTT đô thị thành phố xử lý 21 trường hợp với số tiền xử phạt hơn 256 triệu đồng (2 trường hợp xây dựng không có giấy phép, 12 trường hợp xây dựng sai nội dung giấy phép, 7 trường hợp cải tạo, sửa chữa sai nội dung giấy phép); các phường, xã xử lý theo thẩm quyền 11 trường hợp không báo cáo khởi công, tập kết vật liệu trên vỉa hè, lòng đường với số tiền xử phạt hơn 40 triệu đồng.
Mặc dù các vi phạm về trật tự xây dựng xảy ra khá phổ biến nhưng thực tế vấn đề này chưa được nhiều người dân trên địa bàn thành phố xem trọng, thậm chí còn có thái độ chống đối, không chấp hành và thiếu sự hợp tác với cơ quan chuyên môn.
Mới đây, tại hộ bà L.T.K.T (phường Trần Phú), lực lượng QLTT đô thị kiểm tra, phát hiện công trình nhà ở của gia đình xây dựng cốt nền cao hơn so với giấy phép được cấp. Tuy nhiên, khi cơ quan chuyên môn lập biên bản vi phạm thì chưa nhận được sự đồng tình phối hợp kịp thời của gia đình. Hay tình trạng người dân tập kết vật liệu trên lòng đường, vỉa hè; đất, cát tràn vào mương thoát bẩn… vẫn thường xuyên xảy ra ở tất cả các phường, xã.
Trong việc này, một phần nguyên nhân còn do công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng ở các địa phương vẫn còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp giữa chính quyền các cấp và lực lượng chuyên môn; chưa phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Đức cho biết: “Để nâng cao công tác quản lý trật tự xây dựng, nhất là nhà ở riêng lẻ, UBND thành phố giao các phường, xã tăng cường tổ chức kiểm tra tình hình trật tự xây dựng, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm để răn đe, chấn chỉnh và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố.
Đồng thời, thông qua kiểm tra, xử lý, các lực lượng chuyên môn, cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mỗi cán bộ, người dân về các quy trình, thủ tục công trình xây dựng; quy định về quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, đặc biệt là Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng”. Từ đó, thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân, làm tiền đề thực hiện nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh theo mục tiêu phát triển của thành phố".
Chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng nhà ở riêng lẻ theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP:
1. Không thông báo khởi công: phạt tiền từ 2.500.000 - 5.000.000 đồng.
2. Thi công xây dựng không che chắn, để rơi vãi vật liệu xây dựng, để vật liệu không đúng nơi quy định: phạt tiền từ 1.500.000 - 2.500.000 đồng.
3. Không công khai giấy phép xây dựng tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công: phạt tiền từ 2.500.000 - 5.000.000 đồng.
4. Không thực hiện thủ tục để điều chỉnh, gia hạn giấy phép xây dựng: phạt tiền từ 7.500.000 - 10.000.000 đồng.
5. Thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng (đối với công trình sửa chữa, cải tạo, di dời công trình và giấy phép xây dựng có thời hạn): phạt tiền từ 7.500.000 -10.000.000 đồng.
6. Thi công xây dựng công trình gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận: phạt tiền từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng.
7. Thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với cấp giấy phép xây dựng mới: phạt tiền từ 15.000.000 -20.000.000 đồng.
8. Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng: phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng.
9. Xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt: phạt tiền từ 40.000.000 - 50.000.000 đồng.
10. Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung: phạt tiền từ 40.000.000 - 50.000.000 đồng.
11. Xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm: phạt tiền từ 50.000.000 - 60.000.000 đồng.
12. Xử phạt hành vi đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: phạt tiền từ 60.000.000 - 70.000.000 đồng.