Kiến tạo giải pháp hình thành trung tâm tài chính quốc tế
Ngày 30/12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, để thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế được nêu rõ trong nghị quyết, đang đặt ra rất nhiều thách thức cho TP. Hồ Chí Minh. Trọng tâm là các vấn đề định hướng mô hình cho phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khung pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực…
Hiến kế vượt rào cản
Các chuyên gia cho rằng, chiến lược trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho TP. Hồ Chí Minh, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Lộ trình bao gồm: Hiến kế, kiến tạo, định hướng mô hình cho phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khung pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực…
TS. Huỳnh Thanh Điền - chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế TP. Hồ Chí Minh đã là TTTC của cả nước dù chưa được định hình bài bản, biểu lộ rõ nhất là những yếu tố cơ bản như chứng khoán, trái phiếu, vay vốn, bảo hiểm…, nhưng ở tầm quốc tế thì cần phải chuyển đổi để hoàn thiện hơn. Phân tích sâu về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Đại học Fulbright nhìn nhận, các TTTC ở Đông Nam Á khi xây dựng bắt buộc phải có lộ trình tự do hóa tài chính.
Hiện các tổ chức tài chính quốc tế chưa có mặt nhiều tại Việt Nam, do họ chỉ có giấy phép để kinh doanh ngân hàng truyền thống, khó xin thêm giấy phép hoạt động lĩnh vực khác. Đa số các ngân hàng quốc tế đều chỉ phục vụ doanh nghiệp FDI. Đối với những ngân hàng quốc tế thấy không có hy vọng phát triển thành tập đoàn tài chính họ đều rút vốn, bán lại, hoặc thu hẹp thị trường tại Việt Nam. “Đây cũng đang là rào cản lớn, do đó, cần có khung pháp lý cho tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính” – ông Thành kiến nghị.
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển, hiện nay nguồn vốn cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu là ngân hàng thương mại, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho vốn vay lưu động và người dân đã quá tải. Thị trường vốn ở Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn, do đó, cần có TTTC để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế.
Khởi đầu bằng những bước đi đúng hướng
Phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp hình thành TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh” do Báo Sài Gòn Giải phóng vừa tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh (HFIC), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho biết, HFIC được giao nhiệm vụ xây dựng và hình thành TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh (Đề án mang tầm quốc gia đặt tại TP. Hồ Chí Minh). Hiện nay đề án cơ bản hoàn thành các nội dung, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã thông qua, đồng thời đã được trình lên Trung ương và đang xúc tiến thành lập ban chỉ đạo đề án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, với quy mô và vai trò mới trong bối cảnh hiện nay, nhất là việc Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì cần phải tạo ra làn sóng thu hút đầu tư để tạo đột phá mới cho sự phát triển, trong đó kiến tạo hình thành thị trường vốn mà TTTC quốc tế TP. Hồ Chí Minh là điển hình.
4 chương trình hành động để phát triển đến năm 2025
Bà Lê Ngọc Thùy Trang - Tổng giám đốc HFIC cho biết, để phát triển đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh đặt ra 4 chương trình hành động: Phát triển Fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực; phát triển Khu Tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa tại Trung tâm Tài chính quốc tế TP.Hồ Chí Minh.
Theo ông Hòa, để TP. Hồ Chí Minh thành TTTC quốc tế, cần hoàn thiện 3 trụ cột cốt lõi: Thứ nhất, với trụ cột thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, hiện chỉ mới có hệ thống ngân hàng thương mại mà thiếu ngân hàng đầu tư. Thứ hai, với trụ cột thị trường vốn thì còn manh nha, sơ khai và mới hình thành dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường này hoạt động đầy đủ cho tất cả ngành nghề. Thứ ba, trụ cột về thị trường hàng hóa phái sinh. Trụ cột này hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hóa sơ cấp nhất cũng chưa hình thành.
Theo đó, để vận hành được các trụ cột nêu trên, trong đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành TTTC quốc tế đã đề cập rất rõ đến việc phải xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến. Trong đó, đặc biệt chú trọng chính sách thu hút đầu tư từ nhà đầu tư tiên phong, có tính chất khai phá, dẫn dắt hình thành thị trường, tạo tiền đề hình thành chuỗi nhà đầu tư thứ cấp tham gia. Bên cạnh đó, cần cơ chế cho phép áp dụng khung pháp lý thí điểm thử nghiệm trên một số lĩnh vực. Từ đó làm cơ sở đánh giá mức độ tương thích giữa hệ thống pháp lý với hiệu quả thực hiện, tiến tới điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.
Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, nhằm sớm hình thành TTTC quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh thì cần có chính sách đủ để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường, tạo cơ hội sinh lời và củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Tạo làn sóng thu hút đầu tư thứ ba vào TP. Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên HFIC cho rằng, với quy mô và vai trò mới trong bối cảnh hiện nay, TP. Hồ Chí Minh cần phải tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ ba. Trong đó là kiến tạo hình thành thị trường vốn mà Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh là điển hình. Trên thực tế, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nguồn vốn đa dạng hơn, lớn hơn, dài hơi hơn để có thể mở rộng quy mô đầu tư và phát triển.
"Nghị quyết 31 sẽ là cơ sở để thành phố thay mới chiếc áo đã chật. Việc sớm hình thành và đi vào hoạt động Trung tâm Tài chính quốc tế TP. Hồ Chí Minh sẽ là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính để tạo nguồn lực phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp với những dự án quy mô lớn hơn, chất lượng sâu hơn, tạo cú hích mạnh cho đồng bộ các ngành cùng phát triển" - ông Hòa khẳng định.
Trung tâm tài chính quốc tế đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế
Ông Phạm Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế Cảng kỹ thuật biển, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế, nhất là trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang đề xuất xây dựng siêu cảng Cần Giờ với tổng vốn đầu tư dự kiến là 5 tỷ USD.
Cảng quốc tế không chỉ giúp cho sự phát triển của quốc gia, khu vực, mà đây còn là nơi tập trung gom hàng - phân phối hàng cho các quốc gia khác trên thế giới, kéo theo các công ty tài chính, hoạt động vốn cho chủ tàu, chủ hàng… cùng phát triển vượt bậc. Hệ thống cảng biển Cần Giờ có rất nhiều lợi thế, có tuyến vận tải đặc biệt nằm trên tuyến vận tải quốc tế Á - Âu. Thế mạnh của cảng biển đã có, tuy vậy từ nhiều năm qua, hoạt động cảng biển của Việt Nam chưa hiệu quả, mới chỉ dừng lại ở việc trung chuyển, bốc xếp hàng hóa tại khu vực cửa ngõ qua tuyến đường thủy nội địa…