Kiến tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp

ĐBP - Năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Điện Biên đạt 62,62 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, giảm 2 bậc so với năm 2019. Trong 10 chỉ số thành phần có 6 chỉ số bị giảm điểm so với năm 2019; trong đó có chỉ số quan trọng là 'Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp'.

Công nhân Công ty Cổ phần Kiến trúc và Nội thất Rubik vận hành máy được hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia. Ảnh: Mai Phương

Chỉ số thành phần “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” là một trong những công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động để phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm nhiều nội dung như: Xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, tìm kiếm thị trường...

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Điện Biên giảm điểm ở chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”. Năm 2018 chỉ số này đạt 6,94 điểm; năm 2019 giảm xuống 6,46 điểm; năm 2020 tiếp tục giảm còn 6,02 điểm. Điều này chứng tỏ chưa có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng các dịch vụ, chính sách hỗ trợ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hạn chế này, trong đó có nguyên nhân một số sở, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động trong công tác phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp. Còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn chưa tiếp cận thông tin về các kênh hỗ trợ doanh nghiệp chính thức từ cơ quan Nhà nước.

Theo báo cáo số 384/BC-UBND ngày 3/12/2020 của UBND tỉnh, hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.400 doanh nghiệp, trong đó 1.115 doanh nghiệp đang hoạt động. Kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố cho thấy: Đối với nội dung thuộc chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” là “Doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường” thì mới có 57% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ; và chỉ có 25% doanh nghiệp đã từng sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ này. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn có thu nhập và tích lũy hạn chế nên thiếu nguồn lực để thu thập thông tin về những dịch vụ kinh doanh đang có trên thị trường và trả phí cho các dịch vụ được cung cấp. Theo kết quả khảo sát, được biết có 88% doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường. Do đó tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề này. Trong đó chú trọng việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp qua cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử các đơn vị về văn bản pháp luật, thủ tục hành chính các cấp, thông tin thị trường, chính sách khuyến khích, hỗ trợ...

Một nội dung khác thuộc chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” là “Doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ tư vấn về pháp luật” cũng mới có 55% doanh nghiệp từng sử dụng, trong đó có 24% đã từng sử dụng nhà cung cấp tư nhân. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên nền tảng pháp lý ổn định, lâu dài. Do đó, bên cạnh những hoạt động đã triển khai trong thời gian qua, ngành Tư pháp tỉnh cần tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, như: Tập huấn kiến thức, giải đáp pháp luật; tư vấn pháp luật và cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản trả lời của cơ quan Nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của ngành và kết nối với cổng thông tin điện tử tỉnh...

Trong số các nội dung thuộc chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” thì đạt cao nhất là chỉ số “Doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại” với 80% doanh nghiệp đã từng sử dụng. Còn lại các dịch vụ khác đều thấp hoặc trung bình. Ngoài 2 dịch vụ phân tích ở trên thì các dịch vụ: “Đào tạo về kế toán, tài chính” có 50% doanh nghiệp từng sử dụng; “Đào tạo về quản trị kinh doanh”: 50%; “Tìm kiếm đối tác kinh doanh”: 62%...

Trong bối cảnh tỉnh ta còn ít nhà cung cấp tư nhân (chiếm khoảng 1,04% tổng số doanh nghiệp) tham gia cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, thì các ngành chức năng cần quan tâm, vào cuộc để triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Nếu như việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 giúp giảm tối đa về thời gian gửi, nhận hồ sơ, chi phí đi lại, giấy tờ cho doanh nghiệp là điểm cộng trong thời gian qua thì các ngành chức năng cần vào cuộc trách nhiệm hơn nữa. Cụ thể, ngành Ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; bảo hiểm xã hội tích cực thông tin, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp về chế độ chính sách bảo hiểm; hải quan tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu; ngành công thương đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường; chính quyền các huyện, thị, thành phố thường xuyên gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn...

Chỉ số PCI được công bố hàng năm nhưng kết quả xếp hạng là nỗ lực của địa phương trong suốt hành trình nhiều năm. “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” chỉ là 1 trong 10 chỉ số thành phần. Việc tăng hay giảm 1, 2 bậc không quan trọng bằng sự thay đổi tư duy và hành động đồng hành cùng doanh nghiệp. Khi chuyển được từ “quản lý, điều hành” thành “kiến tạo môi trường tốt nhất cho hoạt động của doanh nghiệp” thì phương châm hành động “Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền” mới thực sự được lan tỏa.

Hà Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/189300/kien-tao-moi-truong-tot-nhat-cho-doanh-nghiep