Kiến tạo tương lai cùng AI

Việc công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lần đầu tiên được sử dụng để xử lý các câu hỏi trong chương trình 'Giao lưu trực tuyến' với người dân vào ngày 19/12 tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chứng minh rằng khai thác tiềm năng và sức mạnh của AI trong mọi lĩnh vực đang trở thành xu hướng chủ đạo trên thế giới.

AI, một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thay đổi thế giới và cuộc sống của con người.

Nếu 2023 là năm thế giới khám phá AI tạo sinh có thể làm được gì, thì 2024 là năm mà các tổ chức thực sự bắt đầu sử dụng và thu được giá trị từ công nghệ thông minh này. Theo dữ liệu mới nhất, thị trường AI toàn cầu đạt giá trị 279 tỷ USD, tăng khoảng 80 tỷ USD kể từ năm 2023, chủ yếu là do tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào thực tế. Việc ứng dụng AI tạo sinh năm nay tăng 17% so với năm ngoái nhờ những tiến bộ về xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và tăng cường tích hợp vào các chatbot và công cụ tự động hóa.

Với những lợi ích mà AI mang lại, nhiều quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, với mục tiêu trở thành trung tâm kiểm soát công nghệ này. Đầu tư cho AI đến cả từ nguồn chính phủ, các doanh nghiệp lẫn các quỹ phi lợi nhuận, trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Canada, Pháp... là những quốc gia hàng đầu. Riêng đầu tư cho AI tạo sinh chiếm khoảng 40%.

Cùng với sự phát triển của AI, việc thúc đẩy sử dụng AI an toàn, có trách nhiệm, song song với thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo cũng tiếp tục được triển khai trên toàn cầu. Năm 2024 đã ghi nhiều dấu mốc trong nỗ lực thúc đẩy "phát triển và sử dụng AI có trách nhiệm". Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 3 vừa qua đã có bước đi lịch sự, lần đầu tiên thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt về thúc đẩy các hệ thống AI "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy". Trước đó 1 tháng, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã công bố bản hướng dẫn về quản trị và đạo đức AI. Tháng 9, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Công ước khung về AI, văn kiện được Hội đồng châu Âu thông qua và được 50 quốc gia soạn thảo trong hơn 2 năm, trong đó có Canada, Israel, Nhật Bản và Australia.

Đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên mang tính ràng buộc pháp lý về việc sử dụng AI. Trước đó, Luật AI của EU chính thức có hiệu lực từ tháng 8 vừa qua, trở thành văn bản pháp lý đầu tiên trên thế giới vạch ranh giới được phép và không được phép đối với một lĩnh vực công nghệ mới mẻ và phát triển rất nhanh như AI. Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) công bố dự thảo đầu tiên của Bộ quy tắc về AI đa dụng, với kỳ vọng tạo ra một môi trường pháp lý ổn định và minh bạch, thúc đẩy sự phát triển có trách nhiệm của ngành công nghiệp AI, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo công bằng trong thị trường kỹ thuật số.

Năm nay, Chính phủ Australia đã ban hành Chính sách sử dụng AI có trách nhiệm, một khung pháp lý được thiết kế để đảm bảo việc triển khai AI trong khu vực công diễn ra một cách an toàn, hiệu quả và có đạo đức. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược của đất nước nhằm tối đa hóa lợi ích của AI, đồng thời quản lý các rủi ro liên quan, hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu cho việc sử dụng AI có trách nhiệm. Malaysia cũng đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và Hướng dẫn quản trị AI, bên cạnh việc thành lập Văn phòng AI quốc gia.

Việt Nam cũng là nước tiên phong về quản trị AI khi đang triển khai xây dựng bộ quy tắc về AI, với 7 nguyên tắc và 5 giá trị cốt lõi về AI có trách nhiệm. Khi AI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai, Việt Nam đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự cân bằng giữa đổi mới công nghệ và các giá trị đạo đức. Đầu tháng này, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã công bố thành lập Ủy ban Đạo đức AI, với sứ mệnh định hướng lộ trình phát triển AI của Việt Nam, đảm bảo AI được triển khai theo chuẩn mực đạo đức, đổi mới sáng tạo song hành với lợi ích xã hội, và thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi cho AI. Theo đánh giá của trang mạng opengovasia.com (Singapore), sự kiện này đã củng cố vị thế của Việt Nam như một trong những quốc gia tiên phong trong việc xây dựng các chính sách AI có trách nhiệm. Theo nghiên cứu của Google, tiềm năng từ AI tại Việt Nam là rất lớn, với lợi ích kinh tế ước tính lên tới 1.890 nghìn tỷ đồng (79,3 tỷ USD) cho các doanh nghiệp vào năm 2030, nếu các công cụ AI được áp dụng rộng rãi. Con số này tương đương gần 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vào năm 2030.

Các cuộc thảo luận quốc tế về AI liên tục được tổ chức, tập trung vào cân bằng giữa rủi ro tiềm ẩn và lợi ích của AI, đồng thời thúc đẩy hợp tác toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức. Năm nay diễn ra một số hội nghị lớn như Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI đầu tiên được tổ chức tại Bletchley Park, Vương quốc Anh, Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI tại Seoul (Hàn Quốc), Hội nghị Mạng lưới quốc tế các viện an toàn AI tại thành phố San Francisco (Mỹ), cùng nhiều hội nghị khác. Trong khi đó, các công ty công nghệ cũng triển khai những biện pháp an toàn như OpenAI thành lập ủy ban giám sát an toàn AI, Character.AI dần đưa ra các biện pháp bảo vệ người dùng thanh thiếu niên. Tại Hội nghị AI ở Hàn Quốc, hơn 16 công ty công nghệ cam kết đảm bảo an toàn AI.

Công ty Tractica dự báo thị trường AI sẽ tăng 26% vào năm 2025. Một số ước tính cho thấy công nghệ AI có thể tạo ra doanh thu 15.700 tỷ USD vào năm 2030 và thúc đẩy GDP của các nền kinh tế tăng thêm 26%. Tới năm 2025, AI dự kiến sẽ tạo ra 12 triệu việc làm mới trên toàn cầu, có thể đóng góp tạo ra từ 20 triệu đến 50 triệu việc làm mới trên thế giới vào năm 2030. Giới chuyên gia cho rằng thế giới đang ở thời điểm mà việc sử dụng AI có trách nhiệm, an toàn và đáng tin cậy hơn có thể định hình lại các ngành công nghiệp và thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức sử dụng. Nếu không quản lý và giám sát chặt chẽ, thì những kịch bản AI tồi tệ nhất tưởng như chỉ có trong phim viễn tưởng cũng có thể xảy ra.

Giáo sư Yoshua Bengio, người Canada, Giám đốc Viện Nghiên cứu AI Mila ở Montreal, một trong những nhà khoa học đặt nền tảng cho sự phát triển AI, cho rằng điều quan trọng nhất là việc phát triển công nghệ cần phải đi đôi với việc bảo vệ quyền lợi của con người và sự phát triển bền vững của xã hội. Con người có thể biến AI thành "người đồng hành tin cậy" trong quá trình kiến tạo tương lai khi việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đi đôi với trách nhiệm, đạo đức, lấy con người làm trung tâm. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trách nhiệm chính là cơ sở để AI có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực giúp đem lại sự thịnh vượng cho con người.

Nguyễn Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kien-tao-tuong-lai-cung-ai-20241217081150174.htm