Kiện toàn nhân sự bộ máy nhà nước vào tháng 3 tới
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 24/03/2021. Kỳ họp này chủ yếu dành thời gian kiện toàn một số chức danh trong bộ máy nhà nước.
Sáng 23/02, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3/2021, bế mạc vào ngày 7/4/2021 và dự phòng 01 ngày (8/4/2021). Tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 11 ngày, trong đó bố trí 2,5 ngày để xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và 6,5 ngày xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác (dự kiến là công tác nhân sự).
Cụ thể, về công tác lập pháp: 0,5 ngày, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Hoạt động giám sát và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng: 9 ngày. Trong đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Thảo luận dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước. Xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 (2,5 ngày).
Khai mạc, bế mạc, trình bày báo cáo, thông qua Luật, Nghị quyết: 1,5 ngày.
Tại Kỳ họp này, các báo cáo gửi đại biểu tự nghiên cứu gồm: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, ngành, địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định (nếu có) ; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Công tác bảo vệ môi trường trong phạm vi cả nước; Tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 20203.
Cũng tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo tổng kết của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp và được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, kỳ họp này sẽ kiện toàn một số chức danh nhà nước, và tới đây Đảng đoàn Quốc hội họp sẽ bàn, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến. Trên tinh thần đó, bà Ngân đề nghị, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào công việc còn lại của mình chuẩn bị chu đáo để khi bàn giao bảo đảm sự tiếp nối như “dòng chảy liên tục, không bị tắc chỗ nào”.
“Theo Luật Tổ chức Quốc hội, những chức danh Quốc hội bầu rồi, đã thông qua nghị quyết là có hiệu lực ngay chứ không phải phê chuẩn nữa và người đó tiếp nhận công việc ngay. Chủ tịch mới bầu rồi phải lên điều hành ngay, tuyên thệ rồi là lên vị trí điều hành chứ không chờ nữa”, bà Ngân nhấn mạnh. Tuy nhiên, với những đại biểu Quốc hội sau khi không giữ chức danh lãnh đạo thì vẫn là đại biểu cho đến khi bầu đại biểu Quốc hội khóa mới.
Ở nhiệm kỳ trước, sau Đại hội XII của Đảng, Quốc hội đã tiến hành kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt vào cuối nhiệm kỳ, với việc bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.