Kiện toàn nhân sự Quốc hội và Chính phủ

Quốc hội đã bầu ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH và ông Lê Minh Hoan, nguyên bộ trưởng Bộ NN-PTNT, giữ chức Phó Chủ tịch QH.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã bầu 2 phó chủ tịch Quốc hội, 6 chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 4 bộ trưởng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 18-2, Quốc hội (QH) đã bỏ phiếu bầu Phó Chủ tịch QH khóa 15 và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa 15; phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, nhiệm kỳ 2021-2026.

Chính phủ có 25 thành viên

Nghị quyết về cơ cấu tổ chức và số lượng thành viên của Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa 15 được QH thông qua ngày 18-2 với số phiếu tán thành cao.

Sau khi tinh gọn bộ máy, Chính phủ nhiệm kỳ QH khóa 15 gồm 25 thành viên là Thủ tướng Phạm Minh Chính, 7 Phó Thủ tướng, 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ. So với trước khi sắp xếp, Chính phủ có 27 thành viên với 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Trong đó, Chính phủ thành lập 6 bộ mới trên cơ sở hợp nhất.

Cụ thể, 7 Phó Thủ tướng gồm các ông: Nguyễn Hòa Bình (Thường trực), Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn (kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Mai Văn Chính và Nguyễn Chí Dũng. Trong đó, ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng được QH phê chuẩn bổ nhiệm vào ngày 18-2.

QH cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm 4 bộ trưởng của 4 bộ mới thành lập sau khi sắp xếp, hợp nhất. Cụ thể, Bộ Xây dựng thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho hai bộ. Chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ đưa về Bộ Công an. Ông Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ GTVT, được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Xây dựng.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho hai bộ và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ LĐ-TB-XH. Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ TN-MT, được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập trên cơ sở hợp nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho hai bộ. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo thành lập trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo.

Với 2 bộ mới thành lập giữ tên như cũ thì nhân sự người đứng đầu do các bộ trưởng hiện hành đảm nhận. Cụ thể, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Nội vụ cũ tiếp tục làm Bộ trưởng Nội vụ mới sau khi hợp nhất Bộ LĐ-TB-XH với Bộ Nội vụ cũ. Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũ tiếp tục làm Bộ trưởng Tài chính mới sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính cũ.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tặng hoa chúc mừng 2 tân Phó Chủ tịch QH cùng các Ủy viên UBTVQH. Ảnh: LÂM HIỂN

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, tặng hoa chúc mừng 2 tân Phó Chủ tịch QH cùng các Ủy viên UBTVQH. Ảnh: LÂM HIỂN

Ngoài các bộ mới, cơ cấu tổ chức Chính phủ duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ, gồm: Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phan Văn Giang làm Bộ trưởng; Bộ Công an do Đại tướng Lương Tam Quang làm Bộ trưởng; Bộ Tư pháp do ông Nguyễn Hải Ninh làm Bộ trưởng; Bộ Công Thương do ông Nguyễn Hồng Diên làm Bộ trưởng; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch do ông Nguyễn Văn Hùng làm Bộ trưởng; Bộ Ngoại giao do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn kiêm Bộ trưởng; Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Nguyễn Kim Sơn làm Bộ trưởng; Bộ Y tế do bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng; Văn phòng Chính phủ do ông Trần Văn Sơn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm; Thanh tra Chính phủ do Đoàn Hồng Phong làm Tổng Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do bà Nguyễn Thị Hồng làm Thống đốc.

QH cũng đã phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Xây dựng đối với ông Nguyễn Thanh Nghị; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt.

Chiều 18-2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã chủ trì lễ công bố và trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các ông Mai Văn Chính và Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng đối với ông Trần Hồng Minh; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đối với ông Đỗ Đức Duy và Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo đối với ông Đào Ngọc Dung.

Bầu 2 Phó chủ tịch QH

Cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của QH và Nghị quyết của QH về số thành viên của UBTVQH khóa XV (sửa đổi), kiện toàn nhân sự. Theo Nghị quyết, TVQH có 19 thành viên, trong đó gồm: Chủ tịch QH, 6 Phó chủ tịch QH, 12 ủy viên UBTVQH - trong đó có 8 ủy viên đứng đầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban.

QH cũng đã bầu ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH và ông Lê Minh Hoan, nguyên bộ trưởng Bộ NN-PTNT, giữ chức Phó Chủ tịch QH. Như vậy, sau kiện toàn, lãnh đạo QH bao gồm Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn và 6 Phó chủ tịch QH, gồm các ông (bà): Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh, Vũ Hồng Thanh, Lê Minh Hoan.

Cơ quan của QH gồm: Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Ủy ban Kinh tế và Tài chính; Ủy ban Văn hóa và Xã hội; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu; Văn phòng QH. Như vậy giảm 4 ủy ban so với hiện nay.

Tên các cơ quan của QH cũng có nhiều thay đổi sau hợp nhất, sáp nhập, gồm: Hội đồng Dân tộc, giữ nguyên tên gọi như hiện nay. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp. Ủy ban Kinh tế - Tài chính được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ủy ban Văn hóa và Xã hội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội. Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại được thành lập trên cơ sở hợp nhất chuyển một phần công tác đối ngoại vào Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Tên gọi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Văn phòng Quốc hội giữ nguyên như hiện nay. Hai ban thuộc UBTVQH được nâng cấp lên ủy ban, gồm: Ủy ban Dân nguyện và Giám sát; Ủy ban Công tác đại biểu.

Sau hợp nhất các ủy ban, QH đã bầu các Ủy viên UBTVQH và Chủ nhiệm các ủy ban. Cụ thể: Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật được bầu giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội. Ông Lê Tấn Tới, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại. Ông Lê Quang Huy tiếp tục giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát. Bà Nguyễn Thanh Hải, trưởng Ban Công tác đại biểu được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu. Ông Lê Quang Tùng tiếp tục giữ chức Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH.

Ngoài Chủ tịch, các Phó Chủ tịch QH và lãnh đạo các Ủy ban, Thường vụ Quốc hội có 4 ủy viên gồm: Phó bí thư Đảng ủy QH chuyên trách Vũ Hải Hà (trước đó là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại); Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh (trước đó là Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách); Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga (trước đó là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp).

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM được bầu giữ chức Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính. Chiều cùng ngày, QH đã tiến hành miễn nhiệm Ủy viên UBTVQH đối với bà Nguyễn Thúy Anh, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội.

Biểu quyết thông qua các Nghị quyết

Ngày 19-2, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua các Nghị quyết của QH về: chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM.

QH cũng biểu quyết thông qua các Nghị quyết của QH: Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; bổ sung kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... và họp phiên bế mạc.

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kien-toan-nhan-su-quoc-hoi-va-chinh-phu-196250218213856507.htm