Kiên trì trồng tiêu hữu cơ
Trong khi nhiều vườn tiêu ngã màu vàng úa, trụ chỏng chơ, cây chết tràn lan, thì vườn tiêu gần 1ha của anh Huỳnh Tấn Vương ở thôn 3, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) vẫn xanh tốt, cho năng suất ổn định, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) là một trong là những địa phương có diện tích trồng hồ tiêu tương đối lớn ở Quảng Ngãi. Thế nhưng, sau một thời gian nhiều diện tích hồ tiêu rơi vào cảnh dịch bệnh, chết hàng loạt, cùng lúc giá tiêu hạt rớt thê thảm khiến nhiều hộ nông dân sụt chí chặt bỏ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác. Ngược lại, anh Huỳnh Tấn Vương (42 tuổi) vẫn chăm sóc tốt vươn tiêu hơn 700 trụ của mình theo hướng hữu cơ cho thu nhập ổn định.
Trồng tiêu chi phí thấp
Cách đây hơn 6 năm, thời điểm giá tiêu hạt được thu mua với giá cao kỷ lục 200.000 đồng/kg, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đổ xô đầu tư giống, trụ, phân bón khoảng 10 triệu đồng/sào, riêng anh Vương lại chọn cách đầu tư khác nhằm hạ giá thành sản xuất. Thời điểm đó, chỉ riêng giá mỗi trụ bê tông trồng tiêu từ 120.000-150.000 đồng, nhưng trồng theo cách của anh Vương chỉ tốn 30.000 đồng/trụ tiêu kể cả phân bón, cây giống.
“Hơn 4.000m2 tiêu của tôi đều trồng cây trụ sống là cây gòn. Đây là loại cây phát triển nhanh, dễ sống, giá thành lại rất thấp. Mỗi cây gòn giống giá chỉ từ 1.000-2.000 đồng/cây, với 700 trụ chỉ mất khoảng 1-1.2 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với trụ bê tông. Hơn cả, trồng cây sống thì được chiều cao, ở mức 6-7m, có những cây lên đến 12m trong khi trụ đứng chỉ 3-4m. Năng suất cây trồng cao hơn hẳn, mỗi trụ tiêu trồng bằng cây sống thu hoạch được 10kg nhưng trồng bằng trụ chết chỉ tầm 5-6kg”, anh Vương chia sẻ và tính toán trung bình 1 sào tiêu đầu tư chưa đến 5 triệu đồng.
Toàn bộ vườn tiêu gần 1ha của anh Vương được đầu tư, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Cây được bón phân chuồng, phân vi sinh, thuốc diệt côn trùng hữu cơ, nói không với thuốc trừ cỏ và các thuốc hóa học. Nước tưới cả gốc lẫn ngọn nên cây trụ sống lẫn tiêu đều phát triển tốt. Cỏ trong vườn tiêu anh không giẫy bỏ để tránh ảnh hưởng đến rễ tiêu, dẫn đến dễ bị bệnh. Thay vào đó, cỏ được cắt nhằm giữ ẩm cho đất. Cộng với bón phân hữu cơ vi sinh nên các vi sinh vật có lợi trong đất có thêm đất sống, giúp cây tiêu có thêm điều kiện để phát triển, kháng bệnh.
Theo anh Vương, mỗi đợt bón phân anh chỉ bón một tỷ lệ nhất định phân vi sinh cho cây đủ chất nuôi trái, còn chủ yếu là bón phân hữu cơ, bởi mỗi tấn phân chuồng chỉ 800 nghìn đồng, như vậy mỗi đợt bón 1-1,5 tấn phân chuồng, đã giảm chi phí được khoảng năm triệu đồng. Như vậy, chi mỗi năm bón hai đợt đã giảm được 15 triệu đồng, nhưng hồ tiêu vẫn xanh tốt. Anh Vương cũng không ham trồng quá dày, chỉ trồng 700 trụ tiêu/ha so với 900-1.200 trụ/ha nếu trồng bằng trụ bê tông.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Lâm Nguyễn Duy Nhịp cho biết: “Vườn tiêu nhà anh Vương có lẽ là vườn tiêu thành công nhất địa phương cho đến thời điểm hiện nay”, bởi tiêu phát triển tốt, cho năng suất cao và giảm tối đa bệnh trên cây. Toàn xã hiện có có 24 hộ trồng hồ tiêu, với diện tích 2.4ha. Hiện tại, dịch bệnh khiến nhiều vườn tiêu ở địa phương rơi vào cảnh bị chặt bỏ, riêng hộ anh Huỳnh Tấn Vương vẫn kiên trì chăm sóc. Qui trình trồng, chăm sóc, bón phân được anh Vương làm rất khoa học, theo phương pháp hữu cơ. Đây cũng là mô hình điểm mà địa phương định hướng nhân rộng nhằm phát huy lợi thế diện tích đất sỏi, đất gò đồi khá lớn như Nghĩa Lâm.
Thu hàng trăm triệu đồng
Niên vụ này là năm thứ 4 vườn tiêu của anh Vương cho thu hoạch ổn định. Nhìn những trụ tiêu thẳng tắp, lá xanh mướt và những quả tiêu non bắt đầu chuyển màu, anh Vương không giấu được niềm vui, tâm sự: “Thời điểm này vườn tiêu thực sự mới có năng suất ổn định. Tính toán sơ bộ, với gần 1ha tiêu sẽ thu trung bình khoảng 1,2-1,5 tấn hạt khô; với giá tiêu hiện nay đang trên đà tăng vọt trên dưới 80.000 đồng, thì người trồng tiêu trúng lớn. Anh Vương nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, gia đình anh có thể thu lãi ròng từ 600-700 triệu đồng”.
Từ năm 2017 đến nay, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, có thời điểm chỉ còn 30.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu rơi vào khó khăn khi phải tái đầu tư chăm sóc, duy trì sản xuất cho năm sau. Thời điểm này, giá tiêu có xu hướng tăng khiến người nông dân hết sức vui mừng, phấn khởi. Anh Vương cho biết: “Sản lượng năm nay dự kiến đạt hơn năm trước vì lúc tiêu xuống giá anh vẫn tập trung đầu tư, chăm sóc vườn tốt nên vụ thu hoạch sắp tới niềm vui được nhân đôi. Mới đầu vụ thu hoạch giá tiêu đã liên tục tăng cao và đến thời điểm này đạt mức 75.000 đồng/kg. Với giá này người trồng tiêu đã có lãi. Đáng mừng hơn nữa, theo dự báo, trong thời gian tới giá tiêu sẽ còn tiếp tục tăng, có khả năng đạt mức 100.000 đồng/kg”.
Ngoài tiêu, anh Vương còn trồng thêm 100 cây sầu riêng và 150 cây cau xen canh, đến nay số cây này đều phát triển rất tốt, cây khỏe và đang trong giai đoạn cho trái. Anh Vương cho biết: “Làm nông nghiệp khó đoán lắm, như cây tiêu này thì không thể biết được giá cao vào năm nào. Để cho chắc ăn, tôi trồng cùng lúc ba loại cây là sầu riêng, hồ tiêu và cau, với hy vọng lấy cây này bù cây khác. Thời gian sắp tới, tôi tiếp tục xen canh thêm sầu riêng vào vườn hồ tiêu để tăng thu nhập”.
Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, nhờ vườn hồ tiêu của anh Vương mà nhiều người dân trong vùng cũng có công ăn việc làm. Anh Vương cho biết: “Vườn hồ tiêu rộng gần 1ha luôn có 1-2 lao động làm việc liên tục như tưới cây, bón phân, cắt cỏ; đến thời vụ hái tiêu, mỗi ngày có từ 8-10 nhân công hái trong 1 tháng mới hết vườn tiêu. Thu nhập trung bình của mỗi nhân công từ 3-4 triệu đồng tùy năng suất công việc”.
Bài, ảnh: Thủy Tiên
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202103/kien-tri-trong-tieu-huu-co-3050103/