Kiên trì và linh hoạt trong ứng phó dịch Covid-19
Trong hai tuần gần đây số ca mắc Covid-19 ở nước ta tăng rất nhanh. Tổng số ca mắc của đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4) tính đến nay đã gấp gần sáu lần ba đợt trước cộng lại.
Để tiếp tục duy trì mục tiêu kép thì các địa phương cần kiên trì thực hiện chiến lược chống dịch đã đề ra, nhưng các biện pháp ứng phó dịch cần có sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp tại từng khu vực, địa phương.
Theo thống kê đến đêm qua (4/7) đã có gần 20 nghìn ca mắc Covid-19 tại 53 tỉnh, thành phố, trong đó có 86 người chết liên quan đến Covid-19. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát, nhưng tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, dịch diễn biến nhanh, phức tạp; số ca mắc tăng cao với nhiều ổ dịch trong cộng đồng; nhiều trường hợp chưa rõ nguồn lây.
Tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, liên tục gia tăng số ca mắc do là địa bàn tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh; có nhiều nhà máy, khu công nghiệp với số lượng lớn người lao động có giao lưu, đi lại với khu vực có dịch. Thống kê cho thấy tại TP Hồ Chí Minh có 22 chuỗi lây nhiễm; số chuỗi lây nhiễm ở Bình Dương là 6, ở Long An là 4, ở Tiền Giang, Đồng Nai là 3...
Liên tục ghi nhận “đà tăng” ở mức ba con số mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số người mắc Covid-19, với 6.034 ca bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế về hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh đánh giá, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh còn phức tạp, số lượng ca mắc tăng nhanh. Dịch đã lan sang một số địa phương giáp ranh và một số tỉnh xa có mối quan hệ mật thiết với TP Hồ Chí Minh, có mối giao thương hai chiều cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ cả hai địa phương.
Đáng chú ý, các ca nhiễm trong cộng đồng bắt đầu có xu hướng tăng cao gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch... Trong khi đó, việc tổ chức xét nghiệm triển khai đồng bộ từ tổ chức lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm, hợp mã để trả kết quả còn nhiều vấn đề cần khắc phục; công tác truy vết chưa đạt được như mong đợi; khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc...
Theo dự báo, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đã lưu hành tại nhiều nơi, trong đó nhiều khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch như nhà máy, khu công nghiệp. Tại một số khu vực chưa thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, làm cho việc kiểm soát nguồn lây khó khăn hơn. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số địa phương đang có dịch cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, chú trọng hệ thống chính trị tại cơ sở để tập trung, ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch.
Thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp cách ly, giãn cách; xem xét nâng cao các biện pháp hạn chế đối với một số địa bàn, khu vực có tình hình dịch phức tạp; kiểm soát chặt chẽ, triệt để các địa bàn, khu vực đang thực hiện phong tỏa, giãn cách, tuyệt đối không để người dân vào, ra khu vực; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tổ chức điều phối lấy mẫu hiệu quả, an toàn và áp dụng chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế cho từng nhóm đối tượng, bảo đảm lấy mẫu phù hợp với năng lực xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ. Tiếp tục thực hiện các hình thức cách ly phù hợp; siết chặt công tác kiểm soát phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp trên địa bàn.
Đối với các địa phương khác đang có dịch cần khẩn trương, thần tốc trong truy vết, triệt để trong cách ly, tuyệt đối không bỏ sót các trường hợp thuộc diện F1; những người đi về từ khu vực có dịch.
Tiếp tục nâng cao năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị và bảo đảm hậu cần cho công tác phòng, chống dịch; tổ chức điều phối lấy mẫu hiệu quả và áp dụng các chiến lược xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế cho từng nhóm đối tượng, bảo đảm lấy mẫu phù hợp với năng lực xét nghiệm và trả kết quả trong vòng 24 giờ.
Thực hiện nghiêm, quyết liệt các biện pháp cách ly, giãn cách theo quy mô phù hợp; bảo đảm khoảng cách trong khu cách ly tập trung, giảm mật độ cách ly. Kiểm soát nghiêm hoạt động của các nhà máy, khu công nghiệp, các khu vực lưu trú, tập trung đông công nhân, người lao động trên địa bàn; thực hiện xét nghiệm sàng lọc, xét nghiệm nhanh thường xuyên với công nhân, người lao động của các nhà máy, khu công nghiệp. Đồng thời quản lý chặt những người đi về từ các khu vực, địa điểm có dịch; đẩy mạnh hoạt động các tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng.
Để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt, căn cứ tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành một cách linh hoạt, đúng hướng, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả các giải pháp chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, duy trì thực hiện thông điệp 5K + vắc-xin và tăng cường ứng dụng công nghệ; chủ động rà soát kịch bản phòng, chống dịch khi có nhiều ca bệnh và dịch lây lan trên diện rộng.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch tại đơn vị; thường xuyên kiểm tra, bảo đảm an toàn trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, không làm đình trệ hoạt động của khu công nghiệp.
Các địa phương, nòng cốt là lực lượng y tế cần chuẩn bị kỹ cả nhân lực và cơ sở vật chất để triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng, với khoảng 19 nghìn điểm tiêm trong cả nước, thực hiện khoảng 150 triệu mũi tiêm.
Nguyên tắc cơ bản trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lần này là phải tổ chức trên quy mô toàn quốc và vắc-xin phải được tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất cho người dân nhưng phải bảo đảm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, hiệu quả và công bằng, công khai.
Do tình trạng khan hiếm vắc-xin trên toàn cầu, cho nên lộ trình vắc-xin về Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, chậm lại, nhiều khả năng sẽ về dồn dập trong quý IV - 2021, vì thế việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng lại càng đòi hỏi phải thực hiện nhuần nhuyễn hơn, hiệu quả và nhanh chóng hơn...