Kiên trì xây dựng 'phòng tuyến' của Đảng ở biên giới (bài 1)
Trước năm 2000, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được xếp vào vùng 'tiểu sa mạc' nắng nóng nhất Tây Nguyên, không có hộ dân nào sinh sống. Thực hiện chủ trương của Chính phủ đưa dân lên biên giới định cư, người dân và Quân đội kiên quyết bám trụ nơi biên cương xa thẳm để lập thôn, chi bộ, chính quyền. Hứa hẹn vùng đất với chiều dài mấy chục km đường biên giới này sẽ trở thành vựa lúa và trái cây có tiếng.
Bài 1: Quyết bám trụ
“Đỉnh điểm mùa khô ở vùng này, ngày nào nhiệt độ cũng đều đều 40-42 độ C, cả vùng đất khô khốc, kể cả những hồ sâu cũng không còn nước. Anh em ở đây chịu đựng quen rồi, anh mới vào ở lại trong xã xâm nhập thực tế, nên ra ngoài chốt của đồn sát bờ sông Ea H'leo nghỉ cho bớt nóng” - Thượng tá Bùi Quang Tuyến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ea H’leo, BĐBP Đắk Lắk trao đổi thân tình.
Khai phá vùng “đất chết”
Chúng tôi đến xã Ia Lốp khi mùa khô Tây Nguyên đã “chạm đỉnh”. Mặc dù đã có vài cơn mưa đầu mùa, nhưng hàng ngàn ha đất sản xuất của 2 xã biên giới Ia Rvê, Ia Lốp, huyện Ea Súp vẫn khô rang như chiếc bánh tráng nướng. Gần đến trung tâm xã Ia Lốp mới thấy những vạt lúa nước xanh tốt, cạnh đó là những chiếc máy ủi đang san đất lấy mặt bằng làm ruộng lúa nước hai vụ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2041/QĐ-BQP ngày 31/8/2001 phê duyệt dự án đầu tư phát triển khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn biên giới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk và Quyết định số 1606/QĐ-BQP ngày 7/8/2003 phê duyệt điều chỉnh mở rộng dự án đầu tư khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn biên giới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, đã có hơn 4.000 hộ dân sinh sống ở hai xã biên giới Ia Rvê, Ia Lốp.
“Kể từ khi kênh dẫn nước từ hồ chứa Ia Mơr (tỉnh Gia Lai) đi vào hoạt động, người dân xã Ia Lốp như trúng độc đắc. Bà con tập trung cải tạo đất khô thành ruộng lúa nước, chỉ riêng máy của tôi làm từ đầu năm 2023 đến nay cũng được gần 400ha. Phải dùng công nghệ tia laser chiếu lấy mặt bằng cho máy ủi làm thật chuẩn, sau đó đưa nước vào kiểm tra đến khi đạt được 99% yêu cầu thì mới bàn giao cho chủ nhà. Bây giờ, dịch vụ san ủi đang “hót” ở Ia Lốp, trong xã còn mấy chục hộ gia đình đang chờ chúng tôi làm. Có cánh đồng rồi, trước mắt trồng lúa nước, sau này chuyển đổi sang cây gì cũng được” - ông Nguyễn Văn Quyền, chủ máy ủi tính toán.
Được sự sắp xếp của Thiếu tá Từ Văn Sương, cán bộ vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H’leo, chúng tôi có buổi gặp mặt với những hộ nông dân trồng cây ăn trái ở thôn Đáng, xã Ia Lốp. Ông Nguyễn Trọng Tiến, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đáng nhớ lại: “Năm 2021, cả thôn chỉ có duy nhất hộ ông Mật trồng vườn xoài diện tích nhỏ. Sau gần 3 năm, tổng diện tích xoài của thôn đã phát triển lên 20ha. Ở bên thôn Dự, tôi có mấy người bạn thân trồng xoài trước, bây giờ họ có doanh thu từ 700 triệu - 1,4 tỷ đồng/vụ”.
Ngược dòng thời gian những ngày đầu khai phá vùng đất mới Ia Lốp, năm 2001, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng) đã làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk để bàn kế hoạch triển khai chương trình đưa dân vào định cư lâu dài thuộc dự án kết hợp kinh tế quốc phòng trên địa bàn biên giới huyện Ea Súp. Đại tá Đỗ Minh Hảo, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk nhớ lại: “UBND tỉnh Đắk Lắk mời tôi dự họp để nghe triển khai kế hoạch đưa dân vào sinh sống trên địa bàn biên giới, thú thật trong lòng tôi lúc đó suy nghĩ sẽ rất khó thành công, nhưng không dám nói ra. Vì sao vậy? Đây là vùng đất nắng lên là hạn, mưa xuống là ngập lụt. Có năm chúng tôi phải nhờ cả voi của người dân vận chuyển lương thực, thực phẩm vào cho các đồn Biên phòng. Điều kiện như thế thì làm sao người dân vào đó bám trụ nổi?”.
Để thực hiện nhiệm vụ khai hoang, phóng tuyến mở đường, đắp một số hồ chứa nước quy mô nhỏ, Binh đoàn 16 đã đưa lực lượng, phương tiện cơ giới vào làm trước. Đồng thời, cử cán bộ ra các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An tuyển lao động vào làm việc tại 2 Trung đoàn Kinh tế - quốc phòng 737 và 739.
Ông Nguyễn Trọng Tiến là lớp thanh niên đầu tiên có mặt tại xã Ia Lốp nên thấu hiểu những gì diễn ra lúc bấy giờ: “Cả vùng biên giới rộng lớn mà không có ngôi nhà dân nào, chỉ toàn rừng và bộ đội ở tạm trong các lán trại làm nhiệm vụ khai hoang. Công dân đi trồng cây điều - loài cây chịu hạn nhất cũng chịu không nổi. Một số nơi điều chết khô, hoặc teo tóp không thể phát triển được. Dự án đành phải chuyển hướng sang trồng cây keo lá chàm để có sức chịu đựng tốt hơn, nhưng rồi cũng thất bại. Cuối cùng đơn vị phải giải thể, công dân tìm kế sinh nhai, chỉ còn vài người như tôi vẫn bám trụ lại Ia Lốp đến ngày hôm nay”.
Dân sông nước lên bờ “cày” đất khô
Năm 2002, Trung đoàn Kinh tế - quốc phòng 737 và 739 đã xây dựng được một số công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm và nhà ở dân sinh. Diện tích đất sản xuất cũng được khai hoang, quy hoạch để cấp cho những hộ gia đình chuyển từ các huyện Bình Đại, Ba Tri, Chợ Lách thuộc tỉnh Bến Tre đi theo diện kinh tế mới.
Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Rvê bồi hồi nhớ lại: “Đầu tháng 3/2002, các hộ đi theo diện kinh tế mới của tỉnh Bến Tre lần đầu tiên đặt chân đến vùng biên giới huyện Ea Súp. Ở dưới quê, sông nước bao quanh, cây ăn trái phủ kín quanh nhà, bây giờ nhìn vùng đất Ia Rvê cằn khô sỏi đá, ai cũng ngán ngẩm. Sông suối trong vùng cũng đã bắt đầu khô cạn, trên những tuyến đường mới mở bụi bay mù mịt. Nhiều người, phần thì nhớ quê, phần thì chịu khổ hết nổi đã bỏ về nơi ở cũ, gọi tới gọi lui hoài họ cũng nhất quyết không ở lại. Tôi tự nhắc nhở, bản thân mình là đảng viên nên phải gương mẫu, cố gắng chịu đựng, bám trụ ở lại với vùng đất biên giới...”.
Bà Thủy được phân công về sinh hoạt tại Chi bộ C2, thuộc Đảng bộ Trung đoàn Kinh tế - quốc phòng 737, giống như “hoa khôi” của vùng đất mới. Giai đoạn đầu, các hộ dân Bến Tre đến xã Ia Lốp và Ia Rvê được cấp một căn nhà, kèm theo 1ha đất sản xuất. “Cho dễ hình dung, Bến Tre là vùng nước, bây giờ lên “cày” đất khô, trồng trọt chủ yếu dựa vào nước trời, lại chưa quen khí hậu khắc nghiệt ở đây. Nhìn đất đai canh tác bộ đội vừa mới khai hoang, lởm chởm đá bàn và gốc cây cổ thụ, ai cũng ngán ngẩm. Sau vài tháng, nhiều người đã bỏ về Bến Tre, không hẹn ngày trở lại. Tỉnh Bến Tre tiếp tục tuyển thêm người và đưa lên đây “lấp vào chỗ trống”. Cứ như vậy, người này bỏ đi thì lại tìm người khác đến thay thế. Những hộ gia đình như chúng tôi lên đây đợt đầu mà vẫn bám trụ đến bây giờ, phải nói là kỳ tích” - ông Nguyễn Hữu Khiêm ở thôn Dự, xã Ia Lốp kể chi tiết.
Bài 2: Dân ở trong quân