Kiến trúc độc đáo của một số di tích được UNESCO công nhận

Có những công trình kiến trúc còn sống mãi với thời gian, dù rằng đâu đó nó có thể bị một số yếu tố ngoại cảnh gây hư hại.

Dinh thự Stoclet tại vương quốc Bỉ

Dinh thự Stoclet tại vương quốc Bỉ có kiến trúc tuyệt đẹp và độc đáo do kiến trúc sư người Áo - Josef Hoffmann thiết kế.

Công trình kiến trúc dinh thự Stoclet có thể coi là đỉnh cao của nghệ thuật và là công trình tiêu biểu của kiến trúc sư Josef Hoffmann. Sau khi hoàn thành, dinh thự Stoclet đã nhanh chóng nổi tiếng khắp thành phố Brussels. Stoclet là điển hình của phong cách nghệ thuật kết hợp theo tinh thần mới.

Dinh thự Stoclet được coi là một công trình hoàn hảo, một sự đồng nhất giữa nghệ thuật của các nghệ sĩ Áo, bên cạnh đó những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao của Kolonam Moser và Gustav Klimt được trưng bày tại dinh thự càng làm tăng giá trị nghệ thuật cho công trình này.

Josef Hoffmann có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền nghệ thuật của các nghệ sĩ đến từ Vienna, Trung Âu và rộng hơn là cả châu Âu. Vì thế không có gì khó hiểu khi kiến trúc do ông thiết kế có sự ảnh hưởng đa dạng kết hợp nhiều phong cách nghệ thuật, mà trong đó phong cách Vinenna và Art Nouveau là rõ rệt nhất. Sự ra đời của Dinh thự Stoclet là khởi đầu cho phong cách nghệ thuật Art Deco.

Dinh thự Stoclet bắt đầu được kiến trúc sư Josef Hoffmann thiết kế năm 1905. Năm 1906, dinh thự được khởi công xây dựng và hoàn thành 5 năm sau đó (năm 1911).

Dinh thự Stoclet được Unesco công nhận là công trình kiến trúc hoàn hảo với sự kết hợp của các nghệ sĩ Vienna, Áo qua thiết kế tài tình của kiến trúc sư Josef Hoffmann. Công trình là khởi đầu cho nghệ thuật Art Deco và là mở ra một trào lưu mới cho nghệ thuật tại châu Âu.

Không chỉ có kiến trúc hoàn hảo, Dinh thự Stoclet còn là một bảo tàng với nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị trong đó có cả các tác phẩm của Kolonam Moser và Gustav Klimt. Ngoài ra, dinh thự Stoclet còn là một trong những công trình thể hiện hoàn hảo trường phái nổi tiếng thời kỳ đó là Art Nouveau.

Các làng cổ Bắc Syria

Làng cổ đại miền Bắc Syria được gọi là “Thành phố Chết” hay “Thành phố hoang”. Xưa kia vốn là một tập hợp khoảng 700 khu định cư phía Tây Bắc Syriab.

700 khu định cư này nằm trong 40 ngôi làng hiện nay được nhóm lại thành 8 công viên khảo cổ học. Đó là minh chứng về cuộc sống nông thôn thời cổ xưa và thời kỳ Byzantine. Hầu hết các công trình này có từ khoảng thế kỷ thứ I đến thế kỷ VII. Các khu định cư này bị bỏ hoang từ thế kỷ VIII, nằm rải rác trong một diện tích khá lớn vùng đá vôi Massif, với chiều rộng 20-40 km và chiều dài khoảng 140 km.

Những công trình còn lưu giữ gồm nhà ở, đền thờ, nhà tắm công cộng, bể nước…. Đáng chú ý nhất là Nhà thờ Saint Simeon Stylites, Serjilla và al-Bara, các công trình kiến trúc đặc biệt là lâu đài và nhà thờ Kalota, Vương cung thánh đường Kharab Shams, Nhà thờ Fafertin, Khu định cư Sinhar…

Vương cung thánh đường Kharab Shams là một trong những kiến trúc Kitô giáo lâu đời nhất được bảo tồn tốt nhất thời kỳ Levant đến thế kỷ thứ IV. Nhà thờ Fafertin, Vương cung thánh đường La Mã có từ năm 372 sau Công nguyên, nằm cách Aleppo 22km về phía Tây Bắc. Công trình này là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất thế giới.

Khu định cư Sinhar nằm trong một thung lũng hẻo lánh. Người dân sinh sống ở đây từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII. Nhà thờ là một trong những nhà thờ cổ nhất ở Syria và có niên đại từ thế kỷ thứ IV, trong khi nhà thờ ở gần đó có từ thế kỷ thứ VI.

Khu định cư Assyria có từ thế kỷ thứ IX trước Công nguyên, là địa điểm xây dựng của một đền thờ La Mã, sau này biến thành nhà thờ. Ngoài ra ở đây còn có các công trình nhà ở được bảo quản tốt có từ thế kỷ thứ V và thứ VI. Barad, khu định cư cổ đại có nhiều nhà thờ cổ. Trong số tu viện Saint Julianus Maronite (năm 399 - 402 sau Công nguyên), nơi có đền thờ của Thánh Maron và nhà thờ tại phần phía Bắc của ngôi làng xây dựng vào năm 561.

Vương cung thánh đường Mushabbak là nhà thờ có từ khoảng năm 470, được bảo quản khá tốt và cách Aleppo 25km về phía Tây, gần thị trấn Daret A'zzeh. Nhà thờ Saint Simeon Stylites là một trong những di tích nổi tiếng nhất của Giáo hội ở Syria và là một trong những nhà thờ Thiên chúa giáo lâu đời nhất trên thế giới. Trong địa giới được Unesco công nhận còn có nhiều di tích khác như Serjilla, Ebla, Bara, Vương cung thánh đường Qalb Loze, Nhà thờ giáo hội Cơ đốc Baqirha, Tu viện Benastur, Nhà thờ Deir Amman..., và các khu định cư khác cũng được tìm thấy ở Jabal Halaqa.

Di tích này được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc Unesco đã công nhận các làng cổ đại miền Bắc Syria là Di sản văn hóa thế giới năm 2011.

Thành phố cổ Aleppo

Thành phố cổ Aleppo được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1986.

Trong suốt nhiều thế kỷ, Aleppo đã là thành phố lớn nhất của Syria và là thành phố lớn thứ ba của đế chế Ottoman. Mặc dù nằm khá gần thủ đô Damascus, Aleppo lại có bản sắc văn hóa riêng biệt cũng vì thế hình thành một phong cách kiến trúc độc đáo.

Aleppo liên tục được cai trị bởi những đế chế hùng mạnh từ Hittites, Assyria, Akkadians, Hy Lạp, La Mã… tới Ottoman. Thành phố này vẫn còn giữ được những kiến trúc mang đậm dấu ấn của thời kỳ vàng son như nhà thờ Hồi giáo, các khu phố cổ, nhà tắm công cộng.

Thành phố cổ Aleppo vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính và những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử cũng như mỹ thuật cao. Aleppo sở hữu những khu chợ Hồi giáo ấn tượng nhất thế giới. Trong vòng 7 thế kỷ trở lại đây, có rất nhiều loại gia vị, xà phòng, lụa, hoa quả khô, thảm, trang sức và ống nước được bày bán tại các khu chợ này. Tuy nhiên, cuộc chiến ác liệt diễn ra tại Syria hủy hoại nhiều di sản vô giá tại đây trong đó có Aleppo.

Hậu quả là thánh đường Hồi giáo Umayyad nghìn năm tuổi ở phía Bắc thành phố Aleppo, của Syria, đã bị phá hủy trong cuộc đụng độ giữa quân đội Chính phủ và phe đối lập. Nhiều di vật quý giá bên trong nhà thờ cũng bị đánh cắp hay cướp bóc. Việc phá hoại di tích trên đã diễn ra bất chấp ngay từ tháng 10/2012, Tổ chức Unesco đã lên tiếng kêu gọi phải ra sức bảo vệ kiệt tác kiến trúc phương Đông này.

Khu phố cổ Salaheddin ở phía Tây Nam thành phố cũng bị tổn hại nặng nề. Khu phố cổ này là tập hợp các tòa nhà cổ từ thế kỷ từ 12 đến 16. Từ trước cuộc nội chiến, khu phố cổ luôn là một trong những địa danh thu hút nhiều khách du lịch nhất và cũng là một di tích trong quần thể được Unesco công nhận di sản. Sau cuộc giao tranh ác liệt ở khu vực thành phố cổ, khu chợ ngoài trời cổ xưa nhất thế giới al-Madina đã bị san bằng.

Khánh Phương (Theo World Heritage)

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/kien-truc-doc-dao-cua-mot-so-di-tich-duoc-unesco-cong-nhan.html