Kiến trúc độc đáo của nhà thờ Gỗ ở Kon Tum

Nhà thờ chánh tòa giáo phận Kon Tum (người dân thường gọi là nhà thờ Gỗ) tọa lạc tại số 13 đường Nguyễn Huệ, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum là công trình độc đáo với sự kết hợp của phong cách kiến trúc Roma và nhà sàn Ba Na Tây Nguyên.

Nhà thờ Gỗ ở Kon Tum thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: VIỆT AN

Nhà thờ Gỗ ở Kon Tum thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: VIỆT AN

Kon Tum là vùng đất mà người Pháp đặt chân đến từ rất sớm và thành lập trung tâm hành chính khi tới Tây Nguyên, đi theo cùng là những giáo sĩ Thiên Chúa giáo. Từ năm 1870, nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở đây với quy mô nhỏ. Đến năm 1913, khi giáo dân đông lên, linh mục Giuse Decrouille (người Pháp) cùng giáo xứ Kon Tum mới bắt tay xây dựng nhà thờ Gỗ và đến năm 1918 thì hoàn thành. Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào cho biết ai là người thiết kế nhà thờ Gỗ này.

Nhà thờ là công trình khép kín gồm giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày sản phẩm của các dân tộc Tây Nguyên, cô nhi viện, cơ sở thêu dệt thổ cẩm. Tổng diện tích xây dựng khoảng 700m2.

Nhà thờ Gỗ là công trình kiến trúc bằng gỗ, mang phong cách Basilica duy nhất còn lại trên thế giới. Toàn bộ gỗ dùng xây nhà thờ là loại gỗ cà chít (sến đỏ). Nhà thờ do đội thợ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam thi công. Các bộ phận gỗ liên kết với nhau bằng mọng và chốt gỗ.

Khu vực giáo đường có hai hàng cột gỗ (mỗi cột một người ôm không xuể) chạy dài song song, sâu hun hút. Những hàng cột gắn kết với nhau bằng các vòng cung tạo hình vòm, làm không gian trở nên thênh thang đầy vẻ uy nghi và tôn nghiêm.

Trên những cột gỗ đen bóng được trang trí nhiều họa tiết hoa văn độc đáo, đậm bản sắc văn hóa vùng Tây Nguyên. Ngôi giáo đường rộng lớn được thiết kế theo kiểu kiến trúc châu Âu và nhà sàn gỗ của đồng bào Tây Nguyên. Hệ thống cột, kèo, xà, rui, mè không chạm khắc nhiều, thể hiện sự hồn nhiên, mạnh mẽ, đậm khí chất đời sống tâm linh của người Tây Nguyên.

Giáo đường có mái dốc, lợp ngói; tường và trần nhà được làm bằng vách tre, trát đắp bằng đất trộn rơm. Tháp chuông nhà thờ bằng gỗ cà chít cao 24m, màu nâu. Trong thánh đường có nhiều cửa kính được trang trí bằng những hình vẽ, ghi lại những câu chuyện, điển tích trong kinh Cựu ước, Tân ước. Nhờ hiệu ứng của kính, bên trong giáo đường ánh sáng rực rỡ.

Khu hoa viên nhà thờ có tượng Đức mẹ hai tay nâng bế chúa hài đồng được tạc từ một thân cây gỗ lớn nguyên sơ. Các tượng trang trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ cũng được tạc bằng các gốc rễ cây rừng.

Hiện nay, nhà thờ luôn rộng cửa cho du khách đến tham quan, khám phá nét độc đáo kiến trúc công trình.

Nhà thờ Gỗ có tuổi đời hơn 100 năm (1918-2023), đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng. Đây là địa chỉ mà du khách thường ghé thăm khi đặt chân đến TP Kon Tum.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/300329/kien-truc-doc-dao-cua-nha-tho-go-o-kon-tum.html