Kiến trúc độc đáo trong những ngôi nhà cổ trăm tuổi ở xứ Thanh

Những ngôi nhà cổ mộc mạc, giản dị xứ Thanh nằm xung quanh khu Di tích Thành nhà Hồ với kiến trúc độc đáo từ lâu đã trở thành những chứng nhân của lịch sử, vùng đất, văn hóa và con người nơi đây.

Những nếp nhà trăm tuổi ở xứ Thanh

Nằm trải dài xung quanh quần thể Di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là những ngôi làng cổ như làng Tây Giai (xã Vĩnh Tiến), làng Đông Môn (xã Vĩnh Long), làng Thọ Vực (xã Vĩnh Ninh)... với hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật gắn liền với quá trình hình thành phát triển vương triều nhà Hồ (1400 - 1407).

Trong những ngôi làng cổ đó, người dân nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nếp nhà cổ với tuổi thọ hàng trăm năm. Rêu phong phủ mái trở thành hình ảnh quen thuộc và bình dị, góp phần làm nên nét thanh bình, nguyên sơ cho không gian xung quanh khu vực di tích Thành nhà Hồ.

Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi vẫn được người dân tại các làng cổ xung quanh Khu di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) lưu giữ.

Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi vẫn được người dân tại các làng cổ xung quanh Khu di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) lưu giữ.

Nằm cách cổng phía Tây thành Nhà Hồ vài trăm mét, ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng ở thôn Tây Giai (xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có tuổi thọ trên 200 năm.

Theo các nhà nghiên cứu kiến trúc và văn hóa thì ngôi nhà được xây dựng từ năm 1810, là một trong những kiến trúc nhà ở cổ dân gian truyền thống đẹp nhất ở xứ Thanh.

Ngôi nhà này do một vị quan Bát phẩm trưởng tộc dòng họ Phạm ở làng Tây Giai dưới triều Nguyễn xây dựng và ông Phạm Ngọc Tùng là cháu đời thứ 7 của cụ. Theo người dân trong vùng kể lại, trước đây vị quan này thường được gọi là cụ Bát.

Khi dựng ngôi nhà này cụ đã cho mời những thợ giỏi nhất của tỉnh Nam Hà cũ (nay thuộc tỉnh Hà Nam) và thợ làng mộc Đạt Tài (nay thuộc xã Hoằng Đạt - Hoằng Hóa - Thanh Hóa) về làm.

Vật liệu để dựng lên các ngôi nhà cổ chủ yếu là những loại gỗ tốt, cột đá xanh nguyên khối nhằm giúp chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt.

Vật liệu để dựng lên các ngôi nhà cổ chủ yếu là những loại gỗ tốt, cột đá xanh nguyên khối nhằm giúp chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt.

Ngôi nhà được xây gồm 7 gian: 3 gian chính và 4 gian phụ theo lối kết cấu "chồng rường, kẻ chuyền” với các loại gỗ chủ yếu là gỗ Sến, Táu và Xoan. Tường nhà được xây bằng đá nung và vôi cát, mái lợp bằng ngói âm dương, hoa văn trang trí gồm Tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng và Tứ quý: Tùng, Trúc, Cúc, Mai.

Năm 2001, ngôi nhà của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng được Phòng VH-TT huyện Vĩnh Lộc, Sở VHTT&DL Thanh Hóa, Cục Bảo tồn Di sản văn hóa tiến hành đo đạc, khảo sát và nhất trí làm hồ sơ tiến hành trùng tu và có sự tham gia của các chuyên viên bảo tàng tỉnh, Cục Bảo tồn di sản văn hóa, các chuyên gia từ Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản). Thời gian trùng tu bắt đầu từ tháng 9/2002 đến tháng 3/2003 thì hoàn thành.

Cách không xa di tích thành nhà Hồ, thôn Thọ Vực (xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cũng là nơi còn lưu giữ hàng chục ngôi nhà cổ với niên đại hàng trăm năm tuổi.

Ngôi nhà cổ bằng gỗ xoan của ông Trịnh Cao Bỉnh cùng đã có tuổi thọ hơn 100 năm. Theo ông Bỉnh kể lại, ngôi nhà này do cụ nội của ông mua lại từ khung gỗ của một gia đình ở Nam Định mang về dựng lại.

Những ngôi nhà cổ tại Thanh Hóa có tuổi thọ trên 200 năm với các hoa văn, họa tiết được chạm trổ rất công phu, tỷ mỉ.

Những ngôi nhà cổ tại Thanh Hóa có tuổi thọ trên 200 năm với các hoa văn, họa tiết được chạm trổ rất công phu, tỷ mỉ.

Ngôi nhà được dựng lên với 5 gian gồm hai gian buồng, ba gian giữa. Những hoa văn, họa tiết chạm trổ trên trên khung cột, vì kèo của căn nhà trải qua hàng trăm năm đến nay gần như vẫn được giữ nguyên bản.

Nhà có 3 cửa chính với 12 cánh. Qua hàng thế kỷ, các cánh cửa vẫn vô cùng rắn chắc. Theo chủ nhân ngôi nhà cho biết cửa bức bàn gồm nhiều cánh, có tác dụng điều hòa mở rộng hay đóng hẹp để lấy gió mát hay ánh sáng vào nhà.

Phía ngoài thềm nhà, chủ ngôi nhà cho biết để chống chọi lại khí hậu thiên nhiên khắc nghiệt của vùng đất này, tổ tiên ông đã dùng những chiếc cột chống được đục, đẽo từ đá xanh nguyên khối nặng tới vài trăm cân và cánh thợ dựng nhà đã mất hàng tháng trời mới hoàn thiện xong những chiếc cột bằng đá đó.

Kiến trúc truyền thống độc đáo

Trải qua bao mưa nắng và những bước thăng trầm của lịch sử, đến nay những ngôi nhà cổ xứ Thanh vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn với những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, từ thế kỷ 17 đã tìm thấy dấu tích nhà từ đường trong các kiến trúc của người Việt ở nông thôn tại Thanh Hóa. Vật liệu để dựng nhà của người dân nơi đây đều được làm bằng những loại gỗ tốt, trong đó gỗ xoan được sử dụng nhiều nhất bởi có đặc tính nhẹ, ít mối mọt.

Theo thống kê, xung quanh khu vực Di tích Thành nhà Hồ còn 64 ngôi nhà cổ trên 100 tuổi.

Theo thống kê, xung quanh khu vực Di tích Thành nhà Hồ còn 64 ngôi nhà cổ trên 100 tuổi.

Trên các kèo, cột đều được chạm khắc họa tiết hoa văn không trùng lặp mà luôn đối hướng, đối xứng và những tác phẩm chạm khắc này đến nay vẫn còn như nguyên trạng.

Trông bề ngoài, những ngôi nhà cổ ở Thanh Hóa rất mộc mạc, bình dị nhưng ẩn chứa bên trong những giá trị kiến trúc không thể đong đếm. Ngôi nhà mang nét kiến trúc đặc trưng của người Việt xưa, xây dựng theo lối lộn thềm, cửa bức bàn. Các tay đòn của ngôi nhà cổ bố trí theo kiểu chồng rường kẻ chuyền hoặc chồng rường kẻ bảy…

Nhìn tổng thể, những ngôi nhà cổ gồm nhiều cây cột gỗ chống đỡ bộ mái ngói đất nung, chân cột đặt trên đế tảng bằng đá; toàn bộ khung nhà được liên kết với nhau bằng mộng, xà, kèo... khi cần có thể tháo dỡ phần khung ra sau đó phục dựng như cũ.

Các ngôi nhà cổ này vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn với những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt.

Các ngôi nhà cổ này vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn với những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt.

Với lối kiến trúc và vật liệu độc đáo, những ngôi nhà cổ xứ Thanh hiện nay vẫn được người dân nơi đây giữ gìn, bảo vệ nguyên trạng và là điểm đến thú vị không thể bỏ qua đối với du khách khi tới tham quan khu Di tích Thành Nhà Hồ.

Theo số liệu của UBND huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), hiện nay trên địa bàn huyện này còn 64 ngôi nhà cổ có độ tuổi từ 100 năm trở lên ở các xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tiến, Vĩnh Tân, Vĩnh Ninh, Vĩnh Hùng, Vĩnh An...

Để giữ gìn, lưu giữ và bảo tồn số nhà cổ trên địa bàn, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đã tích cực tuyên truyền, vận động chủ các ngôi nhà này thường xuyên tu bổ, sửa sang trên cơ sở giữ nguyên bản của ngôi nhà.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ, đầu tư của Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), năm 2004, ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng, ở thôn Tây Giai, xã Vĩnh Tiến (bên cạnh Thành Nhà Hồ) đã được trùng tu tương đối toàn diện.

Sau khi hoàn thành, ngôi nhà của ông Phạm Ngọc Tùng chính thực được UNESCO công nhận là một trong mười ngôi nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/kien-truc-doc-dao-trong-nhung-ngoi-nha-co-tram-tuoi-o-xu-thanh-d165068.html