Kiến trúc nghè và giá trị tinh thần, lịch sử, văn hóa nông thôn xưa

Trước những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống hiện đại, nhiều kiến tạo đặc sắc hình thành nên văn hóa làng đứng trước nguy cơ biến dạng, thậm chí biến mất, trong đó có kiến trúc nghè, một loại hình di sản văn hóa (DSVH) từ trước tới nay ít được quan tâm.

Để hiểu rõ hơn về kiến trúc nghè cũng như việc phục hồi, vận hành chức năng của những ngôi nghè sau khi phục dựng, tôn tạo, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Giáo sư (GS) Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa.

 Giáo sư Trần Lâm Biền.

Giáo sư Trần Lâm Biền.

Phóng viên (PV): Không gian văn hóa nghè có giá trị lịch sử và đóng vai trò như thế nào trong văn hóa Việt Nam, thưa ông?

GS Trần Lâm Biền: Có thể nói, thời gian rất dài vừa qua, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu dường như đã quên bẵng một loại hình DSVH vô cùng quan trọng ở ngay chính quê hương mình, đó là nghè. Thực tế, trong quá trình điền dã, nghiên cứu DSVH làng ở khắp các làng quê, bất cứ ai cũng đều “gặp” loại hình di sản này. Nghè là một trong những công trình kiến trúc tương đương với đình làng, sản phẩm của một thời kỳ lịch sử nhất định.

Nghè là một DSVH dân dã, một sản phẩm của lịch sử gắn với quá trình phát triển và tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta. Nó phản ánh về một khía cạnh trung thực của bộ mặt xã hội nông thôn thuở trước. Chúng ta cần sự tồn tại của nghè không chỉ ở giá trị vật thể mà quan trọng hơn là ở giá trị tinh thần, lịch sử, văn hóa gắn với bản sắc mà nó chở theo.

Dấu tích giếng cổ tại nghè Đằng Đông.

Dấu tích giếng cổ tại nghè Đằng Đông.

PV: Vậy từ đâu nghè hình thành và giá trị của nó trong đời sống nhân dân như thế nào, thưa ông?

GS Trần Lâm Biền: Chữ "nghè" dường như không bắt nguồn từ âm Hán tự mà là tên gọi dân gian Việt (chữ Nôm). Nghè là nơi thờ thường xuyên vị thần tối thượng của làng xóm. Nghè và đình làng là hai “điểm sáng” nổi bật mang yếu tố văn hóa dân tộc rất cao, quan hệ của chúng thường rất khăng khít trong sinh hoạt lễ hội của làng xóm. Nhưng sự xuất hiện của cái này chưa hẳn bắt nguồn từ cái kia, mà có thể chúng ra đời từ những hoàn cảnh lịch sử và xã hội khác nhau. Sự hội nhập và mối quan hệ của chúng cần tiếp tục được nghiên cứu làm sáng tỏ.

Thực tế cho thấy không phải ở mọi nơi cứ có đình là có nghè, hoặc ngược lại. Nhưng nơi có cả hai DSVH này thì mối quan hệ giữa chúng mới được đặt ra, bởi chức năng khởi nguyên của chúng có phần khác nhau. Nghè là một kiến trúc thực sự của dân, còn đình làng thì khởi đầu gắn với nơi ban bố chính lệnh của triều đình. Những nghiên cứu mới nhất cho thấy nó được manh nha từ thế kỷ 15, được “cấy” vào làng, tới thế kỷ 16, đã trở thành một thực thể văn hóa của làng xã, ngoài chức năng gắn với nơi ban bố chính lệnh, là trụ sở của chính quyền, nơi giải quyết việc chung của làng, đồng thời là ngôi nhà công cộng và vị thần được gọi là Thành hoàng làng cũng xuất hiện, được thờ ở đình làng. Từ đó ngôi đình kiêm chức năng thờ cúng của ngôi đền.

 Người dân thành kính trước ban thờ Linh Huệ đại vương tại nghè Đằng Đông.

Người dân thành kính trước ban thờ Linh Huệ đại vương tại nghè Đằng Đông.

PV:Vậy hiện nay, còn nhiều không gian, kiến trúc nghè nào được lưu giữ ở Việt Nam không, thưa ông?

GS Trần Lâm Biền: Hiện nay, tạm có thể xem như nghè Hải Triều (Cẩm Giàng, Hải Dương) là nghè còn giữ được hình thái kiến trúc gần như nguyên vẹn nhất. Nghè có niên đại vào thế kỷ 17, kiến trúc một gian hai chái, được chạm trổ văn hoa dân gian. Nhưng một trong những nghè có quy mô nhất mà trong quá trình điền dã, nghiên cứu khoa học chúng tôi tìm hiểu được chính là nghè Đằng Đông (Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội). Khi chúng tôi tiến hành lập hồ sơ di sản Kéo co ngồi để trình UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể của nhân loại năm 2015, đồng thời lập hồ sơ bảo vật quốc gia với tượng thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, chúng tôi đã được các cụ cao niên nơi đây mô tả về DSVH nghè Đằng Đông gắn với giá trị các di sản kể trên.

Xưa kia, đền Trấn Vũ vốn thuộc làng Ngọc Trì, gồm 3 ấp: Ấp Đông Thượng thờ Quang Hiển Đào đại vương, ấp Đằng Đông thờ Linh Huệ đại vương, ấp Đằng Đường thờ Minh Thông Tả đại vương. Ba vị đại vương được thờ tại các nghè. Qua thời gian đều đã bị phá hủy, hiện chỉ còn dấu tích nghè Đằng Đông.

PV: Với những giá trị tinh thần, lịch sử, văn hóa của nghè, chúng ta cần tôn tạo và sử dụng ra sao để vẫn cơ bản chứa đựng thần thái văn hóa truyền thống, thưa ông?

GS Trần Lâm Biền: Tôi nghĩ kiến trúc tôn tạo này phải đạt được yêu cầu tối thiểu về bố cục kết cấu mặt bằng và mặt đứng, nhất là ở giá trị biểu tượng đậm chất tâm linh như vốn có của các công trình tín ngưỡng dân tộc.

Trở lại câu chuyện về phục hồi, quy hoạch di tích nghè Đằng Đông, nơi đây vẫn hiện hữu miếu thờ hay một khẩu giếng cổ với bao huyền tích. Tôn trọng nhận thức của người xưa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chúng ta phải thực hiện những điều đó một cách nghiêm chỉnh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

GS Lê Văn Lan, nhà nghiên cứu sử học: "Nghè Đằng Đông nằm trong hệ thống các kiến trúc tín ngưỡng của xã Cự Linh, một vùng đất có vị thế địa-chiến lược và địa-văn hóa quan trọng, nằm trên trục đường và là đầu mối giao thông thiết yếu ngay trên bờ và đất tả ngạn sông Cái ở mạn Đông kinh thành Thăng Long. Nghè Đằng Đông có mặt trong hầu hết các sự kiện và thành tích ở thời gian kháng chiến, cứu nước. Nghè Đằng Đông xứng đáng để nhận danh hiệu di tích lịch sử-văn hóa quan trọng".

NHỊ HÀ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/kien-truc-nghe-va-gia-tri-tinh-than-lich-su-van-hoa-nong-thon-xua-659271