Kiến trúc sư Liên Xô thiết kế Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô và 2 công trình để đời ở Việt Nam ít người biết

Người thiết kế Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô là kiến trúc sư công huân của nước Nga Xô Viết, cũng là tác giả 2 công trình lớn khác tại Hà Nội.

Năm 1976, có một kiến trúc sư (KTS) Xô viết được Chính phủ Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam. Đó là ông Garold Grigorevich Isakovich, người 4 năm trước đó (1972) nhận giải thưởng Lenin vì tham gia thiết kế công trình Khu tưởng niệm Lenin tại thành phố Ulyanovsk. quê hương vị lãnh tụ này.

Garold Grigorevich được Chính phủ Việt Nam ghi nhận và vinh danh bởi ông là người thiết kế lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, ông còn là tác giả thiết kế của 2 công trình lớn nữa tại Hà Nội: Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô - công trình vừa bị "bà hỏa" viếng thăm sáng 29/9, làm đổ sụp toàn bộ sân khấu biểu diễn và hư hại các khu vực xung quanh, không biết bao giờ mới khôi phục lại được.

 Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Bảo tàng Hồ Chí Minh do KTS Garold Grigorevich Isakovich thiết kế.

Bảo tàng Hồ Chí Minh do KTS Garold Grigorevich Isakovich thiết kế.

Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô được xây dựng trong 7 năm (1978-1985). Kể từ khi khánh thành đến nay, cho dù đã có thêm nhiều cung, trung tâm hội nghị... được xây dựng hoành tráng hơn, dù có lúc đã bị bỏ đi 2 chữ "Việt Xô" trong tên gọi, công trình văn hóa này vẫn có một vai trò, vị trí vô cùng đặc biệt.

Đó là nơi các nguyên thủ quốc gia như Putin, Medvedev, Trump, Kim Jong Un... đã đến, đã nói chuyện, đã đàm đạo những chuyện hệ trọng.

 Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô.

Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô.

Có một điều thú vị mà sách lưu trữ của Nga tiết lộ, rằng không phải chờ đến khi Việt Nam giải phóng, Liên Xô mới có ý xây tặng chúng ta công trình văn hóa này.

Ý định đó đã được tạp chí Sputnik công bố từ năm 1974. Tháng 9/1977, tạp chí Công đoàn Xô viết (Советские профсоюзы) cho biết thêm, Liên Xô sẽ giúp Việt Nam xây dựng Cung văn hóa ( tên ban đầu là thế), như ở Mông Cổ.

Năm 1978, công trình được khởi công. Có thể hiểu rằng sau khi được Việt Nam trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1976, KTS Garold Grigorevich Isakovich đã bắt tay ngay vào công việc thiết kế Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (và sau đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh, khánh thành năm 1990).

Phù điêu chân dung KTS Garold Isakovich tại phần mộ của ông.

Phù điêu chân dung KTS Garold Isakovich tại phần mộ của ông.

Có một điều khá kỳ lạ là trên mạng không có bất cứ bức ảnh nào của KTS Garold Grigorevich Isakovich. Các trang tìm kiếm của Nga cũng cho kết quả bằng không. Chỉ có duy nhất bức ảnh chụp phù điêu chân dung ông trên nấm mộ của mình ở nghĩa trang Vvedenskoye, Moskva.

Người đã khuất, chẳng còn lấy một tấm ảnh chân dung. Nhưng, hàng ngày, người dân Việt Nam vẫn nhìn thấy đó những công trình của ông. Có lẽ, các công trình mới chính là “tấm chân dung” đích thực của kiến trúc sư chăng?

Garold Grigorevich Isakovich sinh đúng ngày Cách mạng Tháng Mười, 7/11/1931. Ông tốt nghiệp Trường Đại học kiến trúc Moskva. Ông là KTS công huân của nước CHXHCN Xô Viết Liên bang Nga (từ 1984). Ông mất năm 1992 tại Moskva.

Video: Nguyên nhân cháy Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô

Phan Việt Hùng

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kien-truc-su-thiet-ke-cung-van-hoa-huu-nghi-viet-xo-va-2-cong-trinh-de-doi-o-viet-nam-it-nguoi-biet-d501313.html