Kiến trúc sư phải tác động đến nhận thức xã hội

Nhìn nhận các đô thị ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều vấn đề nhưng kiến trúc sư Mai Hưng Trung cũng cho rằng sự lộn xộn trong quy hoạch ở Việt Nam, cả đô thị và nông thôn, vẫn có cái hay chứ không hoàn toàn xấu xí. Việc cần làm là tối ưu hóa chúng, nhân lên những cái tốt nhất và giảm thiểu những cái xấu, biến chúng thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Sau 14 năm học tập, làm việc và sinh sống tại châu Âu, kiến trúc sư 9x Trung Mai (Mai Hưng Trung) trở về Việt Nam năm 2023 và nhanh chóng gây chú ý trong giới kiến trúc lẫn công chúng bởi những dự án nghiên cứu đô thị vì cộng đồng hay các triển lãm ấn tượng như dự án cải tạo một phần nhà máy xe lửa Gia Lâm thành trung tâm triển lãm, tổ hợp sáng tạo cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Mới đây nhất, nhóm Hanoi Ad hoc do Mai Hưng Trung sáng lập đã kết hợp cùng các đơn vị triển khai dự án Bờ Vở, nhằm nghiên cứu các yếu tố sinh thái, văn hóa của khu đất bị lãng quên dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), được người dân lâu nay gọi là “bờ vở”. Từ đó tái tạo hệ sinh thái cũng như tái thiết những mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Ngày 4.12.2024, công trình “Bờ Vở - Nhà Rừng” đã khánh thành. Công trình Nhà Rừng sẽ tham gia triển lãm ở Venice Architecture Biennale 2025.

Trước đó, cựu học sinh trường THPT Hà Nội Amstesdam này đã đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ: kiến trúc sư người châu Á đầu tiên đoạt giải thưởng Europan - giải thưởng quy hoạch kiến trúc lớn nhất tại châu Âu dành cho các kiến trúc sư dưới 40 tuổi, trong 3 kỳ liên tiếp (2019, 2021 và 2023), cùng nhiều giải thưởng khác. Anh được nhiều người trong giới đánh giá là niềm hy vọng mới cho kiến trúc Việt Nam.

Trong cuộc trò chuyện với Người Đô Thị về các vấn đề quy hoạch lẫn kiến trúc ở các đô thị và nông thôn Việt Nam hiện nay, Mai Hưng Trung thẳng thắn bày tỏ những góc nhìn độc đáo.

Kiến trúc sư Mai Hưng Trung.

Kiến trúc sư Mai Hưng Trung.

Nếu đặt mục tiêu kiếm tiền thì không nên làm kiến trúc

Vì sao bạn chọn trở về sau chừng ấy năm ở nước ngoài?

Kiến trúc là một ngành khá đặc thù, có tính bản địa rất lớn. Kiến trúc sư chỉ xây được nhà cho nơi mà mình rất hiểu về nó. Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, là nơi tôi hiểu nhất nên làm việc ở đây tôi sẽ làm được tốt nhất. Kiến trúc sư nào cũng cần một thành phố của mình và hiện tại Hà Nội là thành phố của tôi.

Tôi không về với những lý tưởng to lớn gì. Tôi nghĩ cái thời của diễn ngôn du học sinh trở về xây dựng đất nước đã qua rồi. Việc trở về của tôi là vì bản thân. Đất nước là nơi đem lại nhiều cảm hứng cho tôi làm việc, có nhiều vấn đề cần giải quyết, là chất liệu cho nghề kiến trúc làm được những việc hay ho. Còn ở Pháp hay châu Âu mọi thứ đã vào guồng rồi, ở đó tôi chỉ là người đi làm công ăn lương.

Bạn đặt mục tiêu nghề nghiệp là được làm những thứ hay ho thay vì đơn thuần kiếm tiền?

Nếu đặt mục tiêu kiếm tiền thì không nên làm kiến trúc. Kiến trúc trong suy nghĩ của tôi không nên là một nghề mà là một thú vui. Nếu thú vui ấy nuôi được mình thì tốt, còn không thì phải làm công việc khác để nuôi nó. Làm kiến trúc đúng nghĩa thì phải làm với mong muốn tạo ra những giá trị khác ngoài tiền bạc.

Kiến trúc sư phải tác động đến nhận thức xã hội, là những nhà hoạt động có khả năng nhìn ra những vấn đề nổi cộm của xã hội và tìm cách giải quyết chúng. Kiến trúc sư không phải là ngồi đó đợi khách hàng mang đến một cục tiền để mình làm, mà phải quan sát hàng ngày xem có gì cần làm không, tự mình vạch con đường để đi và tìm người hỗ trợ mình làm điều ấy.

Bạn là kiến trúc sư trẻ sở hữu khá nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế…

Giải thưởng quốc tế cũng có nhiều loại, không phải quá khó để đạt được. Nhiều người không có giải thưởng vì họ không dự thi, chứ không phải họ không có tác phẩm, không có công trình tốt.

Giải thưởng quốc tế với tôi không phải là một thứ quan trọng. Nó đơn thuần là một công cụ để cho thấy công việc của mình được ghi nhận bởi cộng đồng quốc tế tới đâu. Về cơ bản, nó không thay đổi tính chất công việc của tôi.

Bạn có thể phác họa những gì bạn đã và đang làm?

Tôi vẽ nhà cửa, thành phố, vườn tược như mọi người, với văn phòng Ad hoc Practice, cũng không có gì đặc biệt. Ngoài ra thì tôi làm một số công việc về nghiên cứu với nhóm Hanoi Ad hoc, những việc không mang lại lợi nhuận mà mang giá trị cộng đồng nhiều hơn. Đó có lẽ là sự khác biệt lớn nhất.

Nhóm Hanoi Ad hoc làm về nghiên cứu, phục vụ cho thiết kế, làm nền tảng cho các thiết kế của chính chúng tôi ở Ad hoc Practice, đồng thời nó cũng là một nền tảng mở cho những ai quan tâm có thể truy cập website của chúng tôi và sử dụng các thành quả nghiên cứu ấy.

Chúng tôi dự định mỗi năm Hanoi Ad hoc sẽ nghiên cứu một thứ liên quan đến đô thị. Đầu tiên là chúng tôi nghiên cứu di sản công nghiệp các nhà máy cũ ở Hà Nội, dữ liệu hóa lại các nhà máy, viết phân tích, làm các bộ phim ngắn về chúng, cải tạo một phần nhà xưởng trong nhà máy xe lửa Gia Lâm để biến nó thành không gian triển lãm cho Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Tiếp theo chúng tôi nghiên cứu về nhà tập thể, sông hồ và thiên nhiên trong thành phố… Ai có hứng thú thì tham gia cùng chúng tôi và có thể dùng các dữ liệu được đăng tải trên website của nhóm.

Triển lãm “Kiến trúc, nhà máy, vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” của nhóm Hanoi Ad hoc thực hiện trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Triệu Chiến

Triển lãm “Kiến trúc, nhà máy, vẽ (lại) giấc mơ hiện đại” của nhóm Hanoi Ad hoc thực hiện trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Ảnh: Triệu Chiến

Ở Việt Nam mọi người khá hoài cổ

Vì sao bạn quan tâm tới các nhà máy cũ ở Hà Nội?

Thực ra tôi quan tâm nhiều thứ nhưng bắt đầu bằng nghiên cứu di sản công nghiệp vì hồi đó tôi có quan tâm đến việc cải tạo một nhà máy nhưng không tìm được dữ liệu. Tôi nghĩ rằng mình phải lập ra một nghiên cứu về tất cả các nhà máy nói chung, và sau đó là những cái khác nữa, như nhà tập thể, nhà ống, vỉa hè… đều là những câu chuyện thú vị.

Nghiên cứu di sản công nghiệp các nhà máy cũ ở Hà Nội có đi đến điều gì không?

Nó chỉ thỏa mãn tò mò của tôi và thấy công việc này giúp mọi người có một góc nhìn khác về những thứ tưởng chừng chẳng có giá trị gì trong đời sống. Và nó tạo ra cơ hội để ứng xử khác với di sản, đặc biệt là di sản kiến trúc hiện đại.

Trong cuộc tranh luận biến các nhà máy này thành công viên, trung tâm sáng tạo hay thành các chung cư cao tầng, các trung tâm thương mại, ý kiến của bạn thế nào?

Câu trả lời quá rõ ràng rồi. Hỏi bất cứ ai thì họ cũng chọn biến các nhà máy này thành các tổ hợp sáng tạo, các công viên, không gian công cộng…

Nhưng thực tế thì chúng đều biến thành trung tâm thương mại, khu chung cư cao tầng đó thôi?

Vì những người có quyền quyết định họ đặt giá trị kinh tế lên hàng đầu. Còn những người như chúng tôi thì làm gì có quyền.

Các kiến trúc sư chẳng phải là những người phải cân bằng giữa giá trị nghệ thuật với giá trị kinh tế sao?

Có giá trị kinh tế khi biến một nhà máy cũ thành một trung tâm văn hóa sáng tạo chứ. Tuy nhiên, để chứng minh được điều ấy ở một đất nước mà nền kinh tế có xu hướng phát triển theo cách ăn xổi thì khó. Các nhà đầu tư có tiền luôn đặt lợi nhuận lên trên hết.

Trong bối cảnh như vậy, có khi nào bạn nghĩ những nghiên cứu của nhóm bạn cũng chẳng để làm gì?

Tôi không định làm nghiên cứu để thay đổi quan điểm của giới đầu tư. Chúng tôi làm các nghiên cứu để cộng đồng biết những nhà máy ấy là nhân chứng lịch sử của một thời điểm phát triển của đất nước, và nó có giá trị nhất định chứ không đơn thuần chỉ là những khu công nghiệp bỏ hoang trong thành phố. Nếu chúng ta muốn bảo vệ nó thì phải hiểu giá trị của nó đã, còn hơn là chỉ té nước theo mưa, bảo vệ chúng chỉ vì chúng cũ, cổ, đẹp - đó không phải một luận điểm xác đáng.

Ở Việt Nam mọi người khá hoài cổ, họ ít tin tưởng vào tương lai, nghĩ quá khứ vẫn luôn tốt hơn kể cả quá khứ mình chưa từng sống.

Còn các nhà tập thể thì sao: chúng cũng cần được giữ lại như một dấu ấn kiến trúc của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội?

Hơn 1.000 nhà tập thể ở Hà Nội có cái đổ nát, có cái còn đứng vững thì không thể nói chung chung cứ nhà tập thể là giữ lại hoặc đập bỏ. Phải nói cụ thể từng trường hợp. Có những nhà tập thể của quân đội mà chúng tôi khảo sát thấy chất lượng còn rất tốt, có thể tồn tại được cả trăm năm nữa.

Nên việc nghiên cứu từng trường hợp là rất quan trọng trước khi đi vào cuộc tranh luận mà sẽ không có hồi kết nếu không hiểu thấu đáo về nó.

Các bạn nghiên cứu gì về nhà tập thể?

Chúng tôi chỉ nghiên cứu giá trị của từng căn nhà tập thể và điều gì chúng đã đem lại cho bộ mặt đô thị, đã góp phần hình thành nếp sống cư dân sống trong đó, mối liên hệ của họ với nhau. Chúng tôi cũng không làm nghiên cứu này để đưa ra câu trả lời là giữ lại hay đập bỏ nhà tập thể. Quá dễ dàng để đưa ra câu trả lời, nhưng tôi không nghĩ rằng mình đã hiểu một cách đầy đủ một nơi nào đó để đưa ra quan điểm chính xác.

Bạn nghĩ sao về phong trào bảo vệ di sản khá mạnh mẽ gần đây ở Việt Nam?

Tốt thôi. Tuy nhiên không phải cái gì cũ mình cũng bảo vệ. Ở Việt Nam mọi người khá hoài cổ, họ ít tin tưởng vào tương lai, nghĩ quá khứ vẫn luôn tốt hơn kể cả quá khứ mình chưa từng sống.

Quy hoạch lộn xộn cũng có cái hay riêng

Vì sao bạn quan tâm nghiên cứu mặt nước, sông hồ ở Hà Nội?

Ở Hà Nội động vào cái gì cũng có vấn đề. Để hình thành nên một đô thị cần rất nhiều thành tố, ngoài nhà cửa, nhà máy, khu công nghiệp, không gian công cộng… còn có những thành tố thuộc về tự nhiên như sông hồ, cây cỏ. Hà Nội ngày xưa có hệ thống sông hồ dày đặc, đấy cũng là một thứ cần nghiên cứu, vì đặt trong bối cảnh của sự biến đổi khí hậu và đô thị hóa thì những thành phần tự nhiên trong thành phố là điều đáng để chúng ta lưu tâm.

Bạn có vẻ quan tâm đến môi trường, kiến trúc sinh thái?

Vì ở Hà Nội, vấn đề môi trường khá tệ. Trên thế giới bây giờ người ta nói nhiều đến sự cộng sinh giữa con người và thiên nhiên. Đối với một người làm về thiết kế kiến trúc và đô thị thì cũng phải để ý đến việc làm sao cân bằng được những yếu tố về xây dựng và tự nhiên, đảm bảo môi trường sống không chỉ cho con người mà còn cho cây cối bản địa, động vật.

Bạn nghĩ gì về kiến trúc xanh ở Việt Nam hiện nay?

Kiến trúc xanh thành công ở Việt Nam một phần vì khí hậu và bối cảnh Việt Nam đang rất ô nhiễm. Nếu dùng kiến trúc xanh ở Đan Mạch hay Nga thì vô nghĩa vì nó không có những vấn đề cần giải quyết như ở Việt Nam. Cho nên, ngay cả khi kiến trúc xanh được áp dụng một cách bừa phứa, ồ ạt ở Việt Nam thì nó vẫn cứ thành công vì bối cảnh quá xấu chung quanh cho phép dù có áp dụng kiến trúc xanh thế nào nó vẫn được tung hô.

Bộ mặt đô thị đồng bộ với lối nghĩ của cư dân thành phố. Chúng là một thứ rất “ăn xổi ở thì”, ngắn hạn, bạ đâu làm đấy, sai đâu sửa đấy, có gì làm nấy…

Giống như những thứ tôi đang làm có gì đặc biệt đâu nhưng vì ở Việt Nam chẳng có ai làm, ai cũng lo kiếm tiền hoặc họ chẳng nhìn ra vấn đề để làm, nên tôi được chú ý. Cái khó là sống được bằng nghề đúng nghĩa, kiếm được khách hàng, trả lương được cho nhân viên vào cuối tháng.

Vấn đề lớn nhất của Hà Nội và các đô thị Việt Nam hiện nay là gì?

Có nhiều vấn đề quá, ô nhiễm môi trường là một vấn đề lớn.

Quy hoạch lộn xộn nữa?

Quy hoạch lộn xộn cũng có cái hay. Các đô thị phương Tây được thiết kế quy củ, được hoạch định bài bản. Ở Việt Nam không có cái đó, nhưng chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm nay thì cũng là một cái hay.

Nó không phải lời giải đáp cho một bước đô thị hóa hoàn chỉnh, không phải một mẫu hình đô thị lý tưởng. Chúng hay ho nhưng không tối ưu. Ngoài việc quá ô nhiễm thì chúng cũng không xấu hoàn toàn, người ta vẫn sống ở trong đó, vẫn phát triển và đô thị vẫn hấp dẫn. Chúng vẫn là một thứ phản ánh bản sắc của đô thị Việt Nam, phản ánh lối sống, lối tư duy của cộng đồng bản địa. Bộ mặt đô thị đồng bộ với lối nghĩ của cư dân thành phố. Chúng là một thứ rất “ăn xổi ở thì”, ngắn hạn, bạ đâu làm đấy, sai đâu sửa đấy, có gì làm nấy…

Vậy phải sửa chúng thế nào?

Không nhất thiết phải sửa và cũng không sửa được. Việc cần làm là tối ưu hóa chúng, nhân lên những cái tốt nhất và giảm thiểu những cái xấu của đô thị, biến chúng thành phiên bản tốt nhất của chính chúng. Bây giờ dẫu chúng ta có xây những đô thị như Paris (Pháp), Venice (Ý)… mà con người trong đó vẫn sống theo phong cách làng xã của Việt Nam thì cũng chẳng thay đổi được gì, đô thị sẽ trở về hình hài tương ứng với lối sống ấy và thậm chí sẽ dở hơn bây giờ.

Công trình Nhà Rừng của nhóm Hanoi Ad hoc phối hợp thực hiện tại khu đất bờ vở dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) sẽ tham gia triển lãm ở Venice Architecture Biennale 2025. Một trong những điểm đặc biệt của Nhà Rừng là vật liệu chính được lấy từ các loài cây xâm lấn phổ biến tại bờ vở sông Hồng. Ảnh: CTV

Công trình Nhà Rừng của nhóm Hanoi Ad hoc phối hợp thực hiện tại khu đất bờ vở dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội) sẽ tham gia triển lãm ở Venice Architecture Biennale 2025. Một trong những điểm đặc biệt của Nhà Rừng là vật liệu chính được lấy từ các loài cây xâm lấn phổ biến tại bờ vở sông Hồng. Ảnh: CTV

Những lâu đài giàu xổi cũng hay!

Bạn quan tâm nhiều tới các vấn đề về đô thị, còn nông thôn thì sao? Các kiến trúc sư như đang bỏ quên kiến trúc nông thôn. Vì ở đó người ta không trả tiền cho thiết kế kiến trúc?

Chẳng ở đâu người ta cần kiến trúc sư vào đúng vai. Kiến trúc nông thôn bị bỏ quên vì không ai cần kiến trúc sư đúng vai trò của họ ở đó, và thực ra thì nhiều kiến trúc sư có vào làm cũng chỉ càng hỏng thêm. Những nhà ở nông thôn cứ để người dân tự xây, không cần kiến trúc sư có khi còn tốt hơn. Tôi quan sát thấy rất nhiều kiến trúc sư ra trường không có tư tưởng, nếu hành nghề thì sẽ ra một thứ kiến trúc rất lai căng. Nó không tốt hơn việc để người dân tự xây.

Nhưng có những phàn nàn về kiến trúc lai căng ở nhiều vùng nông thôn, với những lâu đài đang đua nhau mọc lên?

Nó phản ánh đúng tư tưởng con người ở đó nên cũng chẳng có vấn đề gì. Nhiều người muốn nông thôn cứ phải nhà tranh mái lá, nhưng xã hội đã thay đổi. Ở nhiều vùng, nhu cầu của người nông thôn với ngôi nhà của mình không chỉ là nơi cư trú nữa mà còn phải thỏa mãn nhu cầu khoe khoang, sĩ diện. Nhu cầu thay đổi thì kiến trúc cũng phải thay đổi theo.

Người ta muốn xây lâu đài như Louis XIV thì rõ ràng xã hội mình đang rất nhiều người giàu xổi. Giàu tiền bạc mà không đi kèm giàu sang về văn hóa dẫn đến tình trạng kiến trúc như vậy. Và điều này cũng chẳng sao. Trăm năm nữa nhìn lại, chúng ta sẽ thấy thứ kiến trúc ấy cũng có giá trị, không phải vì nó đẹp mà nó phản ánh được một thời đại đất nước mình có rất nhiều người giàu xổi. Nó còn hay hơn để các ông kiến trúc sư về nông thôn xây một thứ cho mình, chỉ đại diện cho mình chứ không đại diện những người dân sống ở đó.

Những lâu đài giàu xổi cũng hay vì nó chân thật. Tại sao kiến trúc nông thôn cứ phải giản dị, thơ mộng, trong khi người nông thôn bây giờ có thế đâu. Sao phải gò ép, cứ để nó đi đúng dòng chảy. Nếu muốn có được một thứ kiến trúc giản dị, hồn hậu, thân thiện thì phải giáo dục người dân. Nếu muốn thay đổi kiến trúc thì phải thay đổi từ những thực hành văn hóa để người ta nhận ra cái gì là hay, cái gì kệch cỡm. Còn như bây giờ, tiền của người ta, nhà để người ta ở, mà lại bắt người ta hy sinh niềm yêu thích của họ để các kiến trúc sư thể hiện cái tôi của mình là bất khả.

Bạn có đang hài lòng với con đường của mình?

Chưa, vì có sống được bằng nghề đâu mà hài lòng. Nếu làm kiến trúc đúng nghĩa, có tư tưởng ở đó, để thay đổi cộng đồng, tạo ra những tác động cộng đồng thì rõ ràng kiểu làm đó không hoạt động. Kiến trúc sư không kiếm được tiền từ những công việc như thế. Kiến trúc sư phải làm rất nhiều thứ thương mại mà họ không muốn làm, để sống, hoặc họ chỉ đơn thuần làm xây dựng thôi. Một số khác thì làm nội thất, bài trí nhà cửa, quán cà phê… cũng sống tốt. Tôi cố gắng làm kiến trúc thật sự. Nên văn phòng của tôi không hoạt động sôi nổi, chỉ đủ nuôi văn phòng, mọi thứ rất lộn xộn.

Nhưng ở phương diện nào đó thì tôi cũng hài lòng vì đang được làm những gì mình muốn.

Các công trình lớn ở Việt Nam hầu hết đều do các kiến trúc sư nước ngoài thiết kế. Có phải kiến trúc sư Việt Nam chưa đủ khả năng thiết kế những công trình tầm cỡ?

Nhiều người đủ khả năng, chỉ có điều họ không có cơ hội. Trong kiến trúc, để có được cơ hội quan trọng hơn rất nhiều so với việc có khả năng.

Bạn nghĩ sao về cộng đồng kiến trúc Việt Nam hiện nay?

Có nhiều hy vọng. Nhiều văn phòng kiến trúc sư tốt, đặc biệt là ở TP.HCM khách hàng khá mở, chịu khó lắng nghe nên kiến trúc sư trong đó có nhiều cơ hội làm những điều hay. Nghề kiến trúc phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện cởi mở!

Mai Hưng Trung tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành kiến trúc từ ENSA Paris Malaquais - Pháp, và thạc sĩ về quy hoạch và cảnh quan tại Leibniz Universitat Hannover - CHLB Đức.

Sau một thời gian dài tu nghiệp tại các văn phòng kiến trúc như Atelier Jean Nouvel, Dominique Perrault Architecture, năm 2023 anh về Việt Nam và thành lập văn phòng thực hành kiến trúc của riêng mình mang tên Ad hoc Practice, song song với việc sáng lập Hanoi Ad hoc như một tổ chức nghiên cứu định hướng thiết kế.

KTS. Mai Hưng Trung chia sẻ tại sự kiện nhận giải thưởng Europan 2023, diễn ra ở Tây Ban Nha - tháng 6.2024. Ảnh: CTV

Mai Hưng Trung đã chiến thắng và được đề cử cho nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: người Việt đầu tiên 3 lần đoạt giải Europan (Pháp, Ý, Tây Ban Nha) - giải thưởng quy hoạch kiến trúc lớn nhất tại châu Âu dành cho các kiến trúc sư dưới 40 tuổi, diễn ra hai năm một lần; Prince Claus Seed Award 2024 - Hà Lan; IBA'27 Stuttgart - Đức; World Architectural Festival 2018; Architizer A+ award 2024; Association of Siamese Architects International Competition 2015, Density/dense city - Thái Lan... Anh là thành viên của Hội Kiến trúc sư Pháp. Tác phẩm của anh đã được tham gia các triển lãm như “Out there, landscape architecture in the global terrain” tại Architekturmuseum der TU München, “Eechos der bruderlander” tại HKW (Haus der kulturen der welt ) - Berlin...

Mai Hưng Trung được mời tham gia giảng dạy các workshop tại trường RMIT, ENSA Paris Belleville, Ecole Special d’architecture, ENSA Versailles…

Phương Bối thực hiện - Ảnh: Danh Khang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kien-truc-su-phai-tac-dong-den-nhan-thuc-xa-hoi-46610.html