Kiềng 4 chân và chuyện nông thôn mới nâng cao

Mô hình tổng hợp ấy có thể ví như kiềng 4 chân cho nhà nông đứng vững trước những 'cơn bão' giá bất thường của thị trường, nhất là lại ở vùng nông nghiệp chưa chủ động nước thủy lợi như Tân Đức.

Kiềng 4 chân và chuyện nông thôn

Họp trực tuyến với Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị đại hội.

Họp trực tuyến với Tỉnh ủy về công tác chuẩn bị đại hội.

Mô hình tổng hợp

Với diện tích hơn 11.000 ha, trong khi dân số trên 1.515 hộ, không khó hiểu vì sao xã Tân Đức (Hàm Tân) trở thành nơi có đa số hộ dân sản xuất theo mô hình tổng hợp rất mới: Vườn - ao - chuồng - rừng. Ở vùng thiếu nước này, những nhà có ao nuôi cá chưa nhiều nhưng nhà có vườn - chuồng - rừng là đa số. Đồng loạt và phổ biến đến độ khi người nơi khác đến đây đều nghĩ đến một mô hình sản xuất đã được đúc kết kinh nghiệm và mở rộng. Vì nhà nào cũng có vườn, không trồng thanh long thì cũng trồng quýt, trồng xoài ghép… nhất là từ những năm 2015 - 2016, khi đầu ra của cây mía vốn có diện tích lớn ở xã rơi vào “khủng hoảng”, người dân đã vay vốn chuyển đổi sang các cây trồng trên với diện tích lớn. Và trong vườn đã đầu tư ấy, họ nuôi nào gà, vịt, bò… Như gầy được phong trào, có nhiều hộ dân đã từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên trang trại chăn nuôi. Ở đây đã nổi lên một số trang trại chăn nuôi vì sự đặc biệt của nó như trang trại nuôi cút đẻ trứng ở thôn 2, trang trại nuôi gà sinh học ở thôn 5. Chưa hết, những mảnh đất nào ở nơi cao, khan nước, họ đồng loạt trồng keo lá tràm, siêng chống cháy vào mùa khô thì 3-5 năm sau thu hoạch, thu về một khoản tiền không nhỏ, tương tự như bỏ hủ bít tiết kiệm.

Quang cảnh xã Tân Đức chuẩn bị Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.

Quang cảnh xã Tân Đức chuẩn bị Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025.

Không ai nhớ chính xác, người dân ở đây hướng đến kiểu sản xuất tổng hợp này từ lúc nào nhưng mấy năm qua, khi giá cả nông sản bấp bênh rõ rệt thì dân Tân Đức không lao đao mấy. Thực ra, mô hình tổng hợp trên có thể ví như kiềng 4 chân cho nhà nông đứng vững trước những “cơn bão” giá bất thường của thị trường, nhất là lại ở vùng nông nghiệp mà chưa chủ động nước thủy lợi như Tân Đức. Câu chuyện mất A thì có B bù hay mất B thì còn có C đắp đã diễn ra mấy năm qua ở đây, khi điều mất giá thì có thanh long được giá bù vào, tương tự thanh long mất giá thì xoài được giá hay gà, bò được giá… Trong hành trình ấy, nếu có khó khăn lúc nào đó thì cũng chỉ tạm thời.

Nhờ thế, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp của xã đưa vào Nghị quyết 5 năm 2015 -2020 đều đạt. Tất cả đã góp phần tạo ra việc làm cho 1.478 lao động. Cụ thể và rõ hơn, đến cuối năm 2019, toàn xã còn 39 hộ nghèo, chiếm 2,57% so tổng số hộ trong xã, giảm 30 hộ nghèo so với năm 2015. Hơn thế, dân trong xã có thu nhập bình quân 43,47 triệu đồng/ người/năm nên có thể góp kinh phí vào xây dựng những công trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Cũng tính đến cuối năm 2019, người dân Tân Đức đã góp tổng cộng 14,9 tỷ đồng/107,48 tỷ đồng tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM tại xã, nhiều đứng thứ 3 sau 2 khoản kinh phí từ ngân sách tỉnh, huyện.

Sức mạnh tổng hợp

Kết quả của thu nhập trên là vượt chỉ tiêu đề ra của xã Tân Đức. Vì trước đó, vào tháng 5/2017, xã đã có chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa XV thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/HU của Huyện ủy (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2020 là tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, phát triển những cây trồng, con nuôi lợi thế phù hợp với địa phương... Song song đó, thu nhập bình quân phải tăng tối thiểu 1,5 lần so năm 2016, tức 41 triệu/người theo Bộ tiêu chí mới...

Nuôi cút lấy trứng ở Tân Đức.

Nuôi cút lấy trứng ở Tân Đức.

Trong bối cảnh hiện tại ở Tân Đức, nơi có khu công nghiệp rộng 300 ha đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu; đã tổ chức công bố và cắm mốc các quy hoạch; đã định hình khu dân cư dịch vụ 100 ha, khu tái định cư 1,52 ha và cũng đã có chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là Tổng công ty Sonadezi nên cơ hội bứt phá cho Tân Đức đã thấy trước mắt. Điều kiện cần lúc này là chủ động nước, không chỉ nước cho sản xuất mà còn nước cho phát triển công nghiệp, nhất là cho khu công nghiệp Tân Đức. Thực tế, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư, nhất là đầu tư công nghiệp muốn vào Hàm Tân, chứ không chỉ Tân Đức đều lo ngại vấn đề nước.

Vì vậy, nếu năm nay, kênh chuyển nước Biển Lạc - Hàm Tân hoàn thành thực sự chứ không hò hẹn như mọi năm, chắc chắn việc bứt phá phát triển kinh tế cho Tân Đức sẽ rất gần. Trước hết, các nhà đầu tư sẽ vào Khu công nghiệp Tân Đức mà ở vùng nông nghiệp, tức khắc sẽ có nhà đầu tư tập trung vào chế biến nông sản hay những lĩnh vực có liên quan.Vì vậy, nền tảng từ nông nghiệp ấy sẽ vững hơn và đó có lẽ cũng là tầm nhìn của Đảng ủy xã Tân Đức khi xác định sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

Vườn xoài ở xã Tân Đức - Hàm Tân. Ảnh: Ngọc Lân.

Vườn xoài ở xã Tân Đức - Hàm Tân. Ảnh: Ngọc Lân.

Với diện mạo kinh tế như trên đã thể hiện nhiều khía cạnh của Đảng bộ xã Tân Đức. Nhưng chung quy, ai cũng hình dung là nội bộ nơi ấy phải đoàn kết, đồng lòng mới tạo ra sức mạnh tổng hợp để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thể hiện rõ nhất ở nâng cao thu nhập đời sống người dân. Vì thế, theo ông Võ Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy Hàm Tân, xét ở mọi phương diện, Tân Đức đã có sự vượt trội so với các xã, thị trấn khác nên sau khi xem xét, Huyện ủy đã đề xuất tỉnh chọn Tân Đức làm Đại hội Đảng bộ xã điểm của tỉnh.

Để tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế, xã hội... bà Nguyễn Thị Huệ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Đức cho rằng:

Ở góc độ người đứng đầu, bản thân tôi phải công bằng, công khai minh bạch và luôn luôn lắng nghe mọi ý kiến. Đồng thời phải gần gũi, hòa đồng để kịp thời phát hiện những vướng mắc trong công việc, bức xúc trong dân nhằm chỉ đạo xử lý đúng lúc, tăng cường đối thoại, tránh gây điểm nóng. Thời gian qua, bên Đảng và chính quyền xã đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc đối thoại với dân ở 6 thôn trên nhiều lĩnh vực từ ô nhiễm môi trường, đền bù cho đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dù có lúc này, lúc kia chưa hài lòng nhau nhưng nhìn chung đã tạo sự đồng lòng trong nội bộ cũng như trong dân khi có chuyện cần chung sức.

Hảo Chi

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/kieng-4-chan-va-chuyen-nong-thon-moi-nang-cao-125789.html