Kienlongbank, VPbank, Techcombank, Sacombank… đồng loạt hạ sâu lãi suất tiền gửi
Mới đây các ngân hàng: VPbank, Techcombank, Saigonbank, Sacombank, ACB, Kienlongbank, MBBank,… đồng loạt hạ sâu lãi suất tiền gửi tiết kiệm, đây cũng là cơ sở để giảm lãi suất cho vay.
Điển hình là Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) có mức giảm lãi suất mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng tháng này khi hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng xuống còn 7%/năm. Như vậy, so với hồi đầu tháng 4, lãi suất kỳ hạn này đã giảm 1,55%/năm.
Đối với, lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng tại Kienlongbank cũng giảm 0,45%/năm xuống còn 7,75%/năm.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) niêm yết lãi suất kỳ hạn 24 tháng hiện còn 7,5%/năm, giảm 0,3%/năm so với trước, trong khi các kỳ hạn còn lại không đổi.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), lãi suất huy động các kỳ hạn giảm từ 0,6-0,8%/năm so với biểu niêm yết cũ.
Theo đó, lãi suất các kỳ hạn dưới 12 tháng không còn mức trên 8%/năm, thay vào đó lần lượt là 7,6%/năm và 7,7%/năm cho kỳ hạn 6 và 9 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cũng được Saigonbank điều chỉnh giảm 0,6%/năm xuống còn 8%/năm và đây là mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này trong tháng 5/2023.
VPBank áp dụng kỳ hạn 12 tháng với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm niêm yết cao nhất là 8,1%/năm, giảm 0,1% so với ngay trước kỳ nghỉ lễ. Nhưng so với thời điểm cách đây một tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm 0,5-0,7%/năm tùy theo từng kỳ hạn.
Ngoài VPBank, đa số các ngân hàng khác có thị phần tương tự đều giảm mạnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, như MB (7,3%); Techcombank (7,8%); Sacombank (7,6%); SHB (7,9%); ACB (7,75%).
Tại các ngân hàng thương mại Nhà nước gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn ổn định với mức cao nhất là 7,2%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Các kỳ hạn 6 và 9 tháng, lãi suất niêm yết là là 5,8%/năm; riêng BIDV, lãi suất huy động 9 tháng là 5,9%/năm.
Hiện nay các ngân hàng huy đông lãi suất gần 9% cho kỳ hạn 12 tháng là: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 8,8%/năm; Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) 8,7%/năm; Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) với 8,6%/năm...
Với lãi suất từ 9%/năm trở lên chỉ còn một số ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn tiền gửi dài trên 12 tháng như: ABBank với lãi suất từ 9-9,2%/năm; OCB với 9,1%/năm, HDBank với 9%/năm...
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước mới đây, 4 ngân hàng có vốn nhà nước đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách nhằm hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất, điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý.
Diễn biến hạ lãi suất vốn đã được giới chuyên gia dự báo rục rịch giảm từ quý II/2023 và càng trở nên rõ nét hơn khi bước vào nửa cuối năm.
Như vậy, lãi suất huy động từ đầu năm đến nay đã hạ nhiệt đáng kể. Riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động đã giảm khoảng 1-1,7%/năm so với hồi cuối năm 2022.
Trước đó, ngày 31/3/2023 Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.