Kiếp nạn của 'Mona Lisa' khi bị ném đá, phun sơn, hất súp
Được nhận định là biểu tượng của thời Phục Hưng, bức 'Mona Lisa' phải đối mặt với nhiều vụ phá hoại nhưng đều may mắn thoát nạn.
Bức Mona Lisa của Leonardo da Vinci là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất trên thế giới.
Mỗi năm, hàng triệu người đổ về Bảo tàng Louvre (Pháp) để chiêm ngưỡng bức tranh mang tính biểu tượng của thời Phục hưng và được coi là vô giá.
Cũng vì thế, Mona Lisa nhiều lần trở thành mục tiêu của những kẻ trộm cắp và phá hoại. Được vẽ vào khoảng năm 1503-1506, bức tranh đã trải qua hơn 500 năm lịch sử với những lần bị phun sơn, bôi bánh kem, ném đá...
Danh họa Salvador Dali từng phải thốt lên rằng bức tranh là “một thế lực độc nhất vô nhị trong lịch sử nghệ thuật kích động các kiểu gây hấn bạo lực nhất”.
Năm 1911: Bị đánh cắp
Theo Artnews, Mona Lisa được biết đến trên toàn cầu một phần sau vụ người thợ Vincenzo Peruggia (Italy) đánh cắp bức tranh vào năm 1911. Peruggia và hai người khác trốn trong bảo tàng Louvre cho đến giờ đóng cửa. Sau đó, chúng đem tác phẩm lên tàu ra khỏi Paris.
Khi vụ trộm ngày càng thu hút sự chú ý cả trong và ngoài nước Pháp, Peruggia tiếp tục giấu tranh, có lúc để dưới ván sàn căn hộ của hắn ở Paris.
Hơn 2 năm sau, Peruggia cố gắng bán tác phẩm cho một nhà buôn ở Florence (Italy). Nhưng nhà buôn này đã thông tin cho giám đốc Phòng trưng bày Uffizi để báo cảnh sát. Peruggia phải ngồi tù 6 tháng và tranh được trả lại cho bảo tàng Louvre.
Năm 1956: Bị ném đá
Năm 1956, bức Mona Lisa bị phá hoại tới 2 lần. Đầu tiên, một kẻ đã cố gắng dùng lưỡi dao cạo vào bức tranh nhưng may mắn không có tổn hại nào.
Sau đó, một người đàn ông Bolivia tên là Hugo Unjaga Villegas đã ném đá vào tác phẩm.
“Tôi có một hòn đá trong túi và đột nhiên tôi nảy ra ý tưởng ném nó đi”, hắn ta giải thích. Hòn đá vẫn làm bong một phần sơn.
Các chuyên gia của Pháp đã nhanh chóng khôi phục và tác phẩm được đem ra trưng bày chỉ vài ngày sau đó.
Năm 1974: Bị phun sơn
Mona Lisa hiếm khi rời khỏi Bảo tàng Louvre. Đây là lý do có tới 1,15 triệu người đã tới thưởng lãm bức tranh ở Bảo tàng Quốc gia ở Tokyo (Nhật Bản).
Trong số đó có Tomoko Yonezu, một phụ nữ Nhật Bản 25 tuổi, người đã cố gắng phun sơn màu đỏ vào bức tranh. Các nhà hoạt động vì người khuyết tật đã bày tỏ bức xúc khi Bảo tàng Quốc gia từ chối những người cần sự hỗ trợ đến bảo tàng vì e ngại không kiểm soát được đám đông.
Một số giọt sơn lọt vào tác phẩm, Yonezu bị bắt giữ và đưa ra tòa.
Năm 1975, Yonezu phải nộp phạt 3.000 yen. Nhưng Bảo tàng Quốc gia đã quyết định dành riêng một ngày cho người khuyết tật có thể đến thăm Mona Lisa.
Năm 2009: Bị ném tách trà
Năm 2009, một phụ nữ Nga đập vỡ một tách trà vào bức Mona Lisa. Cô ta giấu chiếc tách trong túi xách.
Phát ngôn viên cho biết, người phụ nữ này bị loạn trí do gặp rắc rối về thủ tục ở lại Pháp. Phòng trưng bày chỉ bị xáo trộn một lúc trong khi các nhân viên dọn dẹp mảnh vỡ.
Những lần bức Mona Lisa bị phá hoại là bằng chứng cho thấy cần phải tăng cường an ninh.
Tờ Guardian viết: “Sự thật là Bảo tàng Louvre cần cân nhắc việc chuyển bức Mona Lisa sang phòng trưng bày riêng ở một khoảng cách an toàn với các tác phẩm khác”.
Cuối cùng, bảo tàng của Pháp đã làm điều đó và nâng cấp kính bảo vệ.
Năm 2022: Bị bôi bánh kem
Một người đàn ông 36 tuổi cải trang thành cụ bà ngồi xe lăn tới Bảo tàng Louvre. Khi ở gần bức tranh, hắn ta nhảy khỏi xe, cố tình đập vỡ kính trước khi bôi bánh kem. Rất may kính không vỡ.
Hành động của hắn được cho nhằm phản đối biến đổi khí hậu vì trước đó, hắn đã kêu lên: “Có những kẻ đang hủy diệt Trái Đất. Tất cả các nghệ sĩ, hãy nghĩ về Trái đất. Đó là lý do tôi làm điều này. Hãy nghĩ về hành tinh”.
Kẻ phá hoại bị bắt giữ ngay lập tức và Bảo tàng Louvre nộp đơn khiếu nại hình sự.
Năm 2024: Hất súp
Từ năm 2020 cho đến nay không thiếu những cuộc biểu tình về khí hậu được tiến hành trong các bảo tàng. Những nhà hoạt động ném thức ăn vào tác phẩm nổi tiếng.
Năm 2024, bức Mona Lisa đã gia nhập danh sách tranh bị phá hoại, gồm Sunflowers (Vincent van Gogh), Grainstacks (Claude Monet), The Scream (Edvard Munch) và The Hay Wain (John Constable).
Hai người phụ nữ tạt súp lên tấm kính chống đạn che bức tranh của Leonardo da Vinci. Những người biểu tình dường như liên quan tới Riposte Alimentaire, nhóm bảo vệ môi trường tập trung vào nông nghiệp bền vững.
Ngay trước khi bị bảo vệ dẫn đi, một nhà hoạt động đã hỏi bằng tiếng Pháp: “Điều gì quan trọng hơn? Nghệ thuật hay quyền có một hệ thống thực phẩm lành mạnh và bền vững? Hệ thống nông nghiệp của chúng ta đang suy yếu”.
Theo An Yên/Vietnamnet
Nguồn Znews: https://znews.vn/kiep-nan-cua-mona-lisa-khi-bi-nem-da-phun-son-hat-sup-post1458644.html