Kiều bào chung sức bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc: Bài 1: Hành trình gắn bó với Thành phố mang tên Bác
Năm 2025 đánh dấu một cột mốc thiêng liêng - 50 năm đất nước thống nhất. Nửa thế kỷ qua là hành trình kiên cường vươn lên của dân tộc Việt Nam, trong đó TPHCM đã khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước. Bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của khát vọng phát triển và hội nhập sâu rộng, không thể không nhắc đến sự đồng hành bền bỉ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Không chỉ những dòng kiều hối, mà kiều bào còn mang về tri thức, công nghệ, vốn đầu tư... Bà con kiều bào đã, đang và sẽ tiếp tục là một phần quan trọng của đất nước trong khát vọng vươn mình ở thời đại mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự buổi gặp mặt vinh danh tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu, nhân dịp kiều bào về nước tham dự chương trình Xuân Quê hương năm 2025. Ảnh: Quang Vinh.
Từ sau ngày 30/4/1975, TPHCM đã có những bước chuyển mình vươn lên thành đầu tàu kinh tế, cửa ngõ hội nhập quốc tế. Trong hành trình ấy, kiều bào luôn hiện diện như cánh tay nối dài của TPHCM với thế giới. Ở chiều ngược lại, TPHCM cũng là nơi kiều bào tìm về như mái nhà yêu dấu...
Nguồn lực đặc biệt phong phú từ kiều bào
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 6 triệu người, sinh sống tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, hàng triệu người từng là cư dân TPHCM hoặc có mối liên hệ gia đình, nguồn gốc, văn hóa với thành phố. Điều này tạo nên sự “liên kết mềm” rất đặc biệt và giàu cảm xúc. Không chỉ gửi kiều hối, đầu tư, nhiều kiều bào là chuyên gia, trí thức đầu ngành trực tiếp tham gia vào quá trình kiến tạo thành phố thông minh, phát triển ổn định, bền vững.
Những chương trình như: “Kết nối trí thức kiều bào”, “Diễn đàn Kiến tạo TPHCM”, “Về nguồn” cho thế hệ trẻ, hay lễ hội văn hóa “Xuân Quê hương”… đều cho thấy vai trò chủ động, đóng góp thiết thực của kiều bào.
Tiêu biểu như chương trình mời các chuyên gia Việt kiều trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, y sinh, năng lượng xanh... về làm việc, nghiên cứu tại Đại học Quốc gia TPHCM, Khu Công nghệ cao, hay Bệnh viện Chợ Rẫy. Đó không chỉ là chuyển giao công nghệ mà còn là chuyển giao giá trị, nối nhịp tri thức Đông - Tây vì một Việt Nam phát triển.
PGS.TS Bùi Quốc Bảo - một trong 50 kiều bào tiêu biểu được vinh danh vì những đóng góp trong quá trình xây dựng, phát triển TPHCM trong 50 năm qua. Ông là giảng viên tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, từng có nhiều năm học tập và giảng dạy tại Cộng hòa Pháp. Chia sẻ về lý do trở về nước, PGS.TS Bùi Quốc Bảo cho biết cũng như nhiều người con xa quê, kiều bào Pháp luôn mang trong mình tình yêu, trách nhiệm và khát vọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Chính tình cảm sâu nặng ấy đã thôi thúc ông trở về Việt Nam để giảng dạy và tham gia nghiên cứu khoa học, đào tạo sinh viên từ bậc đại học đến tiến sĩ, đồng thời tham gia phát triển các dự án nghiên cứu và thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc tế nhằm đưa tri thức, công nghệ tiên tiến về phục vụ quê hương. PGS.TS Bùi Quốc Bảo tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, trí tuệ và lòng yêu nước, đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài sẽ tiếp tục là cầu nối tri thức, là nguồn lực quý báu đồng hành cùng TPHCM và đất nước trên hành trình phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Một trường hợp trí thức kiều bào tiêu biểu khác cũng rất gắn bó với TPHCM đó là GS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Giáo sư y khoa tại Đại học New South Wales (Úc), chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học và di truyền loãng xương. Ông là người gốc Việt đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia. Không chỉ ghi dấu trong khoa học quốc tế, ông còn nhiều lần trở về Việt Nam giảng dạy, hỗ trợ đào tạo sau đại học và kết nối học thuật với các trường đại học, bệnh viện tại TPHCM.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn và gia đình trao tặng kinh phí hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại TPHCM. Ảnh: Quốc Định.
Dấu ấn kiều bào hiện diện khắp nơi
Nhiều doanh nghiệp (DN) do kiều bào sáng lập hiện đang hoạt động hiệu quả tại TPHCM trong các lĩnh vực công nghệ, logistics, tài chính, bất động sản, giáo dục... Những tên tuổi như LogiGear (Mỹ), DatVietVAC, VinaCapital, hay hàng trăm DN nhỏ và vừa khác đã góp phần đa dạng hóa nền kinh tế TPHCM. Ở lĩnh vực văn hóa – xã hội, kiều bào thường xuyên tổ chức các chương trình trao học bổng, hỗ trợ trường học vùng sâu, triển lãm văn hóa, nghệ thuật, phục dựng di sản. Một số nhà thiết kế, nghệ sĩ kiều bào còn đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới và ngược lại, mang những nét đẹp quốc tế về lan tỏa trong cộng đồng TPHCM.
Những gương mặt doanh nhân kiều bào nổi bật phải kể đến ông Jonanthan Hạnh Nguyễn (kiều bào Mỹ), người góp phần mở cửa Việt Nam ra thế giới khi tham gia mở đường bay thẳng TPHCM - Manila (Philippines) năm 1985; TS Lương Bạch Vân (kiều bào Pháp), nguyên Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, người góp phần phát triển ngành công nghiệp của thành phố, xây dựng dây chuyền sản xuất "vòng tránh thai cho phụ nữ"; GS.TS Đặng Lương Mô (kiều bào Nhật), Trưởng ban vận động CLB Khoa học - Kỹ thuật Việt kiều, nguyên cố vấn giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM...
Nhiều người vẫn luôn ấn tượng với trường hợp ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Việt kiều Mỹ, người đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào lĩnh vực thương mại, hạ tầng và hàng không tại TPHCM. Với vai trò Chủ tịch Tập đoàn IPP, ông Jonathan Hạnh Nguyễn không chỉ đóng góp kinh tế mà còn tích cực hỗ trợ các hoạt động xã hội như phòng chống Covid-19, giáo dục và khởi nghiệp.
Đặc biệt, những năm gần đây, một thế hệ doanh nhân trẻ gốc Việt từ Mỹ, Úc, Pháp trở về đã khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ sạch, trí tuệ nhân tạo, fintech, truyền thông kỹ thuật số… Họ không chỉ mang về vốn đầu tư, mà còn mang theo tư duy quản trị, tính chuyên nghiệp và mạng lưới kết nối toàn cầu. Nhiều người trong số họ chọn TPHCM là nơi đặt văn phòng chính hoặc trung tâm sáng tạo. Điều đó khẳng định vị thế ngày càng cao của TPHCM trong bản đồ trí tuệ Việt toàn cầu.
Sự đóng góp của kiều bào không chỉ dừng lại ở các con số, dự án hay sự kiện. Đó còn là tình cảm, là trách nhiệm và niềm tự hào về nguồn cội, được hun đúc qua nhiều thế hệ.
Trong bối cảnh thế giới chuyển động nhanh, toàn cầu hóa sâu rộng, nguồn lực kiều bào đã trở thành một trụ cột trong chiến lược phát triển của TPHCM nói riêng, đất nước nói chung. Tận dụng hiệu quả nguồn lực này chính là cách tốt nhất để Việt Nam tăng cường nội lực, nâng cao vị thế quốc tế mà không đánh mất bản sắc.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, kiều bào từ khắp năm châu vẫn tiếp tục đồng hành cùng TPHCM như một phần máu thịt. Kiều bào không chỉ là “người con xa quê”, mà còn là đối tác chiến lược, là người truyền cảm hứng, là cầu nối hội nhập. Tình cảm ấy không phải từ một chiều, mà là sự cộng hưởng từ chính tấm lòng nghĩa tình, cởi mở, biết trân trọng và phát huy các giá trị của Thành phố mang tên Bác. Hành trình gắn bó ấy đang tiếp bước vào giai đoạn mới với nhiều kỳ vọng mới. MTTQ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều hoạt động thiết thực do MTTQ phát động, từ vận động ủng hộ phòng chống thiên tai, dịch bệnh đến xây dựng nông thôn mới, chăm lo an sinh xã hội... đều nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ kiều bào trên khắp thế giới. Thông qua đó, tình cảm và trách nhiệm của những người Việt xa quê với đất mẹ không ngừng được bồi đắp.
Tại Chương trình Xuân Quê hương 2025, lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam đã gặp gỡ, vinh danh tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu 2024. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại. Đất nước cũng sẽ bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc đúng như Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.
(Còn nữa)