Kiều bào hiến kế để doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường toàn cầu
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp kiều bào đã phân phối thành công hàng Việt tại các thị trường như Canada, Mỹ, Nhật, Ba Lan, CH Czech, Thái Lan..., góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Sản phẩm Việt không chỉ phục vụ cộng đồng người Việt mà ngày càng được người tiêu dùng bản địa ưa chuộng.
Sau 5 năm triển khai Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024” theo Quyết định số 1797/QĐ-TTg ngày 12/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều sản phẩm chủ lực của các địa phương trên cả nước, trong đó có các sản phẩm tiêu biểu như: yến sào, trầm hương, thủy sản, cà phê, hàng dệt may, nông sản… đã được đẩy mạnh xuất khẩu, phân phối ra thị trường các nước khó tính (EU, Nhật Bản,…) và có mặt tại các hệ thống phân phối uy tín ở nhiều nước.

Kiều bào tại châu Âu tìm hiểu và mua sản phẩm Yến sào của Việt Nam. Ảnh: Baokhanhoa.vn
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, kết quả triển khai Đề án không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu, một trong những động lực tăng trưởng chủ lực của nền kinh tế mà còn góp phần truyền tải hình ảnh, văn hóa, bản sắc của dân tộc tới đông đảo bạn bè quốc tế; qua đó, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đảng, Nhà nước luôn coi trọng sự đóng góp, nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều chủ trương, chính sách được Đảng và Nhà nước thông qua, với tinh thần xuyên suốt, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp kiều bào đã phân phối thành công hàng Việt tại các thị trường như Canada, Mỹ, Nhật, Ba Lan, CH Czech, Thái Lan..., góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Sản phẩm Việt không chỉ phục vụ cộng đồng người Việt mà ngày càng được người tiêu dùng bản địa ưa chuộng.
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án này do Bộ Ngoại giao - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và UBND tỉnh Khánh Hòa đồng chủ trì, phối hợp tổ chức diễn ra vào ngày 27/4 tại thành phố Nha Trang, hơn 20 tham luận và phát biểu tâm huyết đã khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc thúc đẩy quảng bá sản phẩm Việt ra nước ngoài.

Đại biểu các kiều bào hiến kế để đưa hàng Việt vươn xa trên toàn cầu.
Các đại biểu cũng đồng thời phân tích cơ hội và thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động và nhấn mạnh: việc đa dạng hóa kênh phân phối, đặc biệt tại các thị trường khó tính, mới nổi và giàu tiềm năng, được xác định là xu thế tất yếu và yêu cầu cấp bách hiện nay. Đây cũng là lĩnh vực mà kiều bào có thế mạnh về kinh nghiệm, kiến thức và mạng lưới, có thể hỗ trợ hiệu quả trong công tác tư vấn, kết nối nguồn lực trong - ngoài nước, đóng góp hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Hội nghị cũng ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm hỗ trợ cộng đồng kiều bào phát huy hơn nữa vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước và địa phương. Đặc biệt, các đại biểu nhấn mạnh nhu cầu tăng cường hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nhân kiều bào, tạo điều kiện để hàng hóa Việt tiếp cận tốt hơn thị trường quốc tế.
Theo báo cáo mới nhất của Economist Intelligence Unit (EIU), Việt Nam đã trở thành quốc gia có môi trường kinh doanh cải thiện nhanh nhất trong 20 năm qua. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá cao môi trường kinh doanh của Việt Nam trong báo cáo "Business Ready 2024" (B-READY), cho thấy sự cải thiện đáng kể trong các lĩnh vực như khung pháp lý, dịch vụ công và hiệu quả hoạt động.

Trái cây Việt được bày bán trong một siêu thị ở nước ngoài.
TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) nhấn mạnh, môi trường kinh doanh Việt Nam ngày càng năng động và hội nhập hơn, nhờ các chính sách thu hút đầu tư cởi mở, thông thoáng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, ổn định, không ngừng được cải thiện.Tuy nhiên, để duy trì và nâng cao sức hấp dẫn, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường tính minh bạch và đối phó với các thách thức từ biến đổi khí hậu.
TS Trần Hải Linh cũng cho rằng, cộng đồng doanh nhân kiều bào có thể đóng góp rất nhiều cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước như: nguồn lực tri thức và kinh nghiệm quốc tế mà mỗi doanh nhân tích lũy được khi hoạt động trong những môi trường kinh doanh tiên tiến. Những kinh nghiệm này rất quý giá để tư vấn, hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp bền vững.
Thứ hai, cộng đồng doanh nhân kiều bào có thể kết nối đầu tư và thị trường quốc tế, đưa nguồn vốn chất lượng cao vào Việt Nam, đồng thời mở rộng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa Việt ra thế giới, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Thứ ba, kiều bào còn có thể đóng vai trò như những "cầu nối mềm" trong xúc tiến ngoại giao nhân dân, giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh quốc gia, xây dựng niềm tin và tạo dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược với cộng đồng quốc tế.
"Bằng tâm huyết và sự gắn bó với quê hương, tôi tin rằng doanh nhân kiều bào không chỉ là lực lượng kinh tế, mà còn là những "sứ giả văn hóa" góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng lâu dài của đất nước", TS Trần Hải Linh nhấn mạnh.
Được biết, tại hội nghị hôm 27/4, dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội của Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài đã tiến hành ký kết 06 bản ghi nhớ hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham gia hội nghị và cho rằng đây sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn để kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng bày tỏ tin tưởng rằng hội nghị là bước quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa kiều bào và các địa phương, doanh nghiệp trong nước và mang lại dự án, kế hoạch hợp tác cụ thể, cơ hội đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới.