Kiều bào hiến kế để thành phố vươn lên

Cùng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, nhân dân, đội ngũ kiều bào TP Hồ Chí Minh đang sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới đã có nhiều hiến kế, đóng góp thiết thực, cụ thể nhằm khắc phục hậu quả nặng nề của dịch Covid-19, từng bước đưa thành phố phát triển trở lại trong giai đoạn bình thường mới.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu và Bằng khen cho các kiều bào có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của thành phố.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh trao tặng Huy hiệu và Bằng khen cho các kiều bào có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của thành phố.

Trong hai năm (2020 và 2021), đặc biệt là năm 2021 là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với chính quyền và người dân TP Hồ Chí Minh khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới hàng loạt chỉ tiêu kinh tế thành phố đã đề ra. Dự báo, GRDP của thành phố năm 2021 ước giảm 6,78% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu trong lịch sử của thành phố từ giai đoạn đổi mới, kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78%; nhiều lĩnh vực, các ngành sản xuất bị đình trệ, ùn ứ.

Tuy nhiên, với quyết tâm vượt khó, nhất là sau giai đoạn nới lỏng các biện pháp giãn cách, nền kinh tế thành phố vẫn đạt được những kết quả khả quan. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%; đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, thu hút được khoảng 5,8-6 tỷ USD, ước tăng khoảng 11%-15% tổng vốn đầu tư so cùng kỳ (năm 2020 đạt 5,22 tỷ USD); lượng kiều hối ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Về an sinh xã hội, 300.437 lượt người đã có việc làm ổn định, đạt 100,1% kế hoạch năm 2021; các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã tạo ra 140.000 việc làm mới, đạt 100% kế hoạch năm 2021…

Đánh giá về giai đoạn bình thường mới của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng: Điều đáng mừng là xuyên suốt thời gian dịch Covid-19 diễn ra, nhiều tổ chức, cá nhân, kiều bào khắp mọi nơi trên thế giới đã ủng hộ tiền, khẩu trang, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm để phục vụ tuyến đầu và nhân dân thành phố cũng như tại nhiều địa phương khác trong cả nước.

Thành phố trở lại bình thường mới trong giai đoạn này, đồng nghĩa với việc phải tập trung thực hiện các giải pháp thiết thực để hồi phục nhanh nền kinh tế, bảo đảm an toàn xã hội và phát triển thành phố theo hướng bền vững, toàn diện. Sự đóng góp, hiến kế của các kiều bào cùng với các đội ngũ trí thức, nhân dân thành phố cũng là phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố trong thời gian tới.

Khẳng định trách nhiệm, lòng tự hào dân tộc của đội ngũ kiều bào, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP Hồ Chí Minh Phùng Công Dũng nhấn mạnh: Kiều bào trong nước và nước ngoài là nguồn lực cần được phát huy mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi hy vọng, tấm lòng, tình cảm ấy của người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc sẽ góp phần xoa dịu bớt đi những mất mát, đau thương do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tại hội nghị hiến kế để phát triển TP Hồ Chí Minh giai đoạn hậu Covid-19 diễn ra mới đây, nhiều kiều bào đã nêu và đóng góp những ý kiến thiết thực để thành phố nghiên cứu và đề ra những giải pháp hiệu quả nhất, nhằm đưa thành phố trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ông Đinh Vĩnh Cường, doanh nhân người Việt Nam ở Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn 365 Group kiến nghị: Triển khai chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; xây dựng sàn giao dịch hàng hóa,... là những hướng đi thành phố cần quan tâm đầu tư, phát triển. Thành phố cũng cần tiếp tục cải thiện các chính sách thu hút vốn FDI vào những ngành có công nghệ tiên tiến, có tỷ lệ xuất khẩu cao; đơn giản hóa thủ tục hành chính có liên quan phục vụ công tác đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, Việt kiều Mỹ cho rằng: Năm 2022 sẽ là năm thử thách lớn đối với thành phố trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, để bảo đảm môi trường ổn định cho các doanh nghiệp hoạt động, thành phố cần có các chính sách sâu sát, thiết thực để bảo vệ công việc và thu nhập, chăm lo đời sống và sức khỏe cho người lao động để chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, thành phố cũng cần đẩy mạnh và chú trọng phát triển nền kinh tế tuần hoàn để giảm đến mức thấp nhất số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải phát ra, qua đó gia tăng lợi ích cho người dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Với những tiềm năng và lợi thế rất lớn của thành phố hiện có, ông Danny Võ Thành Đăng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng: Thành phố cần đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu để TP Hồ Chí Minh vươn lên trở thành một siêu đô thị mới của thế giới trong tương lai không xa. Để mục tiêu đó sớm trở thành hiện thực, ngay từ bây giờ, các nguồn lực về: Nhân lực giỏi chuyên môn, sáng tâm đức; xây dựng bộ máy lãnh đạo 6T (Tiên phong, tử tế, thấu cảm với nhân dân, tỉnh thức trong công việc, tích cực giao tiếp với tinh thần lạc quan, tiệm cận với xu thế toàn cầu). Các nguồn lực đó sẽ là cơ sở đáng tin cậy để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài và cả những người dân tiếp tục gắn bó và cống hiến cho thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết: Giai đoạn hậu Covid-19, thành phố đã đề ra hai nhóm giải pháp tương ứng với hai giai đoạn gồm: Nhóm giải pháp cấp bách (từ nay đến hết năm 2022) và nhóm giải pháp trọng tâm (từ năm 2023 đến năm 2025). Để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thành phố bền vững, toàn diện sau dịch Covid-19, thành phố tin tưởng, đội ngũ chuyên gia, trí thức, doanh nhân, kiều bào sẽ là nguồn lực rất lớn, có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho sự phát triển của thành phố và cả nước. Các ý kiến của lực lượng này sẽ được thành phố ghi nhận, cùng các sở, ngành nghiên cứu, lên kế hoạch triển khai có hiệu quả trong thời gian tới.

Bài và ảnh: QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/kieu-bao-hien-ke-de-thanh-pho-vuon-len-678568/