Kiều bào hiến kế đưa nông sản Việt vươn xa
'Tại sao nông sản của người ta bán tinh mà mình phải bán thô; tại sao nông sản của họ được bày trên kệ siêu thị mà nông sản của mình còn khiêm tốn', Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu hàng loạt câu hỏi muốn gửi gắm tới bà con Việt kiều và mong muốn nhận được các sáng kiến, cách làm hay để nông sản Việt Nam vươn xa, bán 'cái thị trường cần'...
Tối 14/2, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh đầu ra nhiều mặt hàng nông sản còn bấp bênh, hiện diện trên kệ siêu thị nước ngoài khiêm tốn... thì rõ ràng đây là thời điểm để bà con kiều bào tại các nước chung tay kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam.
Dư địa hợp tác còn rất lớn
Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỷ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Chia sẻ về kinh nghiệm đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, ông Diệp Văn Tỷ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển, cho biết tuy thị trường này không quá lớn nhưng số lượng hàng hóa của Việt Nam được tiêu thụ không hề nhỏ. Thị trường Bắc Âu đòi hỏi điều kiện rất cao về cả mẫu mã, chất lượng và bao bì.
“Ví dụ như hiện nay, sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam đang gặp phải khó khăn tại thị trường Bắc Âu do chưa đủ tiêu chuẩn về những hóa chất trong thành phần. Tôi rất mong Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương sớm giải quyết vấn đề này”, ông Diệp Văn Tỷ đề xuất.
Trong khi đó, TS. Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu chia sẻ những trăn trở về việc tận dụng tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp người Việt Nam ở châu Âu trong việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này.
Theo TS. Hoàng Mạnh Huê, Việt Nam có nguồn nông lâm sản phong phú, đa dạng, có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu vào các nước châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp trong nước, ngoài việc bán hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp của các nước sở tại, cần phải hướng tới chinh phục được thị trường này.
Tuy nhiên, hiện nay, mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Để giải quyết việc này cần phát huy vai trò tổ chức, Hiệp hội ngành nghề… trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn… nhằm trao đổi thông tin.
Về phía các cơ quan quản lý, nên tạo một trung tâm dữ liệu chung để các kiều bào và doanh nghiệp có thể truy cập, từ đó trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ.
Hiện, tại một số trung tâm thương mại ở hầu hết các nước Đông Âu có chủ là người Việt Nam, 80% doanh nghiệp hoạt động trong đó là người Việt, trong khi hàng hóa Việt Nam được bày bán ở đây chỉ chiếm 10-15%, TS. Huê cho rằng đây là lợi thế rất lớn mà các doanh nghiệp cần tận dụng, cải thiện.
Tại sao nông sản người ta bán tinh, mình phải bán thô?
Đáng chú ý, ông Nguyễn Quốc Sỹ, Viện sỹ hàn lâm Viện Khoa học Kỹ thuật Điện Liên bang Nga, nhấn mạnh rằng để đưa được sản phẩm Việt Nam ra thế giới, thì trước hết phải đưa được khoa học công nghệ thế giới vào Việt Nam.
Ông Sỹ cho rằng Việt Nam đang “bị thiệt thòi” do thiếu tri thức, thiếu công nghệ. “Nguồn lực rất quan trọng là tri thức, tôi tha thiết mong muốn Bộ NN&PTNT và Bộ Ngoại giao kết nối mạnh hơn với kiều bào, và cả nguồn lực, mối quan hệ của kiều bào với các chuyên gia quốc tế để mang khoa học công nghệ về nước”, ông nói.
Viện sỹ hàn lâm Viện Khoa học Kỹ thuật Điện Liên bang Nga cũng đề cập đến việc nông sản Việt đôi khi “thua ngay trên sân nhà” trước một số loại hoa quả đến từ các nước Đông Nam Á. “Đôi khi chúng ta thua không phải vì ngoại cảnh, mà thua do ý thức của chính mình. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể thắng khi kết nối với nhiều nguồn lực, trong đó có kiều bào”, ông Sỹ đánh giá.
Trước nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh thế giới không chờ đợi chúng ta, thời gian không chờ đợi chúng ta. Theo đó, năm 2022, thông điệp của Bộ NN&PTNT là "tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật". Và tư duy mở chính là việc tổ chức diễn đàn trên để nhận được những ý kiến đóng góp của kiều bào.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đã đến lúc, chúng ta cần bán cái thế giới cần, chứ không phải bán cái chúng ta có. Tuy vậy, thế giới cần cái gì thì cần có sự hỗ trợ của bà con Việt kiều khắp nơi trên thế giới thông tin, chia sẻ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng mỗi người Việt xa xứ chỉ cần ăn nông sản của dân tộc chúng ta, bán nông sản của bà con quê hương mình, hay đem tinh hoa hiện đại, sáng kiến về... thì chính là yêu nước. "Điều này không đánh đổi bằng tiền là bao nhiêu, điều này cao cả hơn rất nhiều từ trong tâm thức của mỗi người", ông Hoan nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết như: Tại sao nông sản người ta bán tinh, mình phải bán thô; tại sao nông sản họ được bày trên kệ kênh phân phối mà nông sản mình còn khiêm tốn?...
Theo đó, Tư lệnh ngành Nông nghiệp khẳng định: Khi ngồi lại thì không gì là không thể. Ngồi lại với nhau bằng kênh nào, bằng tình cảm người Việt của chúng ta với nhau.
Bộ trưởng Hoan cũng nhắn nhủ làm sao chứng minh với thế giới rằng Việt Nam là quốc gia năng động, sáng tạo, cũng như một quốc gia có nền nông nghiệp, nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, muốn vượt qua thế giới thì chúng ta phải vượt qua chính mình.
Ông Phạm Quang Hiệu
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao. Bởi lẽ đó, với quyết tâm, nỗ lực của các cơ quan trong nước, mà tiên phong là Bộ NN&PTNT, cùng kinh nghiệm, nguồn lực và sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt được nhiều thành công mới.
Ông Võ Văn Long
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tại thị trường Đức, tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá ít nhất 30%, đây là một cơ hội để hàng Việt Nam sang Đức. Nghiên cứu cho thấy, người tiêu dùng Đức sử dụng hàng hóa của châu Á rất nhiều, nhưng lượng nông sản của Việt Nam vào rất ít, phần lớn là hàng của Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác. Vì vậy, nông sản Việt muốn đi xa thì không nên lấy tiêu chí là hàng rẻ mà phải lấy tiêu chí hàng chất lượng. Muốn có hàng chất lượng thì chúng ta phải sản xuất đúng quy định, đúng chất lượng, đúng kỹ thuật và mẫu mã.
Ông Trần Thanh Nam
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước. Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như Incentra ở Moscow, Đồng Xuân ở Berlin, Sapa ở Séc, Asean Garden Mall tại Mỹ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Úc đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều đã trở thành kênh phân phối quan trọng đưa nông sản Việt Nam đi khắp bốn phương. Bộ NN&PTNT mong muốn kiều bào tiếp tục đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đi xa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP với nhiều tiềm năng. Với tâm niệm hướng về quê hương của bà con kiều bào, ngành nông nghiệp sẽ tiếp nhận thành tựu khoa học tiên tiến trên thế giới, phấn đấu đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp.