Kiều bào mong muốn sớm được công nhận là dân tộc thiểu số tại Hungary
Anh Phùng Kim San, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary cho biết, gần đây số người lao động Việt Nam sang Hungary ngày càng tăng, di biến động lớn nên cần tăng cường hỗ trợ, quản lý. Hiệp hội đang làm hồ sơ để Hungary công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số tại Hungary, mong muốn Chính phủ và Đại sứ quán hỗ trợ đẩy nhanh quá trình này.
Trong chương trình thăm chính thức Hungary, chiều tối 19/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã tới thăm, gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hungary.
Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Hungary có khoảng hơn 6.000 người và đang có xu hướng tăng lên. Cộng đồng người Việt tại Hungary chủ yếu sinh sống, làm việc, học tập ở thủ đô Bundapest và vùng lân cận.
Anh Phùng Kim San, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary cho biết, gần đây số người lao động Việt Nam sang Hungary ngày càng tăng, di biến động lớn nên cần tăng cường hỗ trợ, quản lý. Hiệp hội đang làm hồ sơ để Hungary công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số tại Hungary, mong muốn Chính phủ và Đại sứ quán hỗ trợ đẩy nhanh quá trình này.
Chị Phan Bích Thiện, đại diện Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary bày tỏ vui mừng khi Quốc hội vừa thông qua Luật Đất đai, trong đó quy định các quyền của người Việt Nam tại nước ngoài như người dân đang sinh sống trong nước; đề xuất có hướng dẫn về cấp căn cước công dân cho người Việt Nam tại nước ngoài.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, tại các cuộc hội kiến với Tổng thống, lãnh đạo Quốc hội, hội đàm với Thủ tướng Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều đề nghị "Hungary công nhận cộng đồng bà con ta là một dân tộc thiểu số và bạn đã ghi nhận ý kiến này". Sau phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao, bà con kiều bào bày tỏ ủng hộ bằng một tràng pháo tay lớn.
Ngoài ra, một bước đột phá nữa là, Luật Đất đai vừa được thông qua, quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền về đất đai như người Việt Nam trong nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nội dung Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với quan điểm "cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam".
Thông tin tới bà con về quan hệ Việt Nam- Hungary, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, quan hệ truyền thống hai nước đang phát triển rất tốt đẹp, sự tin cậy chính trị ngày càng cao; các lĩnh vực hợp tác khác như kinh tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh… không ngừng phát triển. Đặc biệt Hungary đánh giá rất cao cộng đồng người Việt Nam tại Hungary. Trong thành tựu quan hệ hai nước, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt Nam tại Hungary.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, do sự lớn mạnh, đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Hungary, ngay trong chuyến công tác này ông đã nhiều lần đề nghị Chính phủ Hungary tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện cho bà con làm ăn, sinh sống, học tập thuận lợi, trong đó có công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Hungary là dân tộc thiểu số của Hungary.
Thủ tướng mong muốn bà con tiếp tục đoàn kết, xây dựng cộng đồng ngày càng ổn định và phát triển; trở thành cầu nối vững chắc cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai nước; giữ gìn bản sắc dân tộc và quê hương; giáo dục con cháu về cội nguồn của mình, duy trì ngôn ngữ tiếng Việt.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, phải thiết lập cơ sở dữ liệu đầy đủ về người Việt Nam ở sở tại; thực hiện các thủ tục liên quan tới bà con thuận lợi nhất…
"Đại sứ quán phải thường xuyên chăm lo đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng người Việt Nam tại Hungary; thường xuyên có sự kết nối với bà con, hỗ trợ tích cực các hoạt động của cộng đồng và thúc đẩy để Hungary sớm công nhận người Việt Nam tại Hungary là dân tộc thiểu số của Hungary", Thủ tướng nhắc nhở.
Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách quốc phòng "4 không"
Trước đó, Thủ tướng đã tới phát biểu chính sách tại Đại học Hành chính công quốc gia Hungary. Đây là tổ chức giáo dục và nghiên cứu hàng đầu của Hungary và từng là cái nôi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo, nhà quân sự kiệt xuất của Hungary.
TS. Gergely Deli, Hiệu trưởng Đại học Hành chính công quốc gia Hungary cho biết cá nhân ông từng học tập tại Việt Nam, nghiên cứu về luật Việt Nam; Đại học Hành chính công Hungary cũng có mối quan hệ hợp tác rất tích cực với các trường đại học phía Việt Nam.
Phát biểu trước đông đảo các đại biểu chính giới, quân sự, ngoại giao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Hungary, các học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung đề cập, phân tích về những ấn tượng với đất nước, con người Hungary; tình hình thế giới hiện nay; con đường, mục tiêu và chính sách của Việt Nam; quan hệ đối tác toàn diện, tình hữu nghị Việt Nam-Hungary.
Chia sẻ những ấn tượng về đất nước, con người Hungary, Thủ tướng đánh giá cao truyền thống học thuật, những đóng góp quan trọng của Hungary đối với tri thức, khoa học, nghệ thuật thế giới, đồng thời cho rằng cách tư duy, tiếp cận, phương pháp luận giải quyết các vấn đề của người Hungary có sự khác biệt, bản sắc rất riêng.
Gần đây nhất, TS. Katalin Kariko, người Hungary là một trong những người đầu tiên phát minh ra mRNA - công nghệ đang được sử dụng trong việc điều chế các loại vaccine phòng, chống COVID-19 tân tiến nhất thế giới, đã được giải Nobel y học năm 2023 và cứu sống hàng triệu người trước đại dịch.
Khái quát về tình hình thế giới hiện nay, Thủ tướng cho rằng về tổng thể là hòa bình nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể là hòa hoãn nhưng cục bộ có xung đột; về tổng thể là ổn định nhưng cục bộ có căng thẳng.
Thế giới cũng đang nổi lên nhiều vấn đề lớn như già hóa dân số (bên cạnh đó, con người vẫn là yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển), biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Theo Thủ tướng, đây đều là những vấn đề toàn cầu, không quốc gia nào bình yên nếu quốc gia khác có vấn đề; đây cũng là những vấn đề mang tính toàn dân, như trong đại dịch COVID-19, không người dân nào an toàn nếu còn có người khác mắc bệnh.
Do đó, để giải quyết những vấn đề này cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế; đồng thời có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu, mọi chính sách phải hướng tới người dân, người dân tham gia xây dựng, thực hiện và thụ hưởng chính sách.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa còn thì dân tộc còn.
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng "4 không".
Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều đau thương, mất mát, thiệt hại nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận. Cho đến nay, trong thời bình, hằng ngày vẫn có thêm những người bị thương do bom đạn còn sót lại, nhiều người vẫn chịu nỗi đau do chất độc da cam…
Tuy vậy, Việt Nam đã "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai" để biến thù thành bạn, từ đối đầu thành đối thoại; từ chỗ bị bao vây cô lập đã trở thành hình mẫu về hàn gắn, vươn lên sau chiến tranh với quan hệ đối ngoại rộng mở, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.