Kiều bào - Nguồn lực quan trọng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Kiều bào với kiến thức chuyên môn sâu rộng, có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

Tham vọng vào nhóm quốc gia đi đầu về công nghiệp bán dẫn

“Việt Nam đang có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc bán dẫn. Đây là cơ hội cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại Tọa đàm “Kiều bào đóng góp ý kiến cho sự phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị “Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư”.

TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Ảnh: Doãn Mạnh

TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông. Ảnh: Doãn Mạnh

Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới với dân số trẻ, có tố chất về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), là lợi thế độc đáo cho ngành bán dẫn. Cả nước hiện có khoảng 500.000 kỹ sư các ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tự động hóa, trong đó có 300.000 kỹ sư phần mềm, thuộc top 10 quốc gia dẫn đầu về số lượng kỹ sư công nghệ thông tin tốt nghiệp hàng năm.

Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Dự thảo Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đặt mục tiêu khá tham vọng cho lộ trình 3 giai đoạn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Trong đó, giai đoạn 1 (2024-2030), Việt Nam trở thành một trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng đạt từ 10-15%, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.

Giai đoạn 2 (2030-2040), trở thành một trong các trung tâm về bán dẫn toàn cầu vào năm 2040.

Và giai đoạn 3 (2040-2050), trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu về công nghiệp bán dẫn vào năm 2050.

Nhiều giải pháp, nhiệm vụ sẽ được triển khai nhằm sớm hiện thực hóa những mục tiêu cao. Đáng chú ý là xây dựng các chính sách ưu đãi thuế đặc thù cho hoạt động bán dẫn tại Việt Nam, chẳng hạn: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn; ưu đãi thuế thu nhập cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn; tăng tỷ lệ chi phí được khấu trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) theo chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó đã đưa vào dự thảo luật nhiều quy định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho phát triển công nghiệp công bán dẫn”, ông Tuyên cho hay.

Bổ khuyết điểm yếu nhờ mạng lưới kiều bào

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, những điểm yếu về vốn và nhân lực trên hành trình đưa Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất chip tầm cỡ khu vực sẽ phần nào được bổ khuyết nhờ đầu tư về chất xám và nguồn lực tín dụng từ 6 triệu kiều bào người Việt khắp nơi trên thế giới.

Silicon Valley (Mỹ) có khoảng 50.000 người Việt làm trong lĩnh vực công nghệ, trong đó một số lượng đáng kể làm về vi mạch bán dẫn.

Tại nhiều công ty trên thế giới, người Việt tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất bán dẫn, từ nghiên cứu thiết kế chip, nghiên cứu vật liệu bán dẫn, đến kiểm thử, đóng gói vi mạch bán dẫn.

Vài năm gần đây, nhiều kỹ sư Việt Nam đã từ nước ngoài trở về làm việc cho các công ty FDI trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam và cả cho công ty bán dẫn của Việt Nam.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Bình Minh

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Bình Minh

“Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chip, bán dẫn, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, kết nối mời gọi đầu tư vào ngành bán dẫn ở Việt Nam. Kiều bào Việt Nam, với kiến thức chuyên môn sâu rộng, có kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam”, ông Tuyên nhận định, đồng thời nêu 4 mảng chính cần sự chung tay góp sức của kiều bào.

Thứ nhất: Nghiên cứu, thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dùng.

Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu người, có quy mô thị trường tương đối lớn, đang phát triển thành một trung tâm công nghiệp điện tử toàn cầu. Dự kiến thiết bị điện tử công nghiệp, chuyên dụng và IoT (Internet kết nối vạn vật)… sẽ có quy mô thị trường lớn hơn thiết bị điện tử dân dụng rất nhiều.

Nhu cầu ứng dụng chip bán dẫn vào các ngành, lĩnh vực (như công nghệ thông tin thế hệ mới, công nghệ số; robot và máy công cụ điều khiển kỹ thuật số; công nghiệp ô tô tự hành; máy nông nghiệp; y tế, dược; quốc phòng, an ninh…) sẽ ngày càng cao.

Kiều bào là một trong những nguồn lực đóng góp cho hoạt động nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm bán dẫn chuyên dùng của Việt Nam.

Thứ hai: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng nhân tài công nghiệp bán dẫn.

Kiều bào với lợi thế về chuyên môn, công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ xây dựng các phòng thí nghiệm bán dẫn trọng điểm, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao để hiện thực hóa mục tiêu quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân đến năm 2030.

Thứ ba là thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Kiều bào là cầu nối, giúp các tập đoàn đa quốc gia tìm hiểu và đầu tư vào Việt Nam.

Kiều bào làm việc tại các công ty công nghệ lớn trên thế giới góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư. Sự thành công của kiều bào trong lĩnh vực bán dẫn sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút thêm nhiều nhân tài về nước.

“Việt Nam tạo mọi điều kiện về hạ tầng, đất, điện, nước, viễn thông, chính sách thuế, nhân lực, sở hữu trí tuệ... để tạo điểm đến thuận lợi cho các doanh nghiệp bán dẫn, kiều bào đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030”, ông Tuyên lưu ý.

Thứ tư: Hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao.

Đây là nhiệm vụ chiến lược giúp kỹ sư Việt Nam biết cách làm chip bán dẫn, tiếp cận được công nghệ quản lý, vận hành sản xuất tiên tiến, phát triển hệ sinh thái, tạo nền tảng để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp chip nội địa trong tương lai, bảo đảm chủ động sản xuất bán dẫn cho quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống.

Kiều bào có lợi thế về kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực sẽ hỗ trợ Việt Nam tìm đối tác tin cậy, chuyển giao công nghệ, tiếp cận các công nghệ sản xuất chip tiên tiến, rút ngắn khoảng cách công nghệ so với các nước phát triển.

“Bộ Thông tin và Truyền thông kỳ vọng với sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, cùng với tri thức, lòng yêu nước, nhiệt huyết đóng góp cho đất nước của kiều bào, công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ, Việt Nam sớm trở thành một trong các trung tâm bán dẫn quan trọng trên thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Tuyên bày tỏ.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/kieu-bao-nguon-luc-quan-trong-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-viet-nam-2315055.html