Kiều bào sẵn sàng cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm cho sự phát triển của Việt Nam

Chia sẻ tâm tư, nguyện vọng khi về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 tại Hà Nội, sáng 22/8, nhiều kiều bào đánh giá cao việc đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam; đồng thời khẳng định sẵn sàng về phục vụ cho quê hương, đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Anh Phương Eric, một kiều bào đang làm việc tại một công ty lớn nhất thế giới về quản trị doanh nghiệp có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức cho biết anh sống xa quê và đã đạt được những thành công nhất định. Nhiều năm qua anh luôn theo dõi sự phát triển của Việt Nam. Theo anh Phương Eric, những năm gần đây, Việt Nam tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là hướng đi vô cùng đúng đắn, hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đã và đang xây dựng nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn công nghệ, trong đó có ngành bán dẫn điện tử, chíp... Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao, được áp dụng các ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam bảo đảm cơ sở hạ tầng bao gồm giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, hạ tầng liên quan đến phục vụ sản xuất trong các ngành này như điện… đều được đầu tư đồng bộ. Gần đây nhất, Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới phát triển năng lượng bền vững.

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ phù hợp với ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, có các cơ quan có năng lực đào tạo, nghiên cứu, các trường đại học uy tín.

Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đã liên hệ với nhiều chuyên gia ở nước ngoài để cùng nghiên cứu phương án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Theo anh Eric Nguyễn, trong đội ngũ kiều bào, nhiều người có vai trò rất quan trọng trong những công ty hàng đầu thế giới hoạt động trong lĩnh vực này. Làm sao để kết nối, kêu gọi và hợp tác với những kiều bào có kinh nghiệm, trình độ trong lĩnh vực bán dẫn là việc rất cần thiết. Tuy nhiên, tại vẫn chỉ dừng lại ở việc kêu gọi nhiều hơn và Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút sức mạnh của đội ngũ này.

Anh Phương Eric cho biết đã đọc kỹ đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam và cho rằng đây là một chiến lược tốt, hoàn khả thi nhưng cần xây dựng những kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn. Đầu tiên là việc kết nối các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực này cần phải hiệu quả hơn nữa để có được tiếng nói chung và cùng nhau có một cái nhìn tổng quát.

Bên cạnh đó, anh Phương Eric cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, bảo đảm cung cấp 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn đến năm 2030 là mục tiêu rất tốt nhưng vẫn hơi tham vọng và lạc quan hóa trong công tác phát triển nguồn nhân lực so với điều kiện thực tế. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các bên liên quan.

Theo ước tính, trong tổng số gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người, gồm hai bộ phận là trí thức từ trong nước ra nước ngoài học tập, làm việc và con em các thế hệ của người Việt ở sở tại. Trong hầu hết các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, khoa học hiện đại, từ lĩnh vực điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương…, đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu, làm việc.

Mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển ở Việt Nam, tuy nhiên các kiều bào đề nghị Chính phủ Việt Nam cung cấp thêm nhiều thông tin về những chính sách hỗ trợ dành cho đội ngũ trí thức ở nước ngoài. Theo anh Eric Nguyễn, mỗi người Việt Nam khi đã khẳng định được năng lực và chỗ đứng của mình trên trường quốc tế đều có những mối quan hệ thân thiết với những chuyên gia hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực.

Vì vậy, việc Chính phủ Việt Nam cung cấp đầy đủ và chi tiết các chính sách, thủ tục là điều kiện thuận lợi để các kiều bào kêu gọi, vận động với các chuyên gia trong việc hợp tác và đầu tư về Việt Nam

Nhiều kiều bào luôn hướng về quê hương, tuy nhiên để mở một công ty ở Việt Nam phải trải qua rất nhiều điều kiện trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ mất 15 ngày để hoàn thành thủ tục. Theo anh Nguyễn đó cũng là một trong những trở lại lớn để thu hút kiều bào về cống hiến. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều kiều bào thành công trên con đường học tập và làm việc ở nước ngoài, muốn nhập lại quốc tịch Việt Nam nhưng còn gặp không ít rào cản về mặt thủ tục hành chính

Nhiều ý kiến của các kiều bào cho biết, những trí thức gốc Việt sau khi khẳng định được trình độ và chỗ đứng của mình tại các công ty hàng đầu thế giới đều có nhiều mối quan hệ rất tốt đẹp với các chuyên gia giỏi ở nhiều lĩnh vực. Việc Chính phủ cung cấp nhiều hơn những thông tin về cơ chế, chính sách cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để kiều bào kêu gọi những chuyên gia, nhà đầu tư hợp tác với Việt Nam.

Anh Nguyễn Đức Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty ANSCENTER có trụ sở tại hành phố Sydney của Australia đánh giá cao Việt Nam đang chú trọng phát triển nghiên cứu cơ bản trong thời gian qua, vì đây là nền móng vững chắc cho việc phát triển sau này. Theo anh Nghĩa, Chính phủ đang tập trung nhiều nguồn lực cho phát triển bán dẫn là hướng đi đúng đắn. Thực tế cho thấy, Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh việc kết nối các chuyên gia trong nước với nước ngoài trong, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất để phát triển trung tâm công nghệ cao trở thành cái nôi thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn cũng là một sự chuẩn bị đầy đủ cho sự phát bền vững trong tương lai.

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Nghĩa phân tích, Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, việc tiếp nhận và phát triển khoa học công nghệ chắc chắn sẽ thuận lợi khi tập hợp được nguồn nhân lực dồi dào. Việc tập trung phát triển công nghệ cũng được coi là chính sách đúng đắn của Chính phủ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Nếu có những cơ chế thu hút hấp hẫn, anh Nguyễn Đức Nghĩa khẳng định sẽ có rất nhiều kiều bào đang thành công tại nhiều nước trên thế giới sẵn sàng về nước cống hiến trí tuệ, kinh nghiệm của mình cho sự phát triển của Việt Nam…

Diệp - Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/kieu-bao-san-sang-cong-hien-tri-tue-kinh-nghiem-cho-su-phat-trien-cua-viet-nam-20240822111657757.htm