Kiểu chào Namaste của Ấn Độ 'lên ngôi' trong đại dịch
Khi người dân trên khắp thế giới đang trở lại cuộc sống bình thường sau nhiều tháng bị 'giam cầm' thì các ca nhiễm và tử vong do virus Corona vẫn tiếp tục tăng lên, khiến việc đeo khẩu trang, tránh bắt tay và ôm trở thành một phần của tiêu chuẩn xã hội mới để tránh lây nhiễm virus.
Ngày 21/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chào đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Pháo đài De Brégançon bằng cách cúi gập người và chắp tay, đây là một kiểu chào của người Ấn Độ được gọi là Namaste.
Đáp lại cử chỉ này, Thủ tướng Merkel cũng đã chào ông Macron và phu nhân Brigitte bằng kiểu chào Namaste.
Cư dân mạng tin rằng, Namaste là cách an toàn và hợp vệ sinh nhất để chào nhau trong đại dịch Covid-19.
Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại dinh thự mùa hè của Tổng thống Pháp, Fort de Brégançon, miền Nam nước Pháp. Các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về đại dịch Covid-19, tình trạng bất ổn sau bầu cử ở Belarus và căng thẳng gia tăng với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc gặp.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một số nhà lãnh đạo thế giới đã sử dụng kiểu chào truyền thống của Ấn Độ khi phải tránh bắt tay do lây lan virus.
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood Qureshi trong chuyến thăm Trung Quốc cũng được chào đón bằng Namaste.
Các nhà lãnh đạo thế giới khác đã áp dụng cách chào của Ấn Độ là Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thái tử Charles của Vương quốc Anh và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Ông Netanyahu thậm chí còn kêu gọi người Israel áp dụng cách chào của người Ấn Độ để giảm thiểu sự lây lan của virus.
Thủ tướng Israel nói: "Chỉ cần tránh bắt tay như tôi làm. Bạn có thể thử áp dụng kiểu chào Namaste của Ấn Độ hoặc bất kỳ cách nào khác để không phải bắt tay".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thậm chí còn đề cập đến việc quảng bá Namaste trên toàn cầu trong bài phát biểu của ông tại Tuần lễ Toàn cầu Ấn Độ năm 2020. Virus Corona lây lan từ các giọt bắn nước bọt khi có tiếp xúc gần dưới 2 m, nó có thể lây lan nhanh hơn nữa khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
Theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins, Mỹ, hiện nay, trên toàn cầu, số ca nhiễm Covid-19 đã lên tới trên 22,5 triệu người, với gần 800 nghìn ca tử vong.
Brazil và Ấn Độ vẫn là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.