Kiều hối bước vào 'mùa cao điểm' Tết
Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2024 đạt kỷ lục 16 tỷ USD, và tiếp tục tăng cao trong thời gian sát Tết Nguyên đán khi một lượng lớn kiều bào, người lao động ở nước ngoài và khách du lịch quốc tế về nước đón Tết sẽ mang theo một dòng kiều hối rất đa dạng từ hình thức chuyển ngoại tệ đến đổi tiền mặt...
Các công ty kiều hối cho biết, 2 tuần liền trước Tết là giai đoạn lượng kiều hối chuyển về trong nước vào mùa cao điểm, với doanh số được dự báo sẽ tăng ít nhất 30 - 40% so với các tháng trong năm.
Dấu hiệu tích cực của kiều hối
Hiện nay, kiều hối chuyển về trong nước từ 2 nguồn chính: nguồn tiền của kiều bào gửi về hỗ trợ thân nhân trong nước và nguồn tiền của người Việt Nam ra nước ngoài lao động.
Đặc biệt, trong năm qua, dòng kiều hối từ các khu vực châu Á, châu Đại Dương, châu Mỹ đều tăng. Chẳng hạn, tại TP Hồ Chí Minh, kiều hối từ châu Á tăng tới tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, năm 2024 cũng ghi nhận một số thị trường mới như dòng kiều hối chuyển về từ châu Phi.
Tại Công ty Kiều hối Sacombank-SBR, lượng kiều hối từ châu Phi chiếm tỷ trọng khoảng 5% trong tổng số xấp xỉ 4 tỷ USD kiều hối chuyển về. Con số này dù chưa cao nhưng được đánh giá là thị trường tiềm năng.
Theo tính toán của công ty kiều hối Vietcombank, năm 2024, công ty có doanh số kinh doanh kiều hối khoảng 1,9 tỷ USD. Công ty kiều hối Sacombank cho biết lượng kiều hối thực nhận và chi trả trong năm qua chiếm khoảng 10% tổng lượng kiều hối chuyển về nước, công ty này cũng đã tạo ra nhiều hình thức chi trả kiều hối giúp người nhận thuận tiện và còn tặng quà người nhận để thu hút chuyển tiền kiều hối...
Các công ty kiều hối và ngân hàng cho hay, năm qua, giá USD trong nước biến động liên tục, tăng hơn 5%, có lúc lên 7%. Với mức lãi suất huy động USD của các ngân hàng hiện nay ở mức 0%, chênh lệch giữa giá mua USD trong và ngoài hệ thống ngân hàng không lớn dẫn đến người dân nhận kiều hối thường có nhu cầu bán lại cho các đơn vị kiều hối, chuyển đổi sang tiền đồng để gửi tiết kiệm. Điều này hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng cao do nhu cầu của kiều bào, người Việt Nam lao động ở nước ngoài gửi tiền về nước. Do đó, các ngân hàng đang đưa ra nhiều chương trình khuyến mại để thu hút dòng kiều hối này.
Bà Nguyễn Thị Oanh (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết, gia đình có 3 người con đang đi xuất khẩu lao động. Con gái bà lao động tại Ba Lan 5 năm nay, con trai và con dâu hiện đang lao động ở Hàn Quốc. Mỗi năm có vài dịp các con gửi tiền về phụng dưỡng mẹ. “Một phần nhỏ, tôi chi tiêu hàng ngày, còn lại gửi ngân hàng. Với dịch vụ chuyển, nhận tiền tại ngân hàng đơn giản, nhanh và tiện lợi, nên tôi không gặp khó khăn khi thực hiện giao dịch”, bà Oanh cho hay.
Một số công ty kiều hối thông tin, vào những ngày cao điểm, giáp Tết, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về cho thân nhân trong nước. Vì vậy, nhu cầu chi trả kiều hối tại nhà tăng mạnh. Điển hình tại Công ty kiều hối Vietcombank ngày thường chỉ có khoảng 30 - 40 giao dịch, nhưng giáp Tết có thể lên đến 60 - 70 giao dịch, thậm chí có ngày lên tới hơn 100 giao dịch.
Duy trì đà tăng từ 6-8%
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, dự báo năm 2024, kiều hối chảy về Việt Nam ước đạt khoảng 16 tỷ USD, tương đương năm 2023, thời điểm kiều hối về Việt Nam cao kỷ lục sau thời gian tăng trưởng chậm do Covid-19.
TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương “hút” lượng kiều hối lớn nhất, chiếm tỷ trọng 55 - 60% kiều hối chuyển về của cả nước và là "nguồn lực vàng" đóng vào tăng trưởng chung. Trong năm 2024, lượng kiều hối chuyển về thành phố dự báo đạt mức cao kỷ lục, khoảng 9,6 tỷ USD, tăng 140 triệu USD so với năm trước và cao gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn thành phố năm vừa qua, hơn 74% được thực hiện thông qua các công ty kiều hối, trong khi các tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 26%.
Lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng kỳ vọng, với Đề án Huy động và Phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối đã được thông qua, dòng kiều hối về thành phố sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng từ 6 - 8% trong những năm tiếp theo.
Theo Công ty kiều hối Vietcombank, tổng lượng kiều hối luân chuyển ở 10 quốc gia khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương năm 2025 dự báo khoảng 137 tỷ USD, thị trường sẽ đi ngang không tăng nhiều so với năm 2024. Việt Nam là một trong 10 quốc gia nằm trong số đó nhưng ở chiều nhận kiều hối nên mỗi công ty kiều hối và các tổ chức kinh tế thực hiện nhận và chi trả kiều hối sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút kiều hối.
Ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc Công ty kiều hối Vietcombank cho biết, để đón dòng kiều hối về nước, công ty đầu tư công nghệ nâng cao chuẩn chất lượng phục vụ người nhận kiều hối. Đồng thời, tăng cường mở rộng mạng lưới chi trả trong nước và hợp tác với các đối tác toàn cầu để đa dạng hóa sản phẩm kênh chuyển tiền và chi trả kiều hối.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/kieu-hoi-buoc-vao-mua-cao-diem-tet-1104678.html