Kiều hối tiếp tục tăng mạnh

Kinh tế toàn cầu khó khăn, song dòng kiều hối về Việt Nam vẫn duy trì vị trí trong nhóm 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.

Kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2023 đạt 14 tỷ USD. Ảnh: Đức Thanh

Kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2023 đạt 14 tỷ USD. Ảnh: Đức Thanh

Tăng trưởng mạnh

Công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBR) cho hay, đến cuối năm 2023, lượng kiều hối qua Sacombank - SBR tăng gần 98% so với năm trước đó.

Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối đổ về Việt Nam trong những ngày cuối năm 2023 tăng mạnh và tiếp tục tăng cao trong thời gian sát Tết Nguyên đán, khi kiều bào gửi tiền cho người thân ở Việt Nam chi tiêu trong dịp lễ lớn nhất trong năm này.

Với riêng TP.HCM, địa bàn nhận lượng kiều hối lớn nhất nước, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM trong năm qua đạt mức tăng trưởng rất cao, với 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm.

“Nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của Thành phố”, ông Lệnh cho hay.

Cũng theo ông Lệnh, nguồn kiều hối chuyển về Thành phố trong năm 2023 gắn liền với xu hướng tăng trưởng lao động và làm việc ở nước ngoài.

Trong suốt 5 năm trở lại đây, nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM luôn trong xu hướng tăng trưởng qua từng năm và chiếm tỷ trọng cao so với cả nước. Cụ thể, năm 2018, kiều hối chuyển về Thành phố chiếm 44,1% so với cả nước; năm 2019, tỷ lệ này là 48%; năm 2020 là 53,8%; năm 2021 chiếm 52,8%; năm 2022 chiếm tới 55,03%.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan nhận định, xu hướng tăng trưởng tích cực của lượng kiều hối sẽ góp phần ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP.HCM.

Theo Báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện, Việt Nam tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới trong năm 2022.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài thông tin, trong 30 năm qua, Việt Nam thu hút lượng kiều hối hơn 190 tỷ USD, gần bằng vốn FDI đã giải ngân ngân trong cùng kỳ. Năm 2022, lượng kiều hối đạt 19 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021, đưa Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Tại Báo cáo Điểm lại tháng 8/2023, WB dự báo, kiều hối gửi về Việt Nam năm 2023 đạt 14 tỷ USD và tăng lên 14,4 tỷ USD trong năm nay.

Nguồn lực quan trọng

Kiều hối luôn được đánh giá là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần bảo đảm quan hệ cung - cầu ngoại tệ và hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Trong 10 năm trở lại đây, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, kiều được xem là một điểm sáng của Việt Nam.

Nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP.HCM năm 2023, thì lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của Thành phố.

Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, Mỹ là quốc gia dẫn đầu do có số lượng người Việt nhập cư và sinh sống nhiều nhất. Tiếp đó là Anh, Australia, Canada.

Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

WB đánh giá, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam năm sau thường cao hơn năm trước. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam.

Lý giải việc thu hút kiều hối tăng cao, ông Nguyễn Đức Lệnh cũng cho biết, sau đại dịch Covid-19, các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, đều gặp khó khăn, các ngành nghề chịu sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế, một số nước đã bắt đầu tháo gỡ các biện pháp thắt chặt về xuất nhập cảnh, y tế. Điều này giúp lượng người Việt xuất khẩu lao động tăng hơn, nhờ vậy, lượng tiền gửi về nước từ đối tượng này cũng tăng.

Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh cũng như muốn chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân. Đó là thủ tục liên quan đến kiều bào, kiều hối ngày càng thông thoáng; có những phản hồi, hỗ trợ kiều bào ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước.

Đặc biệt, với việc Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, cho phép Việt kiều có giữ quốc tịch Việt Nam được đầu tư, kinh doanh bất động sản như công dân trong nước là điều kiện tích cực để lượng kiều hối gửi về nước tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính nhận định, kinh tế toàn cầu khó khăn, nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2023 vẫn ở mức 14 tỷ USD là rất cao. Theo ông Thịnh, đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Vốn đầu tư phát triển từ kiều hối tuy không lớn, nhưng lại là một nguồn lực quan trọng mà Việt Nam đón nhận mỗi năm, cùng đóng góp xây dựng phát triển đất nước. Cùng với dòng vốn FDI, lượng kiều hối gửi về đã góp phần quan trọng giúp tăng dòng ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ đó, có thêm nguồn lực để duy trì chính sách tỷ giá hối đoái ổn định và hỗ trợ dự trữ ngoại hối.

Thùy Vinh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kieu-hoi-tiep-tuc-tang-manh-d208055.html