Kiểu tính cách của người dễ ngoại tình

Thay vì cảm thông, những người ái kỷ cho rằng họ cần được đối xử đặc biệt và liên tục lợi dụng người khác để thỏa mãn ham muốn. Đây cũng là lý do nhóm người này dễ ngoại tình.

Trong một cuộc thăm dò của Gallup năm 2017, chỉ 9% người Mỹ chấp nhận về mặt đạo đức sự không chung thủy. Điều đó có nghĩa đa số chúng ta rất ghét sự phản bội, càng không chấp nhận được điều đó xảy ra với mình.

Tại sao người ta có thể bất chấp tất cả mà từ bỏ mối quan hệ đang ổn định để tiến tới một người xa lạ? Thậm chí là hẹn hò nhiều người một lúc?

Theo Insider, thực sự có một đặc điểm trong tính cách khiến ai đó trở thành người dễ ngoại tình nhất. Trong tâm lý học, lòng tự ái, nét tính cách tự yêu bản thân thường đi liền với xu hướng lừa dối người khác.

Nhận dạng người có xu hướng và mong muốn phản bội cao

Narcissism hay tự yêu bản thân không chỉ đơn thuần là thích ngắm mình trong gương. Theo Hiệp hội Tâm lý Mỹ, người tự yêu bản thân thường tin họ cần được đối xử đặc biệt và liên tục lợi dụng người khác để thỏa mãn ham muốn của họ.

Người tự ái kỷ cảm thấy các quy tắc bình thường không nên áp dụng cho họ. Và những gì họ muốn cần phải được đặt lên trên tất cả. Họ cũng tự ý thích bản thân mình phải ở trên mức trung bình, từ sức hấp dẫn, khả năng tình dục tới trí tuệ.

Theo các chuyên gia, người ái kỷ có đủ các đặc điểm khiến họ ngoại tình nhiều hơn.

Bác sĩ tâm lý học lâm sàng Jacqui Manning ở Sydney, Australia, nói: “Những người luôn nghĩ về hạnh phúc của bản thân và coi trọng ham muốn của mình thực sự rất dễ phản bội hàng loạt. Họ luôn tin nhu cầu của bản thân là điều quan trọng nhất cần phải được đáp ứng".

Thêm một luận chứng cho quan điểm này nghiên cứu năm 2014 xem xét mối quan hệ giữa sự không chung thủy và "lòng tự ái tình dục". Đây là thuật ngữ chỉ người nào đó luôn tự tin về khả năng giường chiếu và chỉ coi trọng cảm xúc của bản thân khi đang "ân ái".

Sau khi theo dõi 135 cặp vợ chồng mới cưới trong khoảng 4 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện những cặp vợ chồng có biểu hiện tự ái về tình dục có xu hướng phản bội đối phương nhiều hơn. Khi họ tự ái, họ không muốn hy sinh hạnh phúc của mình cho người khác. Điều đó đồng nghĩa họ sẵn sàng lừa đối tác để tìm kiếm cảm giác mới lạ mà họ cho là xứng đáng được hưởng.

 Người mắc chứng ái kỷ thường chỉ quan tâm tới bản thân và có xu hướng tự bào chữa cho tội lỗi mình gây ra. Ảnh: Freepik.

Người mắc chứng ái kỷ thường chỉ quan tâm tới bản thân và có xu hướng tự bào chữa cho tội lỗi mình gây ra. Ảnh: Freepik.

Không ràng buộc về mặt đạo đức

Theo nhà phân tích hành vi Carmen McGuinness, những người tự yêu bản thân luôn có ham muốn tình dục cao, nhưng họ cũng sẵn sàng ngủ với bất kỳ ai mà không cần có sự ràng buộc về tình cảm. Vị chuyên gia giải thích người ái kỷ cũng có xu hướng giao tiếp kém và gặp khó khăn khi đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống.

Không thể thảo luận và đưa ra cách giải quyết khiến tình trạng mối quan hệ của họ gặp nhiều áp lực. Tương tự, nếu ai đó có xu hướng tách biệt cảm xúc, hạn chế gần gũi thể xác với đối phương, nhiều khả năng họ đang có mối quan hệ bên ngoài.

Ngoài ra, những người ái kỷ cũng rất dễ buồn chán, khả năng chịu đựng sự buồn chán rất thấp. Để giải quyết vấn đề này, họ tìm đến sự cân bằng về tình dục. Đây cũng là con đường ngắn nhất khiến đa số họ chọn phản bội, ngoại tình thay vì cùng đối phương san sẻ, giải quyết vấn đề.

Đặc biệt, y văn thế giới đã công nhận chứng bệnh liên quan đến ái kỷ đó là rối loạn nhân cách tự luyến. Căn bệnh này khiến người mắc cảm thấy ổn khi ngoại tình.

Các dấu hiệu của rối loạn nhân cách tự luyến gồm thiếu đồng cảm, yêu bản thân quá mức, luôn muốn được ngưỡng mộ, thích trở thành trung tâm, lôi kéo, đòi hỏi sự chú ý từ xung quanh. Đặc biệt, người mắc bệnh này rất muốn kiểm soát tất cả.

 Nghiên cứu cho thấy đa số người bị bệnh rối loạn nhân cách tự luyến có xu hướng ngoại tình rất cao. Ảnh: Freepik.

Nghiên cứu cho thấy đa số người bị bệnh rối loạn nhân cách tự luyến có xu hướng ngoại tình rất cao. Ảnh: Freepik.

Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa mọi kẻ phản bội, ngoại tình đều là vì mắc chứng rối loạn nhân cách tự luyến. Tuy vậy, theo giáo sư, tiến sĩ Susan Krauss Whitbourne, chuyên gia tâm lý và não bộ tại Đại học Massachusetts Amherst, Mỹ, nhiều bằng chứng cho thấy những người mắc rối loạn nhân cách tự luyến có tỷ lệ phản bội cao hơn.

Psychology Today dẫn lời vị chuyên gia: "Không phải ai ngoại tình cũng yêu bản thân, nhưng người có các đặc điểm tính cách như vậy có rủi ro cao hơn".

Với người ái kỷ, chỉ sống chung thủy không phải là thứ giúp duy trì mối quan hệ. Họ cần được ngưỡng mộ, được coi trọng. Vì thế, họ rất dễ nảy sinh ham muốn với người khác nếu cảm thấy mối quan hệ hiện tại không đủ đáp ứng. Và tính cách tự yêu bản thân cho phép họ tự xóa bỏ cảm giác tội lỗi đã gây ra cho người bạn đời.

Mối quan hệ với người ái kỷ thậm chí còn tác động xấu tới tâm lý của nạn nhân bị phản bội. Tiến sĩ Whitbourne nói: “Khi một đối tác không chung thủy với bạn, điều đó có thể làm tổn hại đến sức khỏe tinh thần cũng như sức khỏe mối quan hệ của bạn".

Ngoài ra, theo ông McGuinness, sự không chung thủy và yêu bản thân quá mức còn có mối tương quan chặt chẽ với chứng thái nhân cách. Đây là tình trạng một cá nhân nào đó không thể cảm thông cho người khác.

Thống kê cho thấy 95% kẻ thái nhân cách sẽ ngoại tình. Sự coi thường các lợi ích xã hội cũng như quyền và cảm xúc của người khác, không bao giờ cảm thấy hối hận hoặc tội lỗi là một số đặc điểm khiến những kẻ thái nhân cách dễ phản bội bạn đời.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kieu-tinh-cach-cua-nguoi-de-ngoai-tinh-post1348854.html