'Kim bài miễn tử' của Facebook và Google bị đem ra tranh luận
Tòa án Tối cao Mỹ bắt đầu phiên tranh luận với tâm điểm là Điều 230, thứ từ lâu đã là 'tấm khiên' vững chắc cho các nền tảng mạng xã hội.
Theo Time, “kim bài miễn tử” cho các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube sẽ được đưa ra tranh luận trước Tòa án Tối cao Mỹ.
Cụ thể, hôm 21/2 (theo giờ Mỹ), Tòa án Tối cao Mỹ bắt đầu phiên tranh luận giữa gia đình Gonzalez - người thiệt mạng trong một cuộc tấn công của IS ở Paris năm 2015 và Google. Ngay sau đó sẽ là một vụ kiện khác có tên Twitter v. Taamneh liên quan đến cuộc tấn công của IS ở Istanbul năm 2017.
Cả hai vụ kiện đều có một điểm chung là nhắm vào điều khoản pháp lý của Mỹ có tên Điều 230 trong đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (hay Communications Decency Act), từ lâu đã là “tấm khiên” vững chắc cho các nền tảng mạng xã hội.
Hai vụ kiện có thể định hình lại Internet
Gia đình của Nohemi Gonzalez cho rằng nếu không có Twitter, Facebook và YouTube, tổ chức ISIS (Nhà nước Hồi Giáo) trong những năm gần đây sẽ không thể tăng trưởng mạnh như vậy.
IS đã sử dụng mạng xã hội như phương tiện để tuyên truyền sự quá khích bằng việc ăn mừng hành quyết công khai, kêu gọi ủng hộ cũng như kết nạp thành viên mới.
Ngoài ra ông Reynaldo Gonzalez, cha của Nohemi khẳng định, những công ty này còn thu lợi từ việc đăng quảng cáo trên các bài viết của IS.
Cáo buộc cho rằng thuật toán của YouTube để mặc cho ISIS đăng video và tuyển dụng thành viên. Do đó, nền tảng này phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với vụ tấn công Paris năm 2015 khiến 130 người thiệt mạng.
Trong khi đó, vụ kiện có tên Twitter v. Taamneh đưa ra vấn đề tranh luận rằng các nền tảng mạng xã hội liệu có hỗ trợ hoặc tiếp tay cho các hành động khủng bố cụ thể hay không.
Cụ thể, gia đình của Nawras Alassaf, người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của IS ở Istanbul năm 2017 khởi kiện Twitter vi phạm luật chống khủng bố bằng cách cố tình hỗ trợ IS.
Phía gia đình nạn nhân cho rằng nền tảng mạng xã hội này đã cho phép hiển thị một số nội dung của các nhóm khủng bố thay vì hạn chế như chính sách của Twitter.
Cả Twitter, Facebook và YouTube đều viện dẫn Điều 230 để miễn trừ trách nhiệm khỏi vụ kiện. Nếu Điều 230 bị loại bỏ hoặc diễn giải lại bởi Tòa án Tối cao Mỹ trong hai vụ kiện trên, các công ty mạng xã hội có thể phải chịu trách nhiệm về các nội dung trên nền tảng.
"Tấm khiên" của Big Tech
Điều 230 được thông qua năm 1996 trong đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (hay Communications Decency Act) từ lâu đã gây tranh cãi khi được cho là “kim bài miễn tử” của các nền tảng mạng xã hội khỏi trách nhiệm pháp lý.
Điều luật này nói rằng các nền tảng không thể bị kiện về nội dung có hại do người dùng đăng tải, với điều kiện họ gỡ bỏ nội dung có hại hoặc bất hợp pháp, chẳng hạn như nội dung khiêu dâm hoặc bán vũ khí, khi phát hiện ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng 26 từ trong Điều 230 là mấu chốt để các công ty như Facebook, Twitter và Google lớn mạnh thành những gã khổng lồ như ngày nay.
AP đưa ra lập luận việc tìm kiếm việc làm và nhà hàng trên Yelp, Reddit, Microsoft, Craigslist, Twitter và Facebook có thể bị hạn chế nếu các nền tảng này vẫn còn nỗi lo bị kiện về những gì người dùng đăng. Chính Điều 230 đã giúp các nền tảng mạng xã hội thoát khỏi rủi ro pháp lý này.
"Nếu không có Điều 230, tất cả phương tiện truyền thông trực tuyến sẽ phải đối mặt với sự tấn công dữ dội từ những vụ kiện và các chiến dịch gây áp lực từ người có quyền lực đang tìm cách bịt miệng họ", Thượng nghị sĩ Ron Wyden - một trong những người xây dựng luật này cho biết.
Vào thời điểm đó, các nhà lập pháp hy vọng Điều 230 sẽ khuyến khích các công ty internet chặn nội dung có hại như hình ảnh khiêu dâm của trẻ em.
Tuy nhiên, theo thời gian, các nhà lập pháp lo ngại rằng luật miễn trừ này đã giúp lan truyền việc quảng bá nội dung độc hại đến những nhóm người dùng dễ bị tổn thương như trẻ em.
Trong khi đó, đảng Dân chủ lập luận quyền miễn trừ khiến các công ty bỏ qua thông tin sai lệch và nguy hiểm đang tràn lan trên Internet.
Ở phía ngược lại, đảng Cộng hòa lo ngại Điều 230 cho phép các công ty công nghệ có khuynh hướng tự do ngăn chặn những quan điểm bảo thủ.
Các nhóm ủng hộ nguyên đơn, bao gồm những người theo trường phái tự do ngôn luận bảo thủ, tin rằng vụ kiện là cơ hội lớn để khắc phục sự mất cân bằng, vốn đã mang lại cho các nền tảng trực tuyến quyền lực và ảnh hưởng không lành mạnh.
"20 năm sau, chúng ta thức dậy và Internet không còn tốt đẹp nữa. Có lẽ đã đến lúc bắt đầu nghĩ về cách làm cho Internet trở thành một nơi văn minh hơn”, Hany Farid, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California nói.
Việc điều chỉnh Điều 230 đã được nhiều đời Tổng thống Mỹ cân nhắc. Thậm chí cựu Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi bãi bỏ Điều 230, khiến Bộ Tư pháp Mỹ năm 2020 phải công bố các đề xuất sửa đổi.
Đầu tháng 1, Tổng thống Biden đã yêu cầu một luật lưỡng đảng buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm.
“Ngành công nghệ của Mỹ là nơi có sự tiến bộ nhất trên thế giới. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều người Mỹ, tôi lo ngại về cách một số người trong ngành thu thập, chia sẻ và khai thác dữ liệu cá nhân của chúng ta. Điều này vi phạm quyền công dân của phụ nữ và người thiểu số, thậm chí còn khiến con cái chúng ta gặp nguy hiểm”, ông Biden viết.
Nhiều học giả pháp lý tin rằng thẩm phán tối cao Clarence Thomas nhiều khả năng sẽ dẫn đầu việc thúc đẩy xem xét lại vụ án Gonzalez. Trước đó, ông Thomas đã đề xuất trong tuyên bố và ý kiến của tòa án rằng cách giải thích hiện tại của tòa án liên bang về Điều 230 có thể quá rộng.
Sau các phiên tranh luận, phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.