'Kim chỉ nam' cho tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ở Quảng Ngãi đã tích cực vào cuộc, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở quê hương núi Ấn, sông Trà...

Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi luôn xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị.

Bà Đinh Thị Hồng Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW đã góp phần tích cực trong việc mở rộng, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhất là những vùng nghèo, vùng khó khăn… Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn đã tích cực vào cuộc, phát huy tốt vai trò trách nhiệm, quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ cơ sở vật chất, nguồn vốn nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản để triển khai kịp thời có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh và đến tận hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn.

Mô hình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi bò ở huyện Ba Tơ.

Mô hình vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi bò ở huyện Ba Tơ.

Trên cơ sở đó, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy và Ủy ban nhân dân cùng cấp đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền cấp xã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW với trọng tâm tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng tín dụng tại xã, bổ sung thêm nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong đó, hằng năm bố trí ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh Quảng Ngãi để cho vay các đối tượng chính sách ở địa phương. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện đã dành một phần ngân sách để chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội; việc bố trí, huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách xã hội trong quyết định đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại thời điểm 31/12/2014 (khi chưa có Chỉ thị số 40-CT/TW) là 53,093 tỷ đồng; đến ngày 30/6/2024, nguồn vốn nhận ủy thác đạt 464,4 tỷ đồng, tăng hơn 411,4 tỷ đồng (tăng 774,8%) so năm 2014, chiếm 8,3% so tổng nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ năm 2015 đến nay, hằng năm, 100% huyện, thị xã, thành phố đều dành một phần ngân sách để chuyển sang ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo các chương trình.

Với nhiều nỗ lực, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Quảng Ngãi trong 10 năm qua đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; làm chuyển biến phương thức sản xuất của hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hàng hóa; nâng cao chất lượng môi trường sống, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng; vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Quảng Ngãi đã không ngừng được củng cố và nâng cao.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Quảng Ngãi đã không ngừng được củng cố và nâng cao.

Cụ thể, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho 306.903 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Quảng Ngãi được vay vốn, với số tiền 10.915 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 30/6/2024 đạt 5.570 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ đồng so năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng 141,5%, với gần 107 ngàn hộ nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 10 năm qua đã tạo điều kiện cho: 61.481 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, 7.073 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 46.351 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm, 425 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng 162.664 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 4.528 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW

Trong những năm qua, cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Quảng Ngãi đã không ngừng được củng cố và nâng cao. Năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn tín dụng chính sách xã hội toàn tỉnh là 0,33% trên tổng dư nợ, đến ngày 30/6/2024 tỷ lệ nợ quá hạn còn 0,095% trên tổng dư nợ (giảm 0,235%).

Việc điều tra, xác định, rà soát bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách được chính quyền địa phương cấp xã thực hiện theo đúng quy định. Định kỳ hằng năm, các địa phương tổ chức thực hiện điều tra, rà soát, phê duyệt kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm, giai đoạn làm cơ sở để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay; thường xuyên rà soát, bổ sung vào danh sách những hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh, đủ điều kiện và cho ra khỏi danh sách những hộ đã thoát nghèo theo quy định.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Quảng Ngãi với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp và chính quyền địa phương ngày càng được nâng cao, đi vào chiều sâu, công tác bình xét cho vay tại cơ sở có sự tham gia giám sát, chứng kiến của Trưởng thôn/Tổ trưởng Tổ dân phố, công tác tuyên truyền vận động người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay, thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trả lãi hàng tháng…

Quảng Ngãi sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội.

Quảng Ngãi sẽ tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội.

Ông Trần Duy Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, để nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giản biên chế, tiết giảm chi phí quản lý, đơn vị thực hiện phương thức quản lý thông qua hình thức ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ tiết kiệm và vay vốn và tổ chức giao dịch trực tiếp tại UBND cấp xã. Thực hiện phương thức này, chi nhánh đã tổ chức được mạng lưới hoạt động rộng khắp đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; phát huy sự kết hợp giữa nhiệm vụ chính trị của các tổ chức chính trị - xã hội với các công cụ về kinh tế của các chương trình tín dụng chính sách, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ở Quảng Ngãi còn gặp những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số địa phương, nhất là huyện miền núi thiếu nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách; công tác giảm nghèo tại một số địa phương chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một số cơ chế thực hiện chính sách giảm nghèo chưa đồng bộ (đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), sự quan tâm đối với hoạt động tín dụng chính sách có nơi có lúc chưa cao.

Chưa có chính sách cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, trong khi nhu cầu của đối tượng này rất lớn; chưa có chính sách cho vay đối với hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng, sửa chữa nhà ở, trong khi nhà ở là một tiêu chí đánh giá việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản khi điều tra, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Trước những khó khăn trên, cũng theo bà Đinh Thị Hồng Minh, trong thời gian tới Quảng Ngãi tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Lãnh đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, trong đó đặc biệt quan tâm đến tín dụng chính sách xã hội, xem đây là giải pháp quan trọng cho công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan thường xuyên có giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Chỉ đạo phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống và trả được nợ Ngân hàng.

Đặc biệt, xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu hàng năm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm từ 15% đến 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng theo Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 4/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/kim-chi-nam-cho-tin-dung-chinh-sach-o-quang-ngai-153950.html