Kim cương giá 350 triệu đồng/carat mới chỉ bằng một phần nhỏ của loại đá quý này, ngay cả 'vua dầu mỏ' Rockefeller cũng săn lùng

Những viên đá quý này đã được sử dụng làm biểu tượng của sự giàu có, quyền lực và địa vị, thường gắn liền với sự sang trọng và quyến rũ.

Sự hiếm có và vẻ đẹp của đá quý làm cho chúng trở nên giá trị, có thể bán đấu giá với con số cao ngất ngưởng. Việc "rót vốn" vào đá quý có thể là bước đi thông minh cho những ai đang tìm kiếm khoản đầu tư dài hạn.

Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên giá trị cao cho đá quý, một trong số đó là sự khan hiếm, thậm chí có loại chỉ tìm được ở vài nơi trên thế giới. Chính sự khan hiếm này đẩy giá lên cao khi các nhà sưu tập và nhà đầu tư cạnh tranh để có được đá quý.

Yếu tố khác có thể kể đến chính là chất lượng của đá. Đá quý được phân loại dựa trên một số tiêu chí, bao gồm màu sắc, độ trong và đường cắt. Một viên đá quý không tì vết, được cắt hoàn hảo với màu sắc rực rỡ sẽ có giá trị hơn nhiều so với viên đá có thể nhìn thấy tạp chất bên trong hoặc có màu xỉn.

Theo Prestige Online, số tiền để mua kim cương trắng có thể lên tới 15.000 USD (hơn 350 triệu đồng) cho mỗi carat. Nhưng con số này chỉ là một phần nhỏ so với các loại đá quý tiền tỷ dưới đây.

Đá quý tương đối ổn định về giá trị và có thể là danh mục đầu tư thích hợp trong bối cảnh lạm phát. Ảnh: Prestige Online.

Đá quý tương đối ổn định về giá trị và có thể là danh mục đầu tư thích hợp trong bối cảnh lạm phát. Ảnh: Prestige Online.

5. Alexandrite trị giá lên tới 1,6 tỷ đồng/carat

Nhờ vẻ đẹp và giá trị tinh tế, đá Alexandrite ngày càng trở nên phổ biến đối với đồ trang sức cao cấp. Nhờ đặc tính độc đáo là khả năng thay đổi màu sắc, Alexandrite được mệnh danh là "ngọc lục bảo ban ngày, hồng ngọc ban đêm".

Vào ban ngày, Alexandrite có màu xanh lam hoặc xanh lông công. Vào lúc chạng vạng tối, màu đó chuyển thành màu tím lộng lẫy với sắc đỏ. Sự thay đổi này xảy ra do cách Alexandrite hấp thụ ánh sáng.

Giá của Alexandrite thay đổi tùy theo kích thước của chúng. Điều này là bởi các khối lớn rất hiếm, dẫn đến giá có thể tăng theo cấp số nhân. Theo Rare Gem Collection và Prestige Online, giá bán buôn cho 1 carat Alexandrite có thể ở mức 20.000 USD (gần 470 triệu đồng) nhưng cũng có thể lên tới 70.000 USD/carat (khoảng 1,6 tỷ đồng).

Viên lớn nhất cho đến nay nặng 65,08 carat trị giá hơn 4 triệu USD (khoảng 94 tỷ đồng), hiện được lưu giữ tại Viện Smithsonian (tổ hợp bảo tàng, giáo dục và nghiên cứu lớn nhất thế giới, tọa lạc tại thủ đô Washington, D.C của Mỹ).

Sự thịnh vượng, hoàng gia và giàu có là những biểu tượng rõ ràng nhất của Alexandrite. Loại đá này còn được coi là viên đá của trí tuệ, sự thay đổi và may mắn. Ảnh: Rare Gem Collection.

Sự thịnh vượng, hoàng gia và giàu có là những biểu tượng rõ ràng nhất của Alexandrite. Loại đá này còn được coi là viên đá của trí tuệ, sự thay đổi và may mắn. Ảnh: Rare Gem Collection.

4. Ngọc lục bảo - lên tới hơn 7 tỷ đồng/carat

Với sắc xanh ngọc quyến rũ, không có gì ngạc nhiên khi ngọc lục bảo lọt top những loại đá được ưa chuộng hàng đầu thế giới. Ngọc lục bảo hoàn hảo rất hiếm và thậm chí ngọc lục bảo chất lượng cao thường khó tìm hơn kim cương. Một khi được tìm thấy, ngọc lục bảo có thể được bán với giá cao ngất ngưởng.

Mặc dù các hệ thống phân loại chất lượng cho kim cương và ngọc lục bảo tương tự nhau, màu sắc của ngọc lục bảo được chú trọng nhiều hơn so với kim cương. Điều này có nghĩa là một viên ngọc lục bảo nhỏ nhưng có nhiều màu sắc có thể đắt hơn một viên kim cương lớn nhưng có nhiều vết mây mờ.

Ví dụ cho trường hợp này là viên Rockefeller Emerald nặng 18,04 carat, được tỷ phú dầu mỏ John D.Rockefeller mua tặng vợ Abby Aldrich Rockefeller. Về sau, viên đá xuất hiện trên sàn đấu giá Christie's và được rao với mức kỷ lục 5,5 triệu USD (gần 130 tỷ đồng), tương đương 305.000 USD (hơn 7 tỷ đồng) cho một carat.

Viên Rockefeller là viên ngọc lục bảo hoàn mỹ lớn và đắt nhất thế giới. Ảnh: Christie's.

Viên Rockefeller là viên ngọc lục bảo hoàn mỹ lớn và đắt nhất thế giới. Ảnh: Christie's.

3. Kim cương hồng có giá gần 28 tỷ đồng/carat

Màu sắc của kim cương thường là hậu quả của tạp chất. Tuy nhiên, đối với kim cương đỏ và hồng, sắc độ này xuất phát từ những khiếm khuyết nhỏ trong cấu trúc mạng ting thể.

Chủ yếu được khai thác tại mỏ Argyle ở Australia, viên kim cương này rất được thèm muốn nhờ màu hồng lãng mạn. Mặc dù chi phí cho loại kim cương này khá cao, người mua có thể nhận được mức giá thân thiện hơn khi kim cương hồng được khai thác bên ngoài mỏ Argyle.

Viên kim cương hồng đắt nhất được bán có giá 57,7 triệu USD (hơn 1,3 nghìn tỷ đồng) tại cuộc đấu giá Sotheby's Hong Kong (Trung Quốc) hồi tháng 10/2022. Được mệnh danh là "Ngôi sao hồng Williamson", viên kim cương cắt hình cushion này được ghi nhận là có tông màu "hồng rực rỡ lạ mắt" và "bên trong hoàn hảo".

Mức giá này khiến viên Williamson nặng 11,15 carat trở thành viên kim cương đắt nhất trên mỗi carat từng được bán.

Viên kim cương hồng Williamson. Ảnh: Ali Haider, Sotheby's.

Viên kim cương hồng Williamson. Ảnh: Ali Haider, Sotheby's.

2. Kim cương đỏ có giá lên tới 37,5 tỷ đồng/carat

Đỏ là màu sắc hiếm nhất đối với kim cương và do sự quý hiếm này, kim cương đỏ dễ dàng trở thành một trong những loại đá quý đắt nhất thế giới. Cho đến ngày nay, chỉ còn khoảng 20-30 viên kim cương đỏ còn tồn tại, phần lớn có trọng lượng dưới ½ carat.

Viên kim cương đỏ 5,11 carat lớn nhất từng được bán với giá 8 triệu USD (gần 188 tỷ đồng), tương đương 1,6 triệu USD/carat (hơn 37,5 tỷ đồng mỗi carat).

Moussaieff Red Diamond là viên kim cương đỏ lớn nhất thế giới. Ảnh: Diamond Buzz.

Moussaieff Red Diamond là viên kim cương đỏ lớn nhất thế giới. Ảnh: Diamond Buzz.

1. Kim cương xanh trị giá lên tới 92,2 tỷ đồng/carat

Người mua sẽ không tìm thấy một viên kim cương xanh nào bên ngoài sàn đấu giá, do mức độ quý hiếm của loại đá này. Và khi có thông tin liên quan đến kim cương xanh xuất hiện, các nhà sưu tập hay nhà đầu tư sẽ kéo đến để tìm cơ hội sở hữu. Chỉ có một số mỏ trên thế giới khai thác kim cương xanh, nằm ở Australia, Ấn Độ và Nam Phi.

Kim cương xanh có màu từ nguyên tố boron, thay thế một số carbon trong cấu trúc tinh thể kim cương. Dù không hiếm bằng kim cương đỏ, kim cương xanh có thể phát triển lớn hơn nhiều so với kim cương đỏ và thường được bán với giá cao hơn. Và như các kim cương màu khác, kim cương xanh đắt hơn khi màu sắc và trọng lượng carat tăng lên.

Nhân viên của Christie's đang xem viên kim cương Oppenheimer Blue 14,62 carat. Ảnh: Martial Trezzini/EPA. Ảnh: The Guardian.

Nhân viên của Christie's đang xem viên kim cương Oppenheimer Blue 14,62 carat. Ảnh: Martial Trezzini/EPA. Ảnh: The Guardian.

Đến nay, viên đắt nhất được ghi nhận là Oppenheimer Blue được bán với giá ngất ngưởng 57,5 triệu USD (hơn 1,3 nghìn tỷ đồng) tại cuộc đấu giá Christie's vào năm 2016. Viên đá nặng 14,62 carat, cắt hình chữ nhật này từng thuộc về gia đình Oppenheimer, gia đình thống trị thương mại kim cương toàn cầu trong nhiều năm.

Theo Prestige Online

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/kim-cuong-gia-350-trieu-dong-carat-moi-chi-bang-mot-phan-nho-cua-loai-da-quy-nay-ngay-ca-vua-dau-mo-rockefeller-cung-san-lung-172230510082143139.htm