Kim Jong Un đang 'nhắc nhở' ông Trump

Vụ thử tên lửa ngày 2/10 của Triều Tiên được thực hiện chỉ vài giờ sau khi chính quyền Kim Jong Un thông báo sẽ nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ vào cuối tuần này.

Thời gian gần đây, Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa đạn đạo trong khi đàm phán với Mỹ bị sa lầy. Tổng thống Trump thường giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của các vụ thử đó, nói rằng chúng không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào.

Người Hàn Quốc xem tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại một nhà ga ở Seoul hôm 2/10.

Người Hàn Quốc xem tin tức về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên tại một nhà ga ở Seoul hôm 2/10.

Tuy nhiên, vụ thử hôm 2/10 rất khác biệt. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc tin rằng đó là một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, được phóng từ vùng biển ngoài khơi phía đông. Vũ khí này được cho là một loại tên lửa Pukguksong, theo hãng tin Yonhap.

Nếu phân tích trên chuẩn xác thì đây là vụ thử tên lửa có thể mang hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên, kể từ sau vụ thử năm 2017 đối với tên lửa đạn đạo Hwasong-15, diễn ra trước khi ông Kim Jong Un lập lại quan hệ với Mỹ.

Theo đồ họa Statista dưới đây, Triều Tiên đang trên đà lập kỷ lục mới về các vụ thử tên lửa thành công hàng năm. Tuy nhiên, vụ thử hôm 2/10 không phải là với loại tên lửa tầm ngắn mà ông Trump đến nay vẫn phớt lờ.

Nó cũng là vụ thử tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2016, chứng tỏ tốc độ phát triển răn đe hạt nhân trên biển của Triều Tiên, đồng thời làm phức tạp thêm bất kỳ khả năng tấn công phủ đầu nào của Mỹ nhằm loại bỏ năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng trước một cuộc chiến.

Trước khi nối lại đối thoại với Triều Tiên, Tổng thống Trump đã ca ngợi "phương pháp đàm phán mới" được phía Triều Tiên đón nhận nồng nhiệt. Việc ông sa thải Cố vấn an ninh quốc gia diều hâu John Bolton cũng được Bình Nhưỡng hoan nghênh, làm tăng thêm hy vọng hai bên sẽ đạt được nhiều tiến bộ so với trước.

Nhưng, vụ phóng mới của Triều Tiên đe dọa làm hỏng tất cả.

Ankit Panda, biên tập viên cấp cao của tạp chí The Diplomat, mô tả động thái mới của chính quyền Kim Jong Un là "một thời khắc quan trọng", nhấn mạnh vụ phóng sử dụng một tên lửa có thể mang hạt nhân.

Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại Học viện công nghệ Massachusetts (MIT), cho rằng đó rõ ràng là một vụ thử hệ thống vũ khí hạt nhân và nó nằm trong danh mục tầm trung, chứ không phải như thường lệ.

Narang bình luận thêm rằng, mục đích vụ thử có thể là một mũi tên trúng hai đích. Ông Kim tiến hành vào thời điểm sát nút, có lẽ vừa vì lý do kỹ thuật vừa muốn nhắc nhở: "Tôi có sức mạnh vũ khí hạt nhân đấy, hãy quen với điều đó đi".

Hai ông Donald Trump và Kim Jong Un gặp nhau ở vùng phi quân sự thuộc biên giới liên Triều hôi cuối tháng 6.

Hai ông Donald Trump và Kim Jong Un gặp nhau ở vùng phi quân sự thuộc biên giới liên Triều hôi cuối tháng 6.

Harry Kazianis, Giám đốc cấp cao về các nghiên cứu Triều Tiên tại tạp chí National Interest, cũng cho rằng vụ phóng là một phần chiến lược của Triều Tiên cho các cuộc đàm phán sắp tới. "Dường như Triều Tiên muốn thể hiện vị thế đàm phán rõ ràng trước khi đối thoại bắt đầu", ông nhận định.

Theo Kazianis, Triều Tiên "muốn nhắc nhở Washington về năng lực quân sự của mình, đặc biệt là khi Hàn Quốc vừa khoe dàn chiến cơ tàng hình F-35 mới tậu".

"Thông điệp của Triều Tiên rất rõ ràng: 'Khả năng gây rắc rối của chúng tôi đang tăng lên từng ngày'. Bình Nhưỡng có vẻ như sẽ thúc đẩy Washington rút khỏi các yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước đây để đổi lấy các cam kết giảm nhẹ trừng phạt", ông nói.

Video tự tạo của bài

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/kim-jong-un-dang-nhac-nho-ong-trump-573563.html